Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 05:24 (GMT +7)
Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 25/12/2022 | 06:40:48 [GMT +7] A A
Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh vừa tiến hành chạy thử nghiệm chương trình ca múa nhạc và kịch phục vụ du lịch. Chương trình đã nhận được một số góp ý tích cực của người xem từ góc độ sản phẩm nghệ thuật thu hút du khách.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt này diễn ra vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh (TP Hạ Long). Kịch mục gồm có 2 phần với tổng thời lượng khoảng 60 phút. Phần ca múa nhạc gồm 4 tiết mục: Múa “Tính tẩu mùa xuân”, độc tấu sáo “Hello Hạ Long, Hello Việt Nam”, hát múa chầu văn “Cô đôi thượng ngàn”, hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Mái đình làng biển”. Phần hai là vở nhạc kịch mang tên “Hạ Long thần tiên”.
Vở diễn đã đặt ra một số vấn đề thực tiễn cụ thể về việc xây dựng sản phẩm nghệ thuật cho du lịch, góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh. Các thành viên hội đồng đề xuất đưa thêm những câu chuyện huyền thoại, ca dao dân ca về Hạ Long, về Quảng Ninh vào chương trình, kết hợp những công nghệ kỹ xảo hiệu ứng sân khấu hiện đại, tăng cường hát live trên sân khấu tạo sự sinh động, vui tươi cho du khách.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cho biết: Nhu cầu xã hội hiện nay đã đặt ra yêu cầu cao hơn, mới hơn hướng tới đối tượng phục vụ là khách du lịch. Những vở diễn như thế này đòi hỏi mức độ khó hơn vở hội diễn chỉ diễn trong nước mà cả phục vụ nước ngoài nữa. Vì thế ekip dàn dựng không được dập khuôn máy móc, đóng khuôn bó hẹp mà luôn được điều chỉnh diễn nhiều lần. Vở diễn cần được trẻ trung hóa chương trình khai thác tối đa yếu tố huyền thoại hóa, kết hợp những công nghệ kỹ xảo hiện đại trên sân khấu đánh thức cảm xúc của khán giả.
Từ góc nhìn của người mua gói sản phẩm hàng hóa, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Thiên nhiên đã ban cho chúng ta những phong cảnh đẹp, tuy nhiên hiện nay chúng ta đang thiếu những sản phẩm văn hóa, sản phẩm nhân tạo. Trong khi đó, phong cảnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa phải đi liền với nhau để lưu lại ấn tượng đẹp đối với du khách, nhất là khách nước ngoài. Khách du lịch là người mua hàng khiến chúng ta dần dần phải điều chỉnh và hoàn thiện các chương trình kịch mục theo nhu cầu của mỗi đối tượng khách. Điều chỉnh các tiết mục ca múa bám vào các tác phẩm mà du khách nghe xong biết ngay không cần phải giải thích bằng lời nói hay chữ viết. Các tiết mục cũng nên tăng cường người hát live, nên khai thác hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long. Hình ảnh trên màn hình led nên ưu tiên dùng cảnh của Quảng Ninh để minh họa chạy chữ để giới thiệu. Gói sản phẩm này cũng cần mở rộng không gian biểu diễn để phục vụ du khách.
Trong khi đó, cũng có những quan điểm tiếp nối ý kiến về sản phẩm hàng hóa, thậm chí sản phẩm hàng hóa phải rẻ và đại chúng. Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Hữu Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng, phải coi sản phẩm nghệ thuật là một mặt hàng để bán phải vừa rẻ, vừa ngon, vừa quảng đại, phù hợp với đông đảo khách du lịch và phản ánh nét văn hóa địa phương. Vì thế, cần nghiên cứu để đưa múa Dao sôi động, đưa hát giao duyên mềm mại trên Vịnh Hạ Long và những loại hình dân ca đặc sắc của Quảng Ninh vào chương trình. Cùng với đó, cần giới thiệu về Hạ Long đến du khách bằng ngôn ngữ có tính quốc tế, ngôn ngữ múa, ngôn ngữ âm nhạc, hạn chế việc hát tiếng Việt. Cũng cần nghiên cứu những thực cảnh diễn tả đời sống của cư dân địa phương thay vì chỉ diễn trên sân khấu.
Âm nhạc, tất nhiên phải là một yếu tố cực kỳ quan trọng của gói sản phẩm này. Nhạc sĩ Xuân Nhật, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ninh, cho rằng chương trình cần cung cấp cho du khách những tiết mục có trang phục đạo cụ âm thanh ánh sáng đẹp. Ca nhạc MV hình minh họa phải chạy chậm có những điểm nhấn về danh thắng Quảng Ninh. Phần nhạc cụ dân tộc không nên đệm điện tử chỉ nên đánh mộc để khoe được nhạc cụ dân tộc. Chương trình nhạc kịch phải có tính chất kịch tính cần thêm vui tươi, cần gọn gàng hơn.
Cùng với âm nhạc, vũ đạo cũng đem đến một thứ ngôn ngữ quốc tế, không cần diễn giải bằng lời. Biên đạo múa Minh Ngọc, Giám đốc Trung tâm Thực hành nghệ thuật và du lịch, Trường Đại học Hạ Long thì cho rằng, chương trình có nội dung công phu, mỹ thuật sân khấu ấn tượng, có thể hiện cách tiếp cận mới về huyền thoại Hạ Long, phù hợp với đối tượng du khách. Tuy nhiên, với mỗi đối tượng du khách lại điều chỉnh theo nhu cầu, đối với nội dung nào cần nhấn mạnh thì đưa nhiều, nội dung nào nên lướt qua. Vì vậy, cấu trúc phải nên điều chỉnh lại. Chương trình cũng nên có sự giao lưu tạo sự hồ hởi tưng bừng.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()