Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 21:07 (GMT +7)
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm
Thứ 5, 17/08/2023 | 08:09:55 [GMT +7] A A
Từ đầu năm 2023 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên đến nay tỷ lệ giải ngân vốn vẫn đạt thấp, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2023 (Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 18/1/2023). Cùng với đó, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện xử lý tài sản công để thực hiện các dự án đầu tư công (Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 20/6/2023); Tổ giám sát các dự án trọng điểm do các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh làm chủ đầu tư (Quyết định số 2251/QĐ-UBND ngày 8/8/2023). UBND tỉnh cũng ban hành 5 thông báo kết luận, 1 chỉ thị và các văn bản phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng chủ đầu tư, từng thành viên 2 Tổ công tác để theo dõi tiến độ giải ngân vốn đầu tư đối với 12 dự án trọng điểm, quan trọng, 2 chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện phân khai nguồn vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp, bãi đổ thải.
Đối với các dự án khởi công mới 2023, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 7098/TB-VP.UBND, yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quý I/2023, triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng thi công chậm nhất trong quý II/2023, đồng thời chỉ đạo thời gian cụ thể phải hoàn thành thủ tục đầu tư, hoàn thành dự án, công trình trọng điểm năm 2023.
Theo nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành, công tác chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh triển khai rất quyết liệt, tích cực. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được lại không như mong đợi. Nguồn vốn giải ngân ở cả cấp tỉnh, cấp huyện đều thấp hơn so với cả nước và cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những tháng đầu năm.
Tổng hợp kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 8/8/2023 cho thấy, trong tổng nguồn vốn đầu tư công được phân khai chi tiết (trên 15.000 tỷ đồng), hiện mới chỉ giải ngân đạt gần 4.300 tỷ đồng, đạt 28,4% kế hoạch đã phân khai, đạt 31% so với kế hoạch giao đầu năm, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (ước đạt 35%) và cùng kỳ năm 2022 (36%).
Ngoài nguồn vốn Trung ương đạt cao hơn so với cùng kỳ, thì nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đều thấp. Hiện tỷ lệ giải ngân vốn cấp tỉnh mới đạt 21% kế hoạch đã phân khai; cấp huyện mới đạt 30,5% kế hoạch phân khai. Vốn cấp tỉnh hiện có 4 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình, bao gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (27,8%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (15,5%), Công an tỉnh (9,5%), Bộ CHQS tỉnh (26,1%). Cá biệt vẫn còn 2 chủ đầu tư vốn ngân sách tỉnh chưa thực hiện giải ngân (Ban Quản lý KKT tỉnh, Trường Đại học Hạ Long).
Đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện, hiện có đến 9/13 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn của tỉnh, gồm: Đầm Hà 19%, Hải Hà 13,9%, Đông Triều 15,7%, Uông Bí 23%, Cẩm Phả 20,5%, Vân Đồn 27,6%, Cô Tô 24,9%, Bình Liêu 24,6%, Tiên Yên 21,2%.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Tổng hợp 2 nguồn vốn cho thấy, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn kéo dài năm nay thấp hơn so với mọi năm. Hiện nguồn vốn kéo dài của tỉnh mới đạt 18,5% kế hoạch, trong đó vốn kéo dài ngân sách tỉnh đạt 20% kế hoạch, cấp huyện đạt 13% kế hoạch. Một số dự án có kế hoạch vốn kéo dài lớn nhưng tỷ lệ giải ngân lại thấp, như dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh giai đoạn 2, hỗ trợ GPMB dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, cầu nối đường tỉnh 330 với trung tâm thị trấn Ba Chẽ kết hợp với kè chống sạt lở tuyến đường trục chính và khu dân cư thị trấn Ba Chẽ, Trường THPT Ba Chẽ.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được các sở, ngành, chủ đầu tư, địa phương lý giải là do thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, GPMB, xử lý tài sản công, đấu giá thu tiền sử dụng đất, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, kỹ thuật trong thực thi nhiệm vụ; thủ tục đầu tư kéo dài, liên quan đến nhiều ngành nhưng chưa được giải quyết quyết liệt.
Trước thực trạng nguồn vốn giải ngân chậm, ngày 9/8 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để bàn các giải pháp thực hiện. Tại cuộc họp, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; rà soát, báo cáo cụ thể về UBND tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023, từ đó điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân. Đồng thời, thu hồi vốn tạm ứng, phát huy vai trò của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.
Mạnh Trường
- Tháo gỡ khó khăn trong thi công các dự án, công trình trọng điểm
- Đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công
- TP Hạ Long: Chuyển biến tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công
- TX Đông Triều cần vào cuộc quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư công
- Tăng trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
Liên kết website
Ý kiến ()