Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 02:14 (GMT +7)
Tiện ích từ chuyển đổi số
Thứ 5, 13/10/2022 | 15:10:33 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng 2030, đến nay các cơ quan, đơn vị đã triển khai các giải pháp hiệu quả, người dân đồng hành tích cực. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, kiến tạo sự phát triển KT-XH ngày càng bền vững, hiện đại.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các trung tâm hành chính công đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, số hồ sơ TTHC được giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4 đang ngày càng tăng mạnh. Từ tháng 1 đến hết tháng 8/2022, đã có gần 32.000 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 75%. Trong đó, trên 13.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến quốc gia và gần 40 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bên cạnh việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, Trung tâm đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như số hoá điện tử dữ liệu hồ sơ TTHC. Từ đầu tháng 6/2022, Trung tâm triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành (GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TT&TT, Tư pháp, Y tế). Tới đây, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dữ liệu của mình đã được số hóa thông qua tài khoản cá nhân trên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Mặt khác, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đưa dịch vụ thanh toán điện tử qua nhiều hình thức, tích hợp với nền tảng thanh toán quốc gia. Thông qua đó, giảm số lượng thủ tục, giảm thời gian thực hiện, giảm số lần đi lại, giảm tiếp xúc trực tiếp và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Quá trình triển khai nghị quyết chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trên hành trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Ngày 25/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 97 về triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. Hiện 100% trung tâm hành chính công các cấp đã chủ động ký kết hợp đồng với các ngân hàng trên địa bàn cung cấp các kênh thanh toán như quét mã QR, quẹt thẻ qua máy POS, thanh toán nghĩa vụ tài chính qua cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn có thêm nhiều lựa chọn phương thức thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công không cần sử dụng tiền mặt. Từ đó, tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, năng suất lao động, giảm các thủ tục hành chính, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho cán bộ các đơn vị.
Tại Công ty Điện lực Quảng Ninh, việc ứng dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cũng đang ngày càng được đẩy mạnh. Đơn vị đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng như: Agribank, BIDV, ViettinBank, VietcomBank, ABBank, VIB... cùng một số tổ chức trung gian như Viettel, Ecpay, Payoo... mở dịch vụ thanh toán trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng khi thanh toán tiền điện. Dự kiến, đến hết năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Điện lực Quảng Ninh đạt 80%, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh giao.
Những tiện ích của chuyển đổi số với đời sống KT-XH còn thể hiện rõ trong ngành nông nghiệp. Việc mạnh dạn đổi mới tư duy, đẩy mạnh ứng dụng số trong sản xuất, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tại TX Đông Triều, người nông dân đã từng bước ứng dụng Internet và các thiết bị công nghệ để tự động hóa nhiều công đoạn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu những bất lợi khách quan tác động đến sản xuất. Nhiều hộ dân chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài...
Việc chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực. Hiện nay, ngoài hàng trăm sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên đã có mặt trên một số sàn thương mại điện tử như postmart.vn và voso.vn... các địa phương cũng tích cực lựa chọn ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, phù hợp với mỗi loại hình sản xuất nông nghiệp.
Với lợi thế sẵn có, cùng nền móng được xây dựng vững chắc từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Quảng Ninh đang nỗ lực hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Phấn đấu trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()