Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 15:05 (GMT +7)
Tiện ích từ Đề án 06
Thứ 6, 29/03/2024 | 07:47:06 [GMT +7] A A
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030" của Chính phủ (Đề án 06) với nhiều cách làm sáng tạo. Qua đó, đã tạo hiệu quả tích cực trong cung cấp tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Trong quý I, Công an Quảng Ninh đã chủ trì tổ chức ra mắt, giới thiệu 45 mô hình điểm Đề án 06 tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, giới thiệu các tiện ích của mô hình. Đơn vị cũng xây dựng dự thảo phụ lục chỉnh sửa phân công vai trò chủ trì theo dõi, đôn đốc và triển khai các mô hình điểm gửi các sở, ngành, địa phương tham gia ý kiến.
Các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được các cấp, ngành, đơn vị triển khai tích cực. Điển hình như thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, đến nay tỉnh đã số hóa 100% TTHC từ khâu tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện. Trong đó, thí điểm bóc tách dữ liệu đối với một số lĩnh vực trọng điểm, với mục đích tái sử dụng dữ liệu và kết quả giải quyết TTHC của công dân để không phải kê khai lại trong các lần làm TTHC tiếp theo.
Riêng trong tháng 3/2024, qua hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận và số hoá 7.911 hồ sơ (đạt 98,5%); trả 8.612 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (đạt 94%). Cùng với đó, cấp huyện đã tiếp nhận và số hoá 21.693 hồ sơ (đạt 99,7%); trả 21.204 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (đạt 88,4%). Cấp xã tiếp nhận và số hoá 26.929 hồ sơ (đạt 98,1%); trả 26.371 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (đạt 95,1%).
Trong lĩnh vực y tế cũng đã triển khai bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ. Tại các bệnh viện, trung tâm y tế cũng chủ động nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR) để đáp ứng các tiêu chí xây dựng bệnh viện thông minh/bệnh viện không giấy tờ theo quy định, đảm bảo yêu cầu kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT với cổng giám định BHXH Việt Nam.
Đến nay, 349 cơ sở y tế được cấp mã liên thông trên hệ thống kê đơn thuốc quốc gia cơ sở khám chữa bệnh, 2.208 người kê đơn đã được cấp mã để thực hiện kê đơn và liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia. Cùng với đó, y tế tuyến tỉnh duy trì giải pháp hỗ trợ, nhóm hỗ trợ chuyên môn, tư vấn khám và điều trị từ xa cho cơ sở y tế tuyến dưới; thực hiện kết nối với 11 bệnh viện Trung ương, như: Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Trung ương... để thực hiện tư vấn, hỗ trợ chẩn đoán điều trị, hội chẩn từ xa cho người bệnh.
Trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, các đơn vị đã thực hiện khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho hơn 1,3 triệu người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh; triển khai thẩm định kinh phí dự toán kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin - hồ sơ sức khoẻ điện tử của tỉnh.
Song song với đó, trong lĩnh vực hải quan, tỉnh cũng hoàn thành khảo sát, xây dựng quy trình, tổ chức hội nghị tham vấn các chuyên gia và cơ quan liên quan đối với cửa khẩu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái). Hiện Cục Hải quan tỉnh đang bám sát Tổng cục Hải quan về triển khai mô hình cửa khẩu số và quy trình áp dụng thí điểm tại cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 đảm bảo tiến độ thực hiện theo lộ trình; nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án triển khai mô hình cửa khẩu số tại cửa khẩu Bắc Luân 2.
Triển khai Đề án 06, đến nay 100% chợ trung tâm tại 13 địa phương trong tỉnh cũng chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử của Quảng Ninh cũng đang giới thiệu 560/560 sản phẩn OCOP của 235 doanh nghiệp, có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Hiện 100% doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; có 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 97,5%). Trong đó, 100% doanh nghiệp điện, nước, viễn thông đã triển khai hợp đồng điện tử; tỷ lệ hợp đồng điện tử được ký kết, sử dụng đạt trên 70%. 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ sách điện tử; 100% học sinh và giáo viên được cập nhật thông tin trên hệ thống quản lý của ngành…
Trong phát triển du lịch, tỉnh cũng phát triển kho tích hợp dữ liệu du lịch và cổng thông tin điện tử về du lịch bằng ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung; ứng dụng công nghệ phục vụ trưng bày hiện vật, xây dựng mô hình bảo tàng ảo, nghiên cứu ứng dụng hệ thống vé điện tử, tra cứu thông tin trực tuyến, bản đồ số du lịch, số hóa thông tin điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D... Xây dựng mô hình thực tế ảo đối với các điểm du lịch Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh...
Đến nay, nhiều điểm tham quan du lịch có mã QR Code để du khách thuận tiện tra cứu, tìm hiểu. Điển hình như TP Uông Bí triển khai đề án “Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch TP Uông Bí” và đề án “Số hóa và truyền thông, quảng bá du lịch TP Uông Bí trên các nền tảng số”, xây dựng app ứng dụng du lịch trên thiết bị di động, thí điểm lắp đặt hệ thống kiểm soát vé điện tử có tích hợp giữa cáp treo với vé vãng cảnh tại Yên Tử; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long triển khai phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử; TX Quảng Yên triển khai khởi tạo định vị điểm di tích trên bản đồ Google Maps... Chị Nguyễn Mai Linh (tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Đến Móng Cái du lịch, thay vì phải đi tìm hướng dẫn viên để giới thiệu về di tích, danh thắng, đoàn chúng tôi chỉ cần dùng điện thoại thông minh để quét mã QR là có thể tra cứu đầy đủ tư liệu hình ảnh, video giới thiệu về các tuyến, điểm du lịch mà mình muốn đến. Cách làm này rất hiện đại và tạo thuận tiện cho du khách...
Ngoài ra, lĩnh vực giao thông, logistics cũng ứng dụng hiệu quả phần mềm điện tử, nhất là cập nhật và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Điển hình như TP Hạ Long lắp đặt hệ thống nhận dạng tàu thuyền AIS trên các tàu du lịch đóng mới và lắp đặt hệ thống định vị GPS, camera giám sát hành trình trên toàn bộ tàu du lịch. Huyện Đầm Hà có camera giám sát tại các điểm nút giao thông, nhà văn hóa ở một số xã, thị trấn. TX Quảng Yên lắp đặt camera an ninh trên các tuyến đường trọng yếu, vị trí nút giao và một số tuyến đường liên xã, liên thôn... Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe ô tô và đang cập nhật dữ liệu giấy phép lái xe mô tô (có giá trị không thời hạn), phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, phù hiệu các loại đối với phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải…
Tích cực triển khai Đề án 06 đã và đang góp phần tạo hiệu quả cho Quảng Ninh trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vục; đồng thời tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Đầu tháng 3/2024, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai thực hiện Đề án 06, bước đầu mang lại kết quả tốt, dấu ấn tích cực trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội và tăng năng suất lao động, đưa Quảng Ninh giữ vững vị trí nhóm đầu về 4 chỉ số quan trọng PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI… Mới đây, tại cuộc họp giao ban tháng 3 của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm cũng đã yêu: UBND các địa phương, trong đó có Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu các nhóm tiện ích thúc đẩy Đề án 06 của UBND TP Hà Nội để tổ chức nghiên cứu, lựa chọn áp dụng triển khai phù hợp với tình hình địa bàn, thúc đẩy Đề án 06 gắn theo 5 nhóm (pháp lý – hạ tầng – an ninh an toàn – dữ liệu – nguồn lực); khẩn trương rà soát, triển khai ngay dữ liệu đã được số hóa, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm TTHC cho người dân đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí…
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()