Từ 30.000 đồng một cân đỗ xanh, nhà khoa học tìm cách nghiên cứu thiết bị làm giá sạch, mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Thông tin được TS Đỗ Ngọc Chung, Công ty TNHH Giải pháp năng lượng toàn diện, chia sẻ tại hội nghị "Kết nối chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng IPPlatform với các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Bắc", do Viện Khoa học sở hữu trí trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hôm 3/7.
TS Chung (44 tuổi) cho hay kết quả khoa học chỉ thực sự có ý nghĩa, giá trị khi được đưa vào ứng dụng và thị trường chấp nhận. Tuy nhiên không nhiều người biết cách để biến tài sản trí tuệ thành sản phẩm, tạo thành tiền cho tác giả và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Được biết đến là một startup thành công với nhiều sản phẩm hữu ích, anh Chung chia sẻ kinh nghiệm thực tế về hành trình nâng tầm giá trị cây giá đỗ thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.
Ý tưởng sáng tạo thiết bị trồng giá đỗ được bắt đầu từ những năm 2013 với mong muốn sản xuất giá sạch và loại bỏ việc sử dụng hóa chất. Khác với thiết bị làm rau giá trên thị trường, sản phẩm của TS Chung hoàn toàn tự động và không dùng điện. Thiết bị cũng được thiết kế có không khí đối lưu tốt tăng nồng độ oxy, giải phóng CO2 và nhiệt độ nhanh hơn, cho ra rau giá sạch, ngon ngọt hơn.
Ban đầu khi mang thiết bị ủ giá sạch đi gọi vốn đều bị "lắc đầu" do nghiên cứu nhỏ bé không đầu tư. Để thỏa sức với những thử nghiệm nghiên cứu mới, nhà khoa học trẻ sáng lập công ty theo đuổi hướng kinh doanh sản xuất thiết bị làm giá cho hộ gia đình. Chỉ sau 3 năm, công ty có doanh thu vài chục tỷ đồng.
Anh tìm mọi cách đưa sản phẩm ra thị trường thông qua cải tiến quy mô thiết bị, tự mang sản phẩm nghiên cứu đi tiếp thị. "Nếu không dựa vào công nghệ, không đổi mới sáng tạo, khi sản phẩm bão hòa trên thị trường, doanh nghiệp sẽ chết", anh nói. Đây là lý do, TS Chung tiếp tục nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới như kim chi giá, trà vỏ đỗ xanh hay kombucha, đều được tận dụng từ chính nguồn nguyên liệu giá đỗ sạch. Việc tạo sản phẩm có giá trị hơn và chạm nhu cầu khách hàng giúp tăng giá trị hàng hóa theo cấp số nhân, đem lại lợi nhuận tiền tỷ.
Hiện công nghệ cùng các bằng sở hữu trí tuệ của TS Chung đã có trên nền tảng IPPlatform (nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp). Anh cho hay "thiết bị ngay khi ra thị trường đã có 5 đơn vị làm nhái", do đó anh khuyến nghị cần đăng ký bảo hộ nhằm "tự bảo vệ mình". "Tiến sĩ giá đỗ" cũng gợi ý cần đăng ký sở hữu trí tuệ ngay khi có ý tưởng, phân tích tiềm năng thị trường, để tạo tiền đề cho thử nghiệm và đưa sản phẩm thương mại hóa. Bên cạnh đó cần kết nối các đơn vị triển khai và linh hoạt mô hình tiếp thị sản phẩm.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học từ Viện nghiên cứu, trường đại học cũng chia sẻ kinh nghiệm trong nhận dạng tài sản trí tuệ phục vụ hoạt động khởi nghiệp. Hoạt động hỗ trợ ươm tạo và đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức, công nghệ sản phẩm khoa học cũng được nêu.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, TS Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết hội nghị đã kết nối chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng IPPlatform với các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp, các đầu tư thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó tiếp nhận yêu cầu tư vấn khởi nghiệp, bảo hộ tài sản trí tuệ.
TS Minh cho hay IPPlatform cung cấp các thông tin liên quan đối tượng sở hữu trí tuệ đang nộp đơn đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam. Qua đó giúp kết nối nhằm đưa tài sản trí tuệ vào hoạt động doanh nghiệp. Ông đánh giá cao các ý kiến tại hội thảo, nhấn mạnh việc kết nối các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp, vườn ươm sẽ giúp khai thác tốt nhất tài sản trí tuệ, thúc đẩy thương mại hóa, định giá tài sản trí tuệ.
Ý kiến ()