Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:01 (GMT +7)
Tiên Yên chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ 5, 01/08/2024 | 10:39:25 [GMT +7] A A
Là huyện miền núi, ven biển nên Tiên Yên nằm trong khu vực nhạy cảm dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là các loại hình thời tiết cực đoan. Nhận thức được điều này, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp chủ động, huy động nhiều nguồn lực nhằm ứng phó hiệu quả.
Huyện Tiên Yên có địa hình chia cắt, phức tạp, phần lớn là đất dốc từ phía Bắc thấp dần về phía Đông Nam, có đường bờ biển dài 35km, với 51,8km đê cấp 5 và 3 con sông chảy qua địa bàn đổ ra biển. Khi có mưa, bão kết hợp triều cường, một số tuyến đê và các hồ chứa nước ngọt phục vụ nông nghiệp đều có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Mưa to kéo dài, nước lớn về nhanh dễ gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt ở một số thôn, bản, khu phố. Chính vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) luôn được địa phương quan tâm.
Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT-TKCN. Hằng năm, huyện đều tổ chức tập huấn cho các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời ngay khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, được phê duyệt theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Trước khi mùa mưa bão đến, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo các thành viên trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai. Vừa qua, cơn bão số 2 đổ bộ, huyện Tiên Yên không ghi nhận thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan lơ là. Khi bão suy yếu thành áp thấp, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện vẫn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để chủ động ứng phó với những tình huống bất thường. UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, theo dõi các địa điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Những năm qua, huyện Tiên Yên cũng bố trí nguồn vốn ngân sách định kỳ để tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hồ, đập hiện có; đầu tư xây mới các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Trong đó có khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá với chiều dài luồng 250m, độ sâu vùng nước đậu tàu là -3,3m, sức chứa 282 tàu, với cỡ tàu lớn nhất có thể vào neo đậu đến 90 CV.
Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức đoàn thể, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh các loại hình thiên tai phổ biến; nhất là huy động các nguồn lực xã hội xây dựng các phương án chủ động ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Tiêu biểu như Huyện Đoàn Tiên Yên với nhiều hoạt động ý nghĩa “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, chương trình ra quân “làm sạch biển”…
Để phát triển sản xuất thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp của huyện đã đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, áp dụng mô hình sản xuất tiết kiệm nước, thích ứng với thời tiết, hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Đến nay, có 6 xã đã thực hiện áp dụng quy trình kỹ thuật tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nguồn nước trên diện tích 1.145ha trồng lúa. Địa phương cũng tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường, tiết kiệm nguồn nước, tuân thủ các biện pháp an toàn trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, huyện Tiên Yên cũng rất chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, rừng ngập mặn ven biển của huyện đang được tích cực giữ gìn và nhân rộng với diện tích gần 3.700ha. Đây chính là “lá chắn xanh” bảo vệ an toàn vùng dân cư các xã ven biển trước những cơn sóng dữ, triều cường, nhất là vào mùa mưa bão, đồng thời mang lại nguồn lợi thủy hải sản phong phú tạo sinh kế cho người dân.
Tại xã Đông Hải, CLB Bảo vệ rừng ngập mặn do lực lượng CCB làm nòng cốt đã duy trì hiệu quả hoạt động hơn 1 năm qua. Ông Phạm Văn Luận, Chủ nhiệm CLB Bảo vệ Rừng ngập mặn xã Đông Hải, chia sẻ: Chúng tôi duy trì ít nhất 2 buổi tuần tra rừng mỗi tháng, kết hợp tuần tra đi bộ dọc tuyến đê bờ biển, dùng xuồng máy đi vào sâu trong vạt rừng. Mỗi chuyến như vậy vừa kiểm tra phát hiện kịp thời các hành vi xâm hại rừng, vừa tuyên truyền cho người dân khai thác rừng bền vững, bảo vệ môi trường.
Theo dự báo, những năm tới, các hiện tượng thời tiết bất thường sẽ ngày càng khó lường, tác động của BĐKH sẽ ngày càng rõ rệt và nặng nề. Vì vậy, việc chủ động từ sớm với tinh thần “Sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước”, sẽ là yêu tố tiên quyết để giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản và cuộc sống của nhân dân, đồng thời phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()