Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:50 (GMT +7)
Tiên Yên: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới vùng Đông Bắc Quảng Ninh
Thứ 7, 10/07/2021 | 15:50:49 [GMT +7] A A
67 năm sau ngày giải phóng, vùng đất cách mạng Tiên Yên năm xưa nay đã khoác lên mình diện mạo mới tràn đầy sức sống. Làm nên sự thay đổi của Tiên Yên hôm nay là những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Không chỉ đưa các xã về đích NTM vượt so với mục tiêu đề ra mà huyện Tiên Yên còn được Chính phủ công nhận huyện đạt NTM trong năm 2019, địa phương này đã trở thành một điểm sáng về xây dựng NTM của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Cách làm linh hoạt, sáng tạo
Những ngày đầu bước vào xây dựng NTM, Tiên Yên đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nằm ở khu vực có nhiều đồi núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, đất canh tác trồng trọt chỉ chiếm 6% trong tổng diện tích tự nhiên. Cùng với đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế khá thấp. Khi đó, Tiên Yên mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí, 10/39 chỉ tiêu. Huyện còn 4 xã, 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đứng trước bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Tiên Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết của Nhân dân thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất các chương trình hành động, đề ra kế hoạch sát với thực tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của cấp trên, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, tạo sự phát triển vượt bậc về mọi mặt.
Điểm nhấn dễ nhận thấy ở Tiên Yên đó là nếu như trước đây sản xuất chỉ dừng lại ở việc độc canh cây lúa, cây ngô phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì nay với tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng giải pháp, định hướng đúng đắn đã vực dậy sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đặc biệt, Đề án “2 con, 1 cây” được triển khai đã tạo bước đột phá trong chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Từ chương trình này, nhiều dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt ra đời, góp phần giúp bà con đồng bào các dân tộc nơi đây có một tư duy mới, cách làm mới, tự tin vươn lên phát triển kinh tế.
Trong đó, mô hình gà Tiên Yên, tôm công nghiệp và mô hình cây dược liệu được coi là 3 sản phẩm chủ lực của huyện. Toàn huyện có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi gà theo mô hình VietGap. Năm 2019, số lượng đàn gà Tiên Yên thương phẩm đạt trên 445 nghìn con (tăng 2,4 lần so với năm 2015). Song song với đó, huyện cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, tập trung phát triển cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên với 3 cơ sở sản xuất, quy mô 6.000 con gà sinh sản, khả năng cung cấp 650.000 -700.000 con giống/năm. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Tổng sản lượng thủy sản tăng bình quân 28,8%/năm (riêng khai thác nuôi trồng tăng bình quân 46,8%/năm; tôm nuôi tăng từ 604,5 tấn năm 2015 lên 2.730 tấn năm 2019, tăng 4,5 lần).
Hàng loạt công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư trên địa bàn giúp chủ động nước tưới, phủ xanh cho hàng ngàn hécta đất canh tác thiếu nước. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, có hiệu quả liên tục phát triển và nhân rộng.
Bà Nguyễn Thị Lan, thôn Hà Dong Nam, xã Hải Lạng (Tiên Yên) cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất được 1 năm 2 vụ do vào mùa hạn thường xuyên bị thiếu nước trồng cây màu. Kể từ khi công trình thủy lợi Hồ Khe Cát được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi không còn phải lo lắng nhiều về nước tưới tiêu cho cây cối, hoa màu. Vì thế gia đình đã tăng sản xuất mùa vụ trong 1 năm lên 4 lần, đem lại thu nhập ổn định hơn”.
Với sự quan tâm, đầu tư đúng hướng, tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 46,5 triệu đồng/người/năm gấp 2,3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,41%.
Cùng với việc triển khai hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, Tiên Yên xác định xây dựng hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn gắn với phát triển đô thị. Đến nay, hệ thống giao thông của huyện phát triển nhanh, với 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoặc nhựa hóa.
Chứng kiến sự đổi thay của huyện, bà Lý Thị Nga, thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, phấn khởi nói: “Trước đây, đường đi lại khó khăn lắm, bà con có chăn nuôi được con lợn, con gà mang ra chợ bán cũng khó. Chưa kể mỗi khi trời mưa, đường trơn, trẻ con trong xóm đi học khổ cực lắm. Bây giờ có đường bê tông to đẹp thì đi xe máy chỉ mất tầm 10 phút là xuống đến trung tâm xã rồi. Bà con mừng lắm, vừa rồi nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và trồng thêm rừng, tạo thêm thu nhập. Để có được con đường này, người dân chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã quan tâm, tạo điều kiện giúp bà con”.
Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là một trong các tiêu chí xây dựng NTM quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Vì thế, huyện Tiên Yên đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, chung sức cùng cộng đồng góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống. Điển hình như chương trình “Đường hoa-tranh tường, cảnh quan môi trường thôn, khu, trường học, trạm y tế, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xanh-sạch-đẹp” được huyện phát động từ tháng 10/2019 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực; làm thay đổi diện mạo nông thôn của 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Từ khi phát động, chương trình đã có gần 14.000 lượt người tham gia thực hiện trồng mới trên 40 km đường hoa và vẽ 1.400m2 tranh tường tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp; góp phần thực hiện 4/19 tiêu chí trong xây dựng NTM.
Bà Hà Thị Mai, thôn Làng Nhội, xã Đông Hải cho biết: “Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, bà con luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không vứt xả rác bừa bãi, đảm bảo môi trường sống trong lành. Cuối tuần, mọi người tự giác gọi nhau cùng dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường thôn, xóm để giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp.”
Tại hội nghị họp xét, công nhận huyện Tiên Yên đạt chuẩn nông thôn mới của Hội đồng Thẩm định Trung ương vào ngày 21/10/2020 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm của huyện Tiên Yên trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Tiên Yên cũng rất chủ động, sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đột phá để huy động được mọi nguồn lực xã hội xây dựng NTM. Chương trình xây dựng NTM huyện đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị. Đây là những thành tựu quan trọng, khẳng định sự nỗ lực, vươn lên của hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên trong quá trình 10 năm thực hiện xây dựng NTM.
Từ một địa phương có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, sau thời gian kiên trì thực hiện, đến năm 2019, Tiên Yên đã trở thành huyện miền núi dân tộc đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM, về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị
Năm 2020, Tiên Lãng là một trong 3 xã của huyện Tiên Yên được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phát huy những thành tựu đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu và phấn đấu nâng cấp trở thành phường vào năm 2025. Theo ông Nguyễn Thế Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, bám sát với quy hoạch chung của huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định Tiên Lãng sẽ phát triển theo hướng đô thị nông nghiệp, dịch vụ xã Tiên Lãng đang thực hiện xây dựng NTM gắn với các tiêu chí xây dựng đô thị. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh và huyện, xã tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên hoàn thiện công tác quy hoạch, đầu tư mở rộng không gian đô thị, xây dựng hạ tầng đồng bộ theo tiêu chuẩn của phường, trọng tâm là phát triển mạng lưới giao thông; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân".
Theo đó, xã đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản có thế mạnh; khuyến khích doanh nghiệp, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa gắn với phát triển mô hình HTX, tổ hợp tác để mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu các nông sản.
Hiện Tiên Lãng có 2 HTX đang hoạt động có hiệu quả đó là: HTX Khai thác và chế biến mật ong Tiên Yên và HTX Linh Hà tập trung hoạt động khai thác các lĩnh vực cung ứng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ hoạt động trồng trọt, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm của thành viên HTX. Thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, Tiên Lãng cũng ưu tiên dành nguồn lực tiếp tục đầu tư các tuyến giao thông kết nối đồng bộ đến khu dân cư. Năm 2020, xã đã thực hiện chỉnh trang xây dựng 8/8 cổng chào thôn và xây dựng các tuyến đường mẫu trên địa bàn thôn. Hiện nay, 100% trục đường trục chính của xã đều có chiều rộng mặt đường từ 5m trở lên và bê tông hóa (nhựa hóa). Công tác vệ sinh môi trường tiếp tục được nâng cao với 100% hộ gia đình đăng ký thực hiện thu gom rác thải. Đây cũng chính là tiền đề để xã từng bước thực hiện các tiêu chí nâng cấp đô thị, phấn đấu trở thành phường vào năm 2025.
Cùng với Tiên Lãng, 6 xã vùng lõi đô thị của huyện Tiên Yên hiện đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM kiểu mẫu, gắn với kết nối hạ tầng đô thị lên phường khi Tiên Yên trở thành thị xã.
Có thể khẳng định, năm 2019 được coi là năm thành công nhất trong hành trình 10 năm xây dựng NTM và phát triển đô thị của huyện Tiên Yên. Huyện đã đồng thời hoàn thành mục tiêu kép về đích chương trình xây dựng NTM và được Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiên Yên mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Tiên Yên, tiếp tục phấn đấu nâng chất các tiêu chí của huyện NTM nâng cao và hoàn thiện hạ tầng của đô thị loại III trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiến tới tái lập thị xã trước năm 2027.
Trong Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng huyện Tiên Yên trở thành đô thị trung tâm tiểu vùng, có chức năng tổng hợp, liên kết, hỗ trợ với các trung tâm vùng và là khu vực trung chuyển hàng hóa qua biên giới, dịch vụ hậu cần cho các khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái. Để đạt mục tiêu này, BCH Đảng bộ huyện đã thể hiện rõ quyết tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025: “Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững; đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng Tiên Yên cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc”.
Thời điểm này, huyện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tạo tiền đề thu hút nguồn lực đầu tư và tăng cường công tác giám sát, triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025 để có cơ sở bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Huyện cũng chủ động phối hợp với các nhà đầu tư, hỗ trợ về thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng... để triển khai các dự án, công trình đã ký cam kết đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp 6 đơn vị hành chính trong vùng lõi cơ bản đạt tiêu chí phường, đưa thị trấn Tiên Yên lên đô thị loại III trước năm 2025.
Ông Hà Hải Dương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: “Xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, Tiên Yên đặt ra yêu cầu không dừng ở việc hoàn thành tiêu chí, mà phải đạt chuẩn ở mức cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong giai đoạn mới. Đây là mục tiêu khó khăn đối với các xã trên địa bàn. Để đạt được kế hoạch đề ra, huyện Tiên Yên tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và các công trình phục vụ đời sống dân sinh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất, khai thác tốt quỹ đất nông nghiệp, khuyến khích hình thành tổ dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, kinh doanh tổng hợp. Mục tiêu của Tiên Yên là tạo sự chuyển biến đáng kể trong xây dựng và thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở; từng bước hoàn thiện các công trình văn hóa, thể thao ở các xã; bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn; chú trọng chỉnh trang nhà cửa, vườn ao, tường rào, cổng, ngõ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại Tiên Yên. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoàn thiện các tiêu chí đô thị và khớp nối hạ tầng nông thôn với đô thị, phấn đấu trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất".
Có thể nói, hành trình 10 năm xây dựng NTM là một minh chứng của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Tiên Yên. Tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và các giải pháp thiết thực, sáng tạo, huyện Tiên Yên sẽ tiếp tục có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao gắn với phát triển đô thị, để sớm hoàn thành mục tiêu tái lập thị xã theo đúng lộ trình đề ra.
Trần Hoàn (Trung tâm TT&VH Tiên Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()