Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 14:13 (GMT +7)
Tiên Yên: Hình thành cộng đồng nuôi tôm bền vững
Thứ 6, 15/11/2024 | 16:12:41 [GMT +7] A A
Theo đề án “2 con, 1 cây”, con tôm cùng với gà Tiên Yên được huyện Tiên Yên xác định là 2 con chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm truyền thống ngày càng gặp phải nhiều khó khăn, do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã và đang khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.
Kết thúc năm 2023, diện tích nuôi tôm của huyện Tiên Yên đạt khoảng 1.100ha, trong đó nuôi thâm canh (tôm thẻ chân trắng) đạt khoảng 243,7ha, nuôi quảng canh (tôm sú) đạt 874,25ha. Tổng sản lượng đạt 4.176 tấn, trị giá khoảng 460 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2024, toàn huyện có khoảng 1.240,4ha (nuôi thâm canh 175,7ha; nuôi quảng canh 1.064,7ha), tập trung chủ yếu là xã Hải Lạng với hơn 800 ha và xã Đồng Rui với hơn 200ha.
Mặc dù diện tích nuôi tôm vẫn đạt theo kế hoạch, tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp, cách quản trị môi trường ao nuôi và dịch bệnh tại nhiều hộ nuôi truyền thống chưa thực sự bài bản, khoa học, đã ít nhiều ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, cũng như thu nhập của bà con. Thực tế này đòi hỏi người dân phải học hỏi, nghiên cứu và thay đổi quy trình nuôi theo từng thời điểm.
Ông Lý Kim Bảo (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên), đã có 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm. Gần đây, ông quyết tâm cải tạo toàn bộ diện tích nuôi tôm ao tròn theo hướng khép kín, sử dụng hệ thống xử lý chất thải đáy và trang bị quạt nước, máy tạo oxy đáy. Ông Lý Kim Bảo cho biết: Thời đại 4.0 phải thay đổi quy cách làm chứ không thể áp dụng mãi theo kiểu nuôi truyền thống được. Quy trình nuôi sinh học hiện nay giúp chúng tôi giảm rủi ro, giảm chi phí, vì công nghệ không thay nước, chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh để duy trì chất lượng ao nuôi. Ngoài ra, cũng giúp tiết kiệm tài nguyên nước, góp phần bảo vệ môi trường.
Tại xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên), hầu hết người nuôi tôm đã chuyển đổi mô hình nuôi ao vuông sang nuôi ao tròn. Việc nuôi tôm bằng ao tròn lót bạt, áp máy oxy, không chỉ tiết kiệm diện tích, nhân công và chi phí đầu tư hơn so với nuôi ao vuông mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Theo bà Nguyễn Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Rui, nuôi tôm bằng ao tròn giúp người nuôi dễ quản lý, chăm sóc tôm hơn và con tôm đạt chất lượng đồng đều hơn. Khi môi trường nước tốt, thì những vi khuẩn gây bệnh đường ruột, gan, nấm chân… sẽ bị kìm hãm, không thể phát triển. Đồng thời, với ao tròn có thể nuôi tôm cả năm vì có mái che, nếu ao vuông thì chỉ được 2 vụ một năm, đến vụ đông phải nghỉ để phơi ao.
Tháng 10 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tuyên truyền, thành lập CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên, với 52 thành viên, đa số là chủ hộ nuôi tôm trên địa bàn. Khi tham gia CLB, các thành viên được tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và thực hiện nuôi tôm theo quy trình cân bằng sinh học BODE-ECOTECH, không sử dụng hóa chất; chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh - tuần hoàn - cách ly dịch bệnh - triệt tiêu các nguyên nhân gây ra rủi ro từ sớm, từ xa, hướng tới mục tiêu nuôi tôm đạt chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), BAP (Chương trình Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu); tư vấn thiết kế - lắp đặt mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tuần hoàn, cách ly dịch bệnh, giảm thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng dẫn khoa học kỹ thuật…
CLB có đường dây nóng 24/7 để tư vấn cho hội viên nông dân, có phòng thí nghiệm, tủ thuốc khẩn cấp đặt tại trụ sở để xử lý tình huống khẩn cấp… Qua đó, kỳ vọng sẽ giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất từ 25-30%, đồng thời từng bước chuẩn hóa nghề nuôi tôm, khắc phục những tồn tại hiện nay.
Ông Lý Văn Sáng, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Mục tiêu của CLB là từng bước hình thành cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm, gắn mục tiêu phát triển nghề nuôi tôm với mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững; giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường. Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững. Bên cạnh đó, những người nuôi cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề về kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước... để hạn chế rủi ro, cùng nhau phát triển, cùng nhau thành công.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()