Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:10 (GMT +7)
Tiếp tục hoàn thiện nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại
Thứ 7, 27/04/2024 | 12:51:14 [GMT +7] A A
Để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, một trong những nhiệm vụ được Quảng Ninh ưu tiên thực hiện là tập trung cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo điều hành. Nhờ đó, năm 2023 tỉnh tiếp tục dẫn đầu ở 2 chỉ số SIPAS và PAR Index khối các tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều này tiếp tục khẳng định sự quyết tâm xây dựng nền hành chính minh bạch, chính quyền kiến tạo, vì sự phát triển bền vững của Quảng Ninh.
Phát huy vai trò của người đứng đầu
Nhận xét, đánh giá về những thành tích nổi bật của Quảng Ninh trong thực hiện cải cách hành chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: Rất nhiều năm qua Quảng Ninh luôn đứng đầu chỉ số SIPAS và PAR Index. Đây là sự khẳng định cho sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với mục tiêu, nhiệm vụ về thực hiện cải cách hành chính. Nhưng quan trọng hơn cả là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của Quảng Ninh đã rất nỗ lực, thường xuyên có những giải pháp quyết liệt, cách thức để lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung để giải quyết TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với mục tiêu vì dân, phục vụ cho người dân.
Chỉ số SIPAS, PAR Index năm 2023 được công bố vừa qua Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu ở 2 chỉ số chính là những “con số biết nói”, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người, là cán bộ và công tác cán bộ.
Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền tỉnh với sự nhiệt huyết, truyền lửa, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả đã tạo ra cho Quảng Ninh có môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thân thiện, người dân có cuộc sống dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc.
Cụ thể, tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, trong năm 2023 đã tiếp nhận 171.000 hồ sơ của tổ chức, công dân. Để tạo điều kiện thuận lợi, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền TP Hạ Long đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra các tiện ích để người thực hiện thủ tục có thể dễ dàng nộp phí, lệ phí trực tuyến, nhận kết quả trực tuyến và ký số điện tử. Bằng cách làm như vậy, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn của trung tâm năm 2023 đạt trên 99%, số hồ sơ chậm, muộn giảm 99,8% so với năm 2022.
Anh Đoàn Thành An (phường Hà Lầm, TP Hạ Long) chia sẻ: Đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công thành phố, tôi được cán bộ, nhân viên ở đây hướng dẫn tận tình, tiếp nhận và giải quyết TTHC nhanh chóng. Kết quả giải quyết được gửi về tận nơi cư trú, không phải mất thời gian, công sức quay trở lại trung tâm để nhận.
Cùng với Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng được triển khai đồng bộ tại tất cả các cấp chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, tỷ lệ TTHC thực hiện theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” đạt 91,5%. Thực hiện số hóa trên 98% hồ sơ đầu vào và 92,5% kết quả bản điện tử vào kho dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp. Quảng Ninh cũng là địa phương đạt tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình, tỷ lệ số hóa hồ sơ của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết: Ở Quảng Ninh, sự quyết liệt, gương mẫu của người đứng đầu đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong toàn bộ hệ thống chính trị. Không chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện, công tác cải cách hành chính đã được triển khai một cách thực chất ở tất cả đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Với sự vào cuộc một cách đồng bộ, công tác cải cách hành chính của Quảng Ninh tiếp tục đạt được sự chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ TTHC giải quyết đúng và trước hạn hằng năm đều đạt trung bình trên 99%, tạo dựng hình ảnh chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự của dân, do dân, vì dân. Với một hành trình dài không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng, Quảng Ninh là địa phương duy nhất duy trì 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI; 5 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS; 6 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index. Đặc biệt, 2 năm (2020 và 2022) đồng thời dẫn đầu cả 4 chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index.
Quảng Ninh cũng đã tạo dựng niềm tin vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với chính quyền địa phương. Đây là yếu tố then chốt để tỉnh huy động được tối đa nguồn lực xã hội đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho những bước phát triển mang tầm chiến lược. Tính trong 3 năm (2021-2023), Quảng Ninh đã thu hút trên 538.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, trong đó thu hút vốn FDI đạt 6,76 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với giai đoạn trước. Quảng Ninh duy trì đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023); quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt trên 315.800 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2010, gấp 1,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 9.500 USD, cao nhất so với các địa phương phía Bắc.
Hành trình không ngừng nỗ lực
Để có được điểm số của chỉ số SIPAS và PAR Index hằng năm, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã dựa trên nhiều tiêu chí, chỉ số thành phần đánh giá. Đối với chỉ số SIPAS, đã triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công. Còn đối với Chỉ số PAR Index, thực hiện đánh giá ở 8 chỉ số thành phần, bao gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH tại địa phương.
Nhìn từ 8 chỉ số thành phần PAR Index vừa công bố cho thấy, Quảng Ninh chỉ có 2 chỉ số đứng đầu các tỉnh, thành (công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính với điểm số tối đa 9,50%; tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH tại địa phương với điểm số 94,42%). 6 chỉ số thành phần còn lại đều xếp mức khá và trung bình, trong đó, cải cách thể chế đứng thứ 21/63 tỉnh, thành; cải cách TTHC đứng thứ 9/63 tỉnh, thành; cải cách tài chính công đứng thứ 7/63 tỉnh, thành; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đứng thứ 11/63 tỉnh, thành; cải cách chế độ công vụ đứng thứ 40/63 tỉnh, thành; cải cách tổ chức bộ máy đứng thứ 47/63 tỉnh, thành.
Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thị Bính cho biết: Giành được vị thế, thứ hạng các chỉ số đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng chỉ số càng khó khăn hơn. Thử thách, chông gai vẫn còn ngổn ngang phía trước khi giải quyết được mâu thuẫn này thì cuộc sống lại xuất hiện mâu thuẫn mới phức tạp hơn, đòi hỏi năng lực quản trị, điều hành phát triển bền vững địa phương ở tầm mức cao hơn. Sau hội nghị công bố chỉ số SIPAS và PAR Index năm 2023, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp rà soát những khâu, bước còn có sự chệch choạc, chưa đi vào trọng tâm, khiến cho người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần còn thiếu sự bền vững đã được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chỉ ra.
Trước các mục tiêu chính trị của tỉnh đề ra trong năm 2024, đặc biệt là đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai; đẩy mạnh cải cách TTHC gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, góp phần giải quyết nhanh nhất hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn.
Đặc biệt, tập trung xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của CBCCVC Quảng Ninh chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì nhân dân phục vụ, đặt dưới sự kiểm tra, giám sát nghiêm khắc, kỷ luật nghiêm minh, để cán bộ, đảng viên làm đúng hơn, nhanh hơn, tốt hơn, hướng tới mục tiêu cuối cùng là ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách thực chất nhất.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()