Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:12 (GMT +7)
Tiếp tục ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thứ 6, 23/12/2022 | 08:51:31 [GMT +7] A A
Thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội về phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp các cơ quan, địa phương để rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có nhiệm vụ báo cáo Chính phủ để sửa đổi một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Hiện, Bộ Tài chính đã có phương án trình Chính phủ về nhiệm vụ cấp thiết này.
Bộ Tài chính cho biết, phương án được trình đã nhận được góp ý từ các bộ, ngành có liên quan, đối tượng chịu tác động và các chuyên gia, nhà khoa học.
Thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức
Cách đây ba tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (gọi tắt là Nghị định số 65).
Nội dung của Nghị định số 65 tuân theo ba nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất bao gồm: Tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; bổ sung các quy định để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Về các quy định tại Nghị định số 65, các doanh nghiệp phát hành, thành viên thị trường và các chuyên gia đánh giá định hướng của Nghị định này là tốt trong trung, dài hạn. Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền cho sản xuất, kinh doanh, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2022-2023. Các doanh nghiệp kiến nghị trước mắt có thể xem xét điều chỉnh lộ trình áp dụng quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và hướng dẫn việc doanh nghiệp gia hạn, hoán đổi trái phiếu.
Khi lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh (thường tăng cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng thương mại) thì có thể một bộ phận nhà đầu tư cá nhân vì ham lãi suất cao, thiếu hiểu biết về pháp luật, theo chào mời vẫn cố gắng chứng minh bằng mọi cách trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ Tài chính
Theo đó, đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện tới tháng 1/2024. Theo quy định của Nghị định số 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Ưu điểm của phương án này là phù hợp bản chất của phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và mục tiêu hướng đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có tổ chức, giảm rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu. Theo đó, bảo đảm tính an toàn và bền vững của cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ngăn ngừa phát sinh các vụ việc lừa đảo nhà đầu tư phải xử lý hình sự gây nhiều hệ lụy.
Song, nhược điểm là trước mắt, nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân có thể giảm. Trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản như hiện nay, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, việc giãn thời gian thực hiện có thể duy trì được nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy được thời gian 180 ngày.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cảnh báo, khi lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh (thường tăng cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng thương mại) thì có thể một bộ phận nhà đầu tư cá nhân vì ham lãi suất cao, thiếu hiểu biết về pháp luật, theo chào mời vẫn cố gắng chứng minh bằng mọi cách trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Khi trái phiếu có rủi ro, doanh nghiệp phát hành không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì bộ phận nhà đầu tư này có thể sẽ tổ chức biểu tình, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Kéo dài kỳ hạn trái phiếu
Tại cuộc họp của Bộ Tài chính với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các đơn vị tham dự đề nghị hoãn thực hiện quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và thời gian phân phối trái phiếu. Sau khi trao đổi với các bên liên quan, Bộ Tài chính đã trình dự thảo nghị định sửa đổi theo hướng giãn thời gian thực hiện đối với một số quy định cơ bản.
Trong đó, bên cạnh việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đỉnh nợ với quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024. Để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; thời gian gia hạn nhiều nhất là hai năm.
Giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, theo đó đến giai đoạn năm 2025-2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ.
Việc cho phép gia hạn này, về mặt tổng thể thị trường cũng sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024 (đối với trái phiếu đáo hạn vào năm 2023-2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang năm 2025-2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, theo đó đến giai đoạn năm 2025-2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ. Việc gia hạn trái phiếu phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận (như quy định hiện hành), quy định này thống nhất với quy định đối với trái phiếu chào bán ra công chúng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật dân sự hoặc quy định của pháp luật có liên quan, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác. Việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở các cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra đối với từng đối tượng nhà đầu tư.
Do đó, để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()