Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:14 (GMT +7)
Tiếp tục tạo đột phá trong phát triển doanh nghiệp, đạt 20.000 doanh nghiệp trong năm 2024
Thứ 2, 29/01/2024 | 18:19:06 [GMT +7] A A
Ngày 29/1, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, phát biểu khai mạc.
Cùng dự có các đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và gần 500 doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Nhìn lại năm 2023, một năm dù gặp nhiều khó khăn, song tỉnh đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, được đánh là một trong 3 địa phương cả nước đạt được mục tiêu phát triển toàn diện; giữ được đà tăng trưởng GRDP trên hai con số năm thứ 9 liên tiếp; nhiều chỉ tiêu về văn hóa - xã hội con người của cả giai đoạn 2020-2025 đã thành công... Trong kết quả đó, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn, ý nghĩa của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã vượt khó cùng tỉnh.
Với quan điểm, doanh nghiệp có phát triển thì tỉnh mới phát triển; an sinh xã hội, đời sống, việc làm của người dân, người công nhân mới đảm bảo… Vì thế, những năm qua, Quảng Ninh dành sự quan tâm đặc biệt, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Năm 2023, lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức gặp mặt, tiếp xúc cử tri chuyên đề, chuyên sâu với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã để lắng nghe, giải quyết các vấn đề khó khăn. Sau cuộc gặp, đã có một nghị quyết chuyên đề để góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có những khó khăn liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật về PCCC, tỉnh đã lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp… Tỉnh luôn trân trọng những nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp đã vượt khó, tìm được điểm tương đồng với mong muốn của chính quyền để cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh có sự phát triển bền vững.
Năm 2024, thực hiện chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trên quan điểm lấy đầu tư công để thúc đẩy, kích hoạt các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, thúc đẩy hợp tác công - tư, nội lực là cơ bản, chiến lược - ngoại lực là quan trọng, đột phá; triết lý phát triển bền vững với 4 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh; dựa vào thiên nhiên, con người và văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Từ truyền thống, sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”, gắn với vùng đất mỏ, sẽ tạo nên những bản sắc văn hóa riêng của doanh nghiệp, trở thành thương hiệu riêng có của Quảng Ninh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng tỉnh tạo đột phá trong phát triển doanh nghiệp. Trong đó, phấn đấu năm 2024 phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, để toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp.
Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, theo Sở KH&ĐT, năm 2023, toàn tỉnh có tổng số 2.731 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 34.196 tỷ đồng, tăng 3,7% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 38,8% về vốn đăng ký so với năm 2022. Như vậy đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có gần 17.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 361.026 tỷ đồng.
Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh để triển khai nhiệm vụ. Qua đó, tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu tiên, hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ, du lịch…
Điều này tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động có giải pháp để vượt qua khó khăn, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu thay thế và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thương mại điện tử...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn, tuy nhiên tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá... Từ đó, tạo đột phá về chất lượng cải cách hành chính, người dân, doanh nghiệp được hưởng cuộc sống ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trong năm 2024, đồng chí mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, để toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị. Đúc rút những bài học kinh nghiệm từ quá trình hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành và liên tục đổi mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao, đóng góp cho tỉnh và cả nước. Song song với đó, thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, chống biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, hành động quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh; kinh doanh hiệu quả, vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt cần tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; xử lý những khó khăn, vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư. Cần tăng cường công tác tham mưu, dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung tham mưu triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()