Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 18:14 (GMT +7)
Tiếp tục tập trung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chủ nhật, 07/05/2023 | 15:26:40 [GMT +7] A A
Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 05/5/2012, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 về phát triển khoa học và công nghệ; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 02/6/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua 10 năm thực hiện, các nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật: Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội và nhân dân về vai trò, vị trí của khoa học công nghệ được nâng lên rõ rệt. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội; việc huy động nguồn lực dành cho hoạt động khoa học và công nghệ được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được tăng cường. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới khoa học và công nghệ được triển khai mạnh mẽ; nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngành than, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mạnh dạn đổi mới, ứng dụng nhiều công nghệ mới mang lại hiệu quả cao. Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước được chú trọng. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong các cơ quan quản lý, nghiên cứu giảng dạy, các doanh nghiệp được chú trọng, bước đầu phát triển ở một số lĩnh vực, ngành nghề. Khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Để tiếp tục phát huy những kết quả này và khắc phục những vấn đề còn tồn tại, ngày 28/4/2023, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Tại Nghị quyết số 13-NQ/TU, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định quan điểm: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là một nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số; góp phần quan trọng nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải tuân thủ và phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng, nhất là Chiến lược quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là nguồn nhu cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học và công nghệ; nhà nước đóng vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trên cơ sở xác định lĩnh vực then chốt, nội dung trọng tâm, trọng điểm thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, y tế, giáo dục và đào tạo, quản lý đô thị, giao thông, bảo vệ tài nguyên và môi trường, an ninh trật tự...
Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, nguồn lực của tỉnh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy “đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội”; ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng tay nghề cao gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh, bền vững.
Quảng Ninh phấn đấu tăng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2025 đạt mức 50%, đến năm 2030 đạt trên 55%. Đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 55% trở lên. Đến 2025, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp khoảng 02 lần; đến năm 2030 tăng gấp khoảng 04 lần so với năm 2020. Số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ đến năm 2025 tăng trung bình 15%/năm và duy trì đến năm 2030.
Cùng với đó, tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 và duy trì đến năm 2030: Có 90% trở lên nhiệm vụ khoa học và công nghệ được duy trì, ứng dụng vào thực tiễn. Tỷ lệ sáng chế được khai thác, thương mại đạt tối thiểu 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ. Số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình từ 16%/năm trở lên. 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm xuất khẩu được đăng ký bảo hộ quốc tế. Đến năm 2025, 80% sản phẩm chủ lực của tỉnh sử dụng mã số và mã vạch, thực hiện truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; đến năm 2030 là 100% sản phẩm.
Đặc biệt, Quảng Ninh kiên quyết ngăn chặn các dự án công nghệ lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. 100% các dự án đầu tư mới có sử dụng công nghệ phải được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()