Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:28 (GMT +7)
Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Thứ 2, 17/04/2023 | 12:55:18 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, việc chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được các cấp, ngành chú trọng. Điều này cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cung cấp tiện ích phục vụ phát triển KT-XH, nhất là ở lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên môi trường, lao động việc làm...
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát triển hạ tầng, dữ liệu nền tảng số đảm bảo an toàn thông tin... Hiện Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (78%); 100% thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được hoàn thành để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Từ tháng 5/2022, Quảng Ninh cũng là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư. Về mức độ chính quyền điện tử (chỉ số ICT), hiện tỷ lệ hồ sơ được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử của cả 3 cấp tăng 60% so với năm 2021 và 90% người đứng đầu đã sử dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản gửi trên môi trường mạng đạt 95%.
Quảng Ninh đang đứng ở vị trí thứ 2 về tính công khai, minh bạch; tiến độ giải quyết TTHC cũng đứng thứ 2 và việc số hóa hồ sơ đứng thứ 5 cả nước. Hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 95,7%, phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cấp và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản; số hóa cơ sở dữ liệu 3 loại rừng; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt; nộp thuế điện tử qua hệ thống điện tử (eTax)...
Đặc biệt trong quý I vừa qua, 33 mục tiêu, 14 nhiệm vụ về phát triển dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đã được tỉnh tập trung thực hiện. Trong đó có nhiều mục tiêu đảm bảo tiến độ, góp phần quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, cải thiện các hoạt động trong đời sống xã hội của nhân dân. Nhất là tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở 2 lĩnh vực trọng yếu là y tế và giáo dục để cung ứng cho nhân dân, doanh nghiệp những dịch vụ tốt nhất.
Tính đến nay 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các đơn vị viễn thông cũng đã phối hợp với địa phương đầu tư thêm 54 trạm BTS phủ lõm sóng di động cho 66 thôn, đồng thời, xây dựng hạ tầng Internet cáp quang cung cấp dịch vụ đến 97/113 thôn, bản, 16 thôn còn lại sẽ được phủ lõm trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Viettel Quảng Ninh nghiên cứu, khảo sát, triển khai lắp đặt 1 trạm BTS tại khu vực làng chài Cửa Vạn, nhằm phục vụ thông tin liên lạc trên Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng tiếp tục được chú trọng thực hiện, tỉnh đã kiện toàn đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 23 hệ thống, tích cực tham gia diễn tập trực tuyến ứng cứu sự cố… Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, tỉnh sẽ tiến hành rà soát lỗ hổng bảo mật của hệ thống tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, ban hành văn bản cảnh báo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị rà soát, ngăn chặn, vá lỗ hổng bảo mật, qua đó góp phần chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, an toàn.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đang đứng thứ 11 trong toàn quốc về tổng điểm xây dựng Chính quyền số, các hệ thống thông tin của tỉnh được kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất. Tỉnh phấn đấu hết năm 2023 sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: Đất đai; CBCCVC; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông. Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa. Đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đưa việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt kết quả cao, sớm trở thành tỉnh điển hình của cả nước, chỉ đạo về nội dung này mới đây Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Chuyển đổi số toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tạo đột phá của tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên thực hiện rà soát, tăng cường chỉ đạo. Tuy nhiên, việc triển khai từ cấp cơ sở vẫn chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt, một số nhiệm vụ, mục tiêu chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn. Do đó các sở, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm; rà soát lại tổng thể các nhiệm vụ để tập trung thực hiện; nâng cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện.
Riêng đối với việc triển khai Đề án 06, đồng chí yêu cầu ngành công an chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2023 ngay trong 6 tháng đầu năm. Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức triển khai chuyển đổi số dữ liệu đất đai. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ để trình HĐND tỉnh. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển ở giai đoạn mới.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()