Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 22:49 (GMT +7)
Tiết kiệm chi
Thứ 5, 07/06/2012 | 05:36:56 [GMT +7] A A
[audio(1696)]
Do hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời gian gần đây, cộng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, nhất là tác động của lạm phát tăng cao trong năm 2011, nên từ đầu năm đến nay tình hình KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, sản phẩm tiêu thụ chậm, sức mua giảm... Điều này đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình KT-XH của tỉnh, nhất là đối với sản xuất kinh doanh. Để thúc đẩy sản xuất phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012. UBND tỉnh cũng đã quyết định thành lập 4 tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.
Do tác động từ những khó khăn chung, nên sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực vẫn có biểu hiện ngưng trệ, sa sút nhất là trong một số ngành kinh tế chủ lực như, sản xuất than, điện, xi măng, vật liệu xây dựng. Lãi suất cho vay của ngân hàng tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, do đó khả năng tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo tính toán sẽ gặp nhiều khó khăn...
Đứng trước những khó khăn đó, để duy trì sự ổn định của tình hình KT-XH, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Một trong những giải pháp quan trọng lúc này là tiết kiệm, giảm chi tiêu; khai thác, tận dụng tối đa các nguồn thu, chống thất thu và tồn đọng thuế, để tăng nguồn lực cho phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, ngày 21-5-2012, UBND tỉnh đã có văn bản về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý điều hành thu, chi ngân sách những tháng còn lại của năm 2012. Theo đó, đối với kinh phí chi thường xuyên, yêu cầu các đơn vị, địa phương sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; chống thất thoát, lãng phí; đặc biệt là tiết kiệm trong việc mua sắm, sửa chữa tài sản, hội, họp, tổng kết, sơ kết, tiếp khách; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Và mới đây, ngày 1-6, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản (số 2449/UBND-TM3) về việc thực hiện tiết kiệm, tiết giảm tối đa chi phí điện, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, hội nghị, công tác phí, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính...
Trong điều kiện bình thường, chúng ta đã phải đề cao ý thức tiết kiệm, tìm mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, qua đó nâng cao hiệu quả công việc và sản xuất kinh doanh. Vậy thì trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, yêu cầu này càng phải được nâng cao hơn, với ý thức trách nhiệm lớn hơn. Đó cũng là hành động thiết thực, ý nghĩa để đưa đất nước, địa phương sớm vượt ra khỏi khó khăn trong bối cảnh hiện nay...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()