Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 13:01 (GMT +7)
Tiết kiệm điện vì lợi ích lâu dài
Thứ 3, 06/06/2023 | 18:09:00 [GMT +7] A A
Theo dự báo, nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023-2025 trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng là rất khó khăn. Chính vì thế, việc khuyến khích tiết kiệm điện càng phải được thực hiện nghiêm túc.
Theo Bộ Công thương cho biết, tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống quốc gia năm 2023 lũy kế đến ngày 30/5 đạt 110,6 tỷ kWh, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu sản lượng điện sản xuất của các nguồn điện như sau: thủy điện chiếm 23,4%, nhiệt điện than chiếm 48%, tuabin khí chiếm 12,1%, năng lượng tái tạo chiếm 10,5%, nguồn nhập khẩu chiếm 1,3%, nhiệt điện dầu chiếm 0,32%.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán đã làm cho các hồ thuỷ điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế. Nhiệt điện gặp khó khăn trong mở rộng đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao. Nhất là những ngày qua, nắng nóng gay gắt diện rộng đã làm sản lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến, đặc biệt là khu vực phía Bắc, có thời điểm lượng điện tiêu thụ tăng trên 17% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, ngày 1/6/2023, một số tổ máy nhiệt điện than ở phía Bắc gặp sự cố như: Nhiệt điện Phả Lại 1; Tổ máy 6 Nhiệt điện Phả Lại 2; Tổ máy 2 nhiệt điện Cẩm Phả; Tổ máy 1 nhiệt điện Vũng Áng 1; Tổ máy 2 nhiệt điện Nghỉ Sơn 2; Tổ máy 2 nhiệt điện Mạo Khê; Tô máy 1 nhiệt điện Quảng Ninh; Tổ máy 2 nhiệt điện Thăng Long; Tổ máy 1 nhiệt điện Sơn Động. Do đó từ ngày 28/5/2023, toàn miền Bắc đã thiếu hụt điện công suất khoảng từ 2000MW - 5000MW/ngày.
Để đảm bảo an toàn hệ thống điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc đã yêu cầu Công ty Điện lực các tỉnh/thành phố cắt giảm công suất khẩn cấp. Trong đó, Quảng Ninh tiết giảm 300MW, chiếm 34,9% công suất sử dụng (860 MW). Thực hiện chỉ đạo của Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện cắt giảm theo yêu cầu. Trong khi đó, việc cắt giảm công suất tại các nhà máy trong Khu công nghiệp, các mỏ than rất khó khăn do ảnh hưởng dây chuyền sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ các hợp đồng kinh tế của các đơn vị; ảnh hưởng nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện. Vì vậy việc tiết giảm mới thực hiện chủ yếu đối với nhóm khách hàng như: Các cụm công nghiệp, ngành tiểu thủ công nghiệp, nhà máy đóng tàu, cơ sở sản xuất VLXD, các đơn vị hành chính sự nghiệp, kinh doanh dịch vụ và hộ sinh hoạt tiêu dùng.
Dự kiến, nhu cầu điện tiêu thụ của các tỉnh phía Bắc những ngày tiếp theo sẽ tiếp tục tăng cao do nắng nóng, việc thiếu hụt điện sẽ tiếp tục diễn ra trong khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước đều giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện, gây khó khăn trong việc cấp điện. Chính vì thế, Tổng Công ty điện lực miền Bắc tiếp tục yêu cầu điện lực các tỉnh, thành phố tiết giảm công suất điện. Theo phân bổ, từ ngày 04 đến ngày 11/6/2023, công suất sử dụng cho toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ khoảng 550MW/ngày. So với nhu cầu công suất sử dụng của tỉnh là 860MW/ngày; trong đó riêng các phụ tải công nghiệp hiện tại chiếm 350/550MW được phân bổ, phần còn lại khoảng 200MW phục vụ hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và sinh hoạt của người dân là không đủ.
Thời gian qua đế đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh, triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kịp thời các Quyết định sổ 921/QĐ-UBND ngày 11/4/2023; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngay 03/6/2023; Văn bản số 1280/UBND-QHTN&MT ngày 26/5/2023; Văn bản số 1333/UBND-NLN1 ngày 01/6/2023. Ngày 3/6/2023, UBND tỉnh đã làm việc với đại diện 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngày 05/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì Liên ngành làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương để xem xét, kiểm tra, giải quyết cụ thể các vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất của các nhà máy (về thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với bãi xỉ thải sổ 2 của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, vị trí quan trắc môi trường nhiệt độ nước xả thải của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2).
Cùng với đó, UBND tỉnh đã báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo đơn vị thành viên khi phân bổ công suất cho tỉnh Quảng Ninh cần phải xem xét đến các yếu tố đặc thù như là trung tâm nhiệt điện lớn của cả nước gồm 7 nhà máy nhiệt điện; trung tâm sản xuất than với trên 50 mỏ than đang khai thác, nên phải ưu tiên tối đa cho các ngành này đủ điện để sản xuất, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, Quảng Ninh là trung tâm du lịch khu vực miền Bắc với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước, là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng về Quốc phòng, an ninh..., nên việc cắt giảm điện với công suất lớn như vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sản suất kinh doanh, hoạt động du lịch, thu hút đầu tư và gây xáo trộn các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Vì vậy cần sớm điều chỉnh lại theo hướng hạn chế tối đa lượng công suất điện tiết giảm tại Quảng Ninh.
Đặc biệt, ngày 5/6, Thường trực Tỉnh ủy họp, nghe báo cáo và chỉ đạo các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bắt buộc phải thực hiện cắt điện luân phiên. Thường trực Tỉnh ủy thống nhất: Sự thiếu hụt về điện đang là khó khăn chung, có tác động rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh thiếu nguồn cung điện trầm trọng ở miền Bắc, đồng hành cùng ngành Điện, Quảng Ninh cam kết sẽ tập trung cao nhất các biện pháp không để thiếu than, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Để đảm bảo nguồn cung điện phục vụ nhân dân và hoạt động sản xuất song hành với tiết giảm điện, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị nhân dân, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện hiệu quả các biện pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng. Trong đó các cấp ủy, tổ chức Đảng và toàn thể cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương, đi đầu trong thực hiện mạnh mẽ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Qua đó, góp phần thay đổi căn bản thái độ, hành vi của toàn xã hội về tiết kiệm điện.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực không thiết yếu... để tiết giảm điện (theo nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GRDP và mục tiêu phát triển chung), để thay thế cho việc cắt điện tại khu vực dân cư, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trong ngày 6/6, các khách hàng trọng điểm đã thực hiện tiết giảm công suất đạt 51,2MW.Cụ thể: Xi măng Cẩm Phả giảm 16MW/19MW (hiện chỉ đang sử dụng 3MW); Xi măng Thăng Long giảm 13.2MW/23,7MW (hiện đang sử dụng 10.5MW); Xi măng Hạ Long giảm 14MW/24MW (đang sử dụng 10MW). Ngoài ra Khu công nghiệp Amata cũng đã giảm 8MW/63MW (đang sử dụng 55MW).
Tỉnh cũng yêu cầu Điện lực Quảng Ninh xây dựng phương án, kế hoạch tiết giảm điện hợp lý, không để phát sinh dư luận tiêu cực từ người dân, du khách, doanh nghiệp; việc cắt điện luân phiên phải đảm bảo hài hòa, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống nhân dân và ổn định tình hình an ninh trật tự. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng điện theo biểu đồ phụ tải điện của các khách hàng đã đăng ký và những khách hàng tham gia Chương trình điều chỉnh phụ tải.
Theo dự báo, nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023-2025 trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng là rất khó khăn. Chính vì thế, việc khuyến khích tiết kiệm điện càng phải được thực hiện nghiêm túc.
Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tiết kiệm điện, thực hiện tổ chức triển khai hiệu quả các chi đạo của Trung ương, Tỉnh trong thời gian qua về việc tiết kiệm điện, quán triệt trong cán bộ, công nhân viên, người lao động, nhân dân hiểu, nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong bối cảnh khó khăn về cung cấp điện hiện nay của cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cùng chung tay, chia sẻ đóng góp sự ổn định đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Mỗi cá nhân, tập thể cần sử dụng điện ít đi nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và tiện lợi đối với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt gia đình. Có nhiều biện pháp có thể thực hiện nhằm mục đích tiết kiệm điện. Các phương pháp này chủ yếu đến từ thói quen sử dụng điện năng hàng ngày. Do đó chỉ cần tập thói quen sử dụng điện tiết kiệm sẽ giúp bảo vệ nguồn điện năng tốt hơn.
Để không phải gặp cảnh cắt điện luân phiên, tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, cải tiến máy móc trang thiết bị tiêu tốn ít điện năng là điều người dân, doanh nghiệp cần làm.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()