Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 05:08 (GMT +7)
Tiết lộ mục tiêu trong gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga
Thứ 2, 24/04/2023 | 09:17:19 [GMT +7] A A
Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị đề xuất lệnh cấm nhiều hàng hóa quá cảnh qua Nga trong bối cảnh khối này tìm cách siết chặt việc thực thi các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trước đó.
Dẫn một số nguồn tin quen thuộc với các đề xuất, trang Bloomberg đưa tin lệnh cấm quá cảnh sẽ mở rộng sang nhiều mặt hàng công nghệ và hàng hóa khác, bao gồm một số loại phương tiện. Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng trên đường đến các nước thứ ba sẽ bị cấm đi qua Nga.
Lệnh cấm này sẽ là một phần trong gói trừng phạt mới đang được Ủy ban châu Âu (EC) chuẩn bị áp đặt đối với Nga.
Trong các lệnh trừng phạt trước đây, Moskva từng có thể vượt qua các hạn chế đối với một số công nghệ bị trừng phạt.
Dữ liệu thương mại do Bloomberg ghi nhận các chip và mạch tích hợp tiên tiến được sản xuất tại EU và các quốc gia đồng minh khác đang được chuyển đến Nga thông qua các nước thứ ba, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Kazakhstan.
Bên cạnh đó, một số quốc gia EU có chung biên giới với Nga, bao gồm Phần Lan và Estonia, đã chứng kiến sự gia tăng thương mại với các quốc gia ở Trung Á và những hàng hóa đó thường quá cảnh qua Nga. Một số mặt hàng ở lại Nga hoặc được tái xuất khẩu.
Về phần mình, Ba Lan, Estonia và Litva đã thúc đẩy EU đưa ra lệnh cấm quá cảnh qua Nga đối với hàng hóa và công nghệ có thể sử dụng trong ngành công nghiệp quân sự, hàng không và vũ trụ, cũng như đối với các mặt hàng có thể góp phần nâng cao năng lực công nghiệp của Moskva.
Gói trừng phạt mới được đề xuất sẽ là gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Moskva kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Trọng tâm chính của gói mà cơ quan điều hành của EU sắp đề xuất sẽ là khắc phục các kẽ hở và xử lý việc lách các hạn chế hiện có.
Nguồn tin tiết lộ gói trừng phạt mới của EU khó có thể nhắm vào công ty điện hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga, mặc dù nhiều quốc gia thành viên kêu gọi trừng phạt công ty này vì vai trò của họ trong việc tiếp quản nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia của Ukraine.
Các đề xuất trừng phạt cần sự thông qua của tất cả các quốc gia thành viên và có thể thay đổi trước khi chúng được chính thức trình bày trong các cuộc thảo luận để đạt được sự thống nhất.
Cho đến nay, khối đã thông qua và áp đặt 10 vòng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Vẫn chưa rõ khi nào gói trừng phạt mới của Brussels sẽ được hoàn tất.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()