Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:13 (GMT +7)
TikToker gọi thừa mứa đồ ăn chỉ để ghi hình
Thứ 5, 11/08/2022 | 07:54:17 [GMT +7] A A
Trong một lần ghé thăm quán quen tại quê nhà Hải Phòng, Dương Anh Hoàng (25 tuổi, giáo viên ở Hà Nội) bất ngờ khi nhìn thấy chồng đĩa bánh đúc tàu thừa mứa, bị vứt bỏ.
Chia sẻ với Zing, Hoàng cho biết anh bắt gặp nhiều thực khách trẻ đi theo nhóm đông với mong muốn khám phá ẩm thực Hải Phòng. Họ nằm trong số những người hưởng ứng trào lưu đi food tour (du lịch ẩm thực) đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.
Tuy mới đến lần đầu và chưa từng thưởng thức món bánh đúc trước đây, họ gọi rất nhiều suất, một phần để chụp ảnh check-in. Song cuối cùng, họ bỏ thừa rất nhiều, trong khi những vị khách khác phải ngậm ngùi ra về vì hết hàng sớm.
Thậm chí, anh gặp một thực khách trẻ vừa ăn, vừa quay video, nói trước mặt chủ quán rằng ‘Món này tệ quá, khẩu vị người Hải Phòng thật lạ, tôi sẽ không bao giờ thử lần 2’.
“Đó là một sự đánh giá phiến diện và không công tâm. Món bánh đúc tàu là đặc sản Hải Phòng, nên cũng dễ hiểu khi không hợp khẩu vị với những người đến từ nơi khác”, Hoàng kể lại.
Sự bùng nổ của TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung đã sinh ra một thế hệ food reviewer, những người tự trải nghiệm và đưa ra nhận xét với các món ăn dù không được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, tình trạng đánh giá ẩm thực thiếu chiều sâu và phiến diện cũng từ đó xuất hiện tràn lan, gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống bày tỏ sự lo ngại và bất an, nhất là khi phần lớn TikToker ghi hình không xin phép hay thông báo trước.
Họ cũng không trực tiếp nhận được khiếu nại nào trong trường hợp quán xảy ra sai sót, thường chỉ biết được sự tình khi đoạn clip đánh giá đã phổ biến trên mạng xã hội.
Lãng phí thức ănÁi Vi (25 tuổi, hướng dẫn viên du lịch ở Đà Lạt) tỏ ra ngao ngán khi nhắc đến chuyện gặp các TikToker tại các hàng quán.
“Tôi bắt gặp nhiều đoàn khách chỉ có 4 người, nhưng gọi phần đồ ăn dành cho 10 người. Kết quả họ không ăn hết, chủ yếu là chỉ quay chụp, gây lãng phí”, cô kể lại.
Cảnh tượng nhiều người không hề có mục đích tận hưởng món ăn, chỉ chăm chăm quay chụp, đi tới đi lui trong cửa hàng khiến cô cảm thấy mệt mỏi.
Theo Ái Vi, việc làm này vừa gây tốn kém, lãng phí, vừa tạo cảm giác khó chịu cho khách hàng xung quanh và làm chủ cửa hàng khó xử.
Hướng dẫn viên cho biết các hàng quán ăn lâu đời tại Đà Lạt chủ yếu kinh doanh kiểu truyền thống. Chủ cửa hàng cũng đều là những người lớn tuổi, ít hiểu biết về xu hướng và công nghệ.
Bởi vậy, họ không hiểu được việc một TikToker có tiếng đến review sẽ ảnh hưởng thế nào đến quán.
“Nếu TikToker làm việc có tâm, khen chê rõ ràng thì không sao. Nhưng nếu họ cố tình hoặc chỉ tập trung chỉ trích, chê bai, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến rất nhiều người. Người xem clip ở nhà thì ái ngại, chủ quán ăn thì lo lắng vì ngày càng vắng khách”, Ái Vi nói.
Theo TechCrunch, Gen Z (18-24 tuổi) ngày nay có xu hướng xem review trên các ứng dụng như TikTok, Instagram thay vì dùng Google để tìm kiếm các nhà hàng.
Khảo sát cho thấy hashtag #food trong một tuần ghi nhận số lượt xem khổng lồ lên đến 268 tỷ. Các hashtag liên quan như #recipes và #restaurant cũng lần lượt đạt 9,1 và 6.9 tỷ view.
Nghiên cứu của công ty tiếp thị MGH cho thấy TikTok có ảnh hưởng lớn đến quyết định ăn uống của người dùng.
Hơn 1/3 số người được hỏi nói rằng họ đã ghé thăm một nhà hàng sau khi xem các video review trên nền tảng.
Tự tiện quay chụp, xông vào bếpQuỳnh Như (29 tuổi), chủ quán ốc trên đường Hai Bà Trưng (Đà Lạt), nằm trong số những chủ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi trào lưu review đồ ăn này.
Chia sẻ với Zing, Quỳnh Như cho biết vào mùa cao điểm, lượng khách mỗi ngày tại quán luôn rất đông. Đã nhiều lần, cô bắt gặp TikToker đến quay tại quán mình, có người đi đơn lẻ, có người đi cùng cả ekip.
Quỳnh Như thấy rằng việc nhiều bạn trẻ ghé quán trải nghiệm và chia sẻ trên mạng xã hội cũng là một điều tốt cho việc kinh doanh, nhất là khi quán ăn của gia đình cô không chú tâm đến việc quảng cáo. Tuy nhiên, không ít lần cô gặp phải tình huống khó xử.
“Một lần nọ, trong lúc quán đang rất đông khách, một bạn tự ý xông vào bếp để quay chụp dù không hề hỏi ý kiến trước, khiến tôi và nhân viên không kịp xoay xở. Khi tôi yêu cầu khách hàng này rời khỏi bếp, người này tỏ thái độ không hài lòng”, cô kể lại.
Không lâu sau đó, cô xem được đoạn clip này trên mạng với nội dung không mấy tích cực. Không chỉ chê bai quán, TikToker này còn chỉ trích thái độ nhân viên và đưa ra một loạt lý do lên án thiếu thuyết phục như quán quá đông, không có chỗ ngồi, đợi món lâu, mất vệ sinh…
Sau đó, Quỳnh Như không biết phải giải quyết cách nào, đành phải bình luận bên dưới đoạn video và yêu cầu được đối chất.
“Sau vụ việc đó, tôi cảm thấy rất buồn. Tôi hy vọng được nghe góp ý thẳng thắn để sửa đổi và cải thiện, thay vì bị chỉ trích thiếu khách quan trong một đoạn clip vỏn vẹn vài phút”, cô tâm sự.
Vừa phụ kinh doanh gia đình ở quán gỏi - nướng trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM), vừa học việc vì theo ngành Nhà hàng - khách sạn, Hà Thu Giang (22 tuổi) cho biết quán nhà cô khá sợ những video tố qua lại trên mạng xã hội.
"Bất cứ nhà hàng, quán ăn nào cũng đều có thể trở thành nạn nhân của nhóm TikToker. Có nhiều ngày, chúng tôi nhận được phản ánh của khách, nhưng rất sợ một khi không hề được góp ý, nhận xét gì mà chỉ thấy mình xuất hiện trên mạng xã hội", cô nói.
Trong một lần, tiệm của Thu Giang từng xuất hiện trên TikTok với tiêu đề "Sự thật về quán gỏi - nướng hot nhất quận Bình Thạnh".
"Thật ra video đó cũng là review bình thường, nhưng cách dùng từ khiến ai cũng nghĩ rằng có drama, bóc phốt. Ngoài ra, danh xưng 'hot nhất quận' cũng không phải chúng tôi tự nhận. Video sau đó khiến nhiều khách khác đến ăn và nhận xét là tưởng ngon nhất, hot nhất nhưng cũng bình thường thôi", Thu Giang kể lại.
Sau đó, cô được dặn phải để ý những ai tới quán làm clip TikTok, xin tài khoản và thông tin để kiểm tra tính chính xác.
"Nhưng rất khó. Nhiều người đến chỉ quay hình, chụp ảnh để check-in thôi, không thể biết ai là TikToker. Thật lòng quán không muốn nằm không cũng dính rắc rối thêm lần nữa', cô kết luận.
Thiếu công bằngNguyễn Thị Thanh Hương (40 tuổi), chủ cửa hàng chè trên đường Hậu Giang (quận 6, TP.HCM), cũng đánh giá hành động review ẩm thực này là “không có tâm và thiếu công bằng đối với các cửa hàng”.
Những ngày gần đây, cô phải ngừng nhận khách từ 20h vì “cháy hàng”. Ban đầu, cô không hiểu vì sao khách hàng kéo đến dồn dập như vậy. Khung giờ cao điểm của quán là 18-22h, nhưng chưa lần nào quá tải.
Tới cuối ngày, sau khi trao đổi với các nhân viên, cô mới biết rằng thương hiệu mình mua nhượng quyền đang vướng vào một cuộc lùm xùm trên mạng xã hội.
“Tôi chỉ tập trung kinh doanh, không cần quan tâm đến truyền thông vì thương hiệu đã phụ trách việc đó. Ban đầu, tôi còn trách họ chạy chương trình quảng cáo gì mà không báo trước, gây nên tình trạng quá tải khách như vậy”, cô chia sẻ.
Thanh Hương cho rằng các food reviewer cũng như khán giả của họ cần phân biệt rõ rằng chủ cửa hàng và người sáng lập thương hiệu là 2 người khác nhau để tránh những pha hiểu lầm, bôi nhọ không đáng có.
Bên cạnh đó, hầu hết người đến quay chụp và đánh giá sản phẩm đều chưa thông báo hoặc xin phép trước với chủ quán. Họ cũng không góp ý trực tiếp để cửa hàng có thể tiếp thu và thay đổi.
“Tôi sợ việc TikToker quay chụp một cách lén lút, bởi video sẽ đăng tải lên kênh cá nhân của họ mà chủ quán không hề hay biết và có cơ hội nhận góp ý, sửa sai. Họ hoàn toàn có thể phỏng vấn cả tôi và những thực khách khác để đánh giá sản phẩm một cách khách quan hơn”, cô chia sẻ.
Trên thế giới, nhiều nhà cũng không hài lòng với việc TikToker tự ý quay chụp và nêu những ý kiến thẩm định thiếu khách quan, ảnh hưởng đến kinh doanh.
Cuối năm 2021, một chuỗi nhà hàng sushi tại Mỹ và Canada đã treo biển cấm khách quay TikTok khi đến dùng bữa. Lệnh cấm được đưa ra sau khi nhiều người đặt điện thoại lên băng chuyền để quay clip review.
Tháng 2/2020, một quán cà phê tại Đài Loan (Trung Quốc) thông báo cấm cửa tất cả người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến quay phim, chụp hình.
Daily Telegraph đưa tin từ năm 2019, nhiều nhà hàng tại Australia và Hàn Quốc đã treo biển cấm YouTuber, TikToker, Mukbang (người phát sóng cảnh ăn uống) vì những đòi hỏi vô lý như không gian quay phim, bữa ăn miễn phí...
Những cuộc tranh cãi gần đây trên mạng xã hội giữa các TikToker và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Từng là quan hệ đôi bên cùng có lợi, nhiều blogger ẩm thực và quán ăn giờ đây đối đầu nhau.
Các food reviewer làm clip chủ yếu nhận xét theo góc nhìn tiêu cực, tạo tranh cãi. Ở phía ngược lại, chủ hàng quán tố những KOL này cố tình gian dối, nhận xét không trung thực, gây ảnh hưởng tới quán ăn.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()