Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:03 (GMT +7)
Nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thi đua lao động sản xuất
Thứ 4, 27/03/2024 | 15:54:38 [GMT +7] A A
Công tác phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ Quảng Ninh đã được các cấp công đoàn gắn với các phong trào thi đua trong từng lĩnh vực cụ thể, xây dựng kế hoạch rõ ràng; tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, gắn với biểu dương, tôn vinh kịp thời, nhằm tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đối với cơ quan, đơn vị, địa phương và cộng đồng xã hội.
Những tấm gương tiêu biểu
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan, Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tổ chức, Hành chính, Thanh tra và Pháp chế, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Hạ Long, dù đảm nhận nhiều vai trò, song luôn gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân cô giáo Lan luôn quan tâm, đóng góp ý kiến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho các đoàn viên và CBVC-NLĐ nhà trường, tham mưu với chuyên môn và lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện về thời gian, lương, trợ cấp cho các đối tượng đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ...
“Trong công tác giảng dạy, tôi luôn tích cực nghiên cứu khoa học. Tôi đã tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Xây dựng mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Trường Đại học Hạ Long và Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá xếp loại xuất sắc; tham gia thành viên đề tài độc lập cấp quốc gia Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế biển khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ninh và phụ cận” - cô giáo Lan chia sẻ.
Với những thành tích đó, cô giáo Lan đã được tặng nhiều bằng khen từ Trung ương đến địa phương, ghi nhận cho sự nỗ lực của mình.
Tại các đơn vị ngành Than, việc nhân rộng điển hình tiên tiến được thể hiện rất rõ qua các phong trào thi đua nhằm phát huy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm", tinh thần "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ", biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành thuận lợi. Các điển hình tiên tiến của ngành Than luôn vận dụng sáng tạo, lồng ghép vào các phong trào thi đua cụ thể tạo dấu ấn, bản sắc riêng, như: Thi đua giành năng suất kỷ lục, dẫn đầu; thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thu nhập cao; thi đua doanh nghiệp vì người lao động...
Anh Vũ Hợp Quân (Công ty Than Khe Chàm) gắn bó với nghề mỏ đã 22 năm với phong độ sản xuất luôn ổn định. Dù ở đơn vị đào lò hay khai thác than, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây anh Quân gần như đứng đầu phong trào 3 cao (ngày công cao, năng suất cao, thu nhập cao) của công ty. Đặc biệt, năm 2023 anh Quân đứng đầu công ty về mức thu nhập trên 550 triệu đồng, đồng hành với mức thu nhập là các danh hiệu được đồng nghiệp tôn vinh, lãnh đạo công ty công nhận như: Chiến sĩ thi đua cấp công ty, Chiến sĩ thi đua cấp tập đoàn, bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn...
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Bích Phượng, các cấp công đoàn đã xác định lựa chọn những mô hình, gương điển hình tiên tiến, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, trong các phong trào thi đua để xây dựng và nhân rộng, như: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", “Công nhân tiên tiến tiêu biểu”, “Doanh nghiệp giỏi”, “Học tập nâng cao trình độ, năng lực, tay nghề CNVCLĐ”; Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động...
LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua; hướng dẫn, đôn đốc, thẩm định hồ sơ, xét chọn, tổng hợp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng cho CNVCLĐ tiêu biểu theo quy định.
Được biết, hằng năm các cấp công đoàn tập trung triển khai các phong trào thi đua do công đoàn phát động, chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ của đất nước, của tỉnh, ngành, đơn vị, địa phương, gắn với việc nhân rộng các điển hình tiên tiến, chú trọng công tác thi đua khen thưởng. Tính riêng trong năm 2023, công đoàn các cấp đã phối hợp tổ chức biểu dương, khen thưởng 2.540 lượt đoàn viên, CNLĐ tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua...
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến công tác phát hiện, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến tại ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý.
Vì thế, bên cạnh vai trò chủ chốt của tổ chức công đoàn, toàn thể hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến thực sự tiêu biểu xuất sắc, có sức lan tỏa; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng, phát huy tốt vai trò của điển hình tiên tiến, nhất là việc nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở...
Chủ tịch LĐLĐ TX Quảng Yên Dương Đình Quân:
Cần lan tỏa điển hình tiên tiến trong thi đua lao động sản xuất
Trong những năm qua, các cấp công đoàn của Quảng Yên đã tuyên dương, khen thưởng nhiều lao động giỏi, lao động sáng tạo tiêu biểu trên địa bàn thị xã. Để những sáng kiến, sáng tạo tiếp tục được lan tỏa, chúng tôi chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp, người đứng đầu, chủ doanh nghiệp để tổ chức, phát động các phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tham gia sâu rộng, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch của doanh nghiệp và của thị xã. Đồng thời, nâng cao chất lượng và khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân là đoàn viên, CNLĐ trực tiếp sản xuất, kinh doanh đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị làm lợi cao. Qua đó, góp phần nhân rộng và lan tỏa những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của phong trào thi đua lao động sản xuất.
Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt (TX Đông Triều) Nguyễn Quang Mâu:
Tạo điều kiện mọi mặt để người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo
Trong hơn 2 năm gần đây, Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt phải đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, như nguồn nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do ảnh hưởng chính trị thế giới... Tuy nhiên, Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt vẫn đảm bảo sản xuất bình thường; gần 1.000 lao động có việc làm ổn định, thu nhập đạt 13-15 triệu đồng/người/tháng.
Để có kết quả trên, chúng tôi cùng tổ chức công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong từng tổ, đội, phân xưởng sản xuất. CNLĐ trên cơ sở công việc của bản thân có ý tưởng đổi mới, cải tiến trong sản xuất mang lại hiệu quả, tiết giảm công sức lao động đều được khuyến khích, tạo điều kiện phát huy khả năng của bản thân, được các cấp lãnh đạo tham gia hỗ trợ mọi mặt. Khi thẩm định và đánh giá kết quả, công ty có cơ chế khuyến khích khen thưởng xứng đáng để động viên khích lệ. Do đó, hằng năm Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt có 5-10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng từ cấp công ty đến cấp bộ. Từ đây có nhiều điển hình tiên tiến về sáng tạo đã xuất hiện, làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam (KCN Cái Lân, TP Hạ Long) Nguyễn Thị Hạnh:
Tạo động lực khích lệ CNLĐ nâng cao hiệu quả lao động sản xuất
Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số 1.850 lao động, công ty chúng tôi sản xuất sản phẩm nến nghệ thuật xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Ngay từ đầu năm Công đoàn công ty đã phối hợp với chuyên môn thực hiện phong trào thi đua “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm” thu hút đông đảo CNLĐ tại các phân xưởng sản xuất tham gia.
Để triển khai nội dung thi đua này, chúng tôi đã quán triệt đến các tổ công đoàn; đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của CNLĐ trong việc thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao nhất. Hằng tháng Công đoàn công ty cập nhật kết quả sản xuất của các phân xưởng và cá nhân người lao động có năng suất tốt, sản lượng cao. Trên cơ sở đó, cuối năm Công đoàn công ty sẽ bình xét chọn lựa những cá nhân, tập thể có thành tích tốt nhất để tổ chức công đoàn và Ban lãnh đạo công ty khen thưởng. Điều này đã tạo động lực to lớn khích lệ, động viên CNLĐ phát huy tinh thần thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả.
Chị La Kim Oanh, công nhân Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà):
Tổ chức công đoàn làm cầu nối giúp người lao động thi đua lao động sản xuất
Là lao động đứng tại dây chuyền dệt sợi, công việc của chúng tôi cũng cần đòi hỏi thao tác, kỹ năng để đảm bảo từng khâu sản xuất đạt hiệu quả tối ưu nhất. Vì vậy, khi triển khai mỗi phong trào thi đua trong lao động sản xuất, cán bộ công đoàn phải trực tiếp truyền đạt tới người lao động những nội dung thông tin cụ thể; đồng thời giải đáp những khúc mắc của người lao động như quy chế, định mức, sản lượng, kết quả sáng kiến, khen thưởng...
Tôi cho rằng, cán bộ công đoàn cơ sở là điểm tựa, là cầu nối vững chắc, tin cậy và uy tín để hỗ trợ người lao động thực hiện thi đua lao động sản xuất một cách hiệu quả tại doanh nghiệp.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()