Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:25 (GMT +7)
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh lương thực khi giá lúa gạo giảm mạnh
Thứ 6, 08/03/2024 | 14:07:31 [GMT +7] A A
2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khi đang vào chính vụ thu hoạch, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm mạnh.
Giá giảm mạnh
Từ mức đỉnh 663USD/tấn vào tháng 12.2023, đến nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tới 85 USD/tấn. Tính đến ngày 4.3, giá gạo 25% tấm ở mức 555USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 578USD/tấn, gạo 100% tấm cũng giảm sâu về ngưỡng 478USD/tấn. Đáng nói, giá gạo xuất khẩu nước ta từng bỏ xa Thái Lan và Pakistan thì đến nay đã bị bỏ lại phía sau.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, việc giá gạo giảm do các nước đều vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng.
Việc giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Theo đó, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.
Cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.200 - 8.200 đồng/kg. Trong đó, lúa nếp tươi Long An dao động quanh mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa nếp 3 tháng tươi ở mức 7.900 - 8.200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg...
Trên thị trường gạo ngày 5.3, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, ở mức 12.400 - 12.500 đồng/kg; gạo Đài thơm 8 ở mức 12.800 - 12.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 11.900 - 12.000 đồng/kg; OM 380 11.500 - 11.700 đồng/kg...
Dù giá gạo xuất khẩu giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước vẫn bày tỏ lạc quan. Hiện thị trường đang có một số yếu tố tích cực hỗ trợ giá gạo trong dài hạn.
Dưới tác động ảnh hưởng bởi El Nino và biến đổi khí hậu, nguồn cung về lương thực trên thế giới ngày càng khan hiếm. Ấn Độ chưa xuất khẩu gạo trở lại, Thái Lan cũng giảm lượng gạo xuất ra bên ngoài.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV - cho biết: "Thị trường Indonesia nếu mở như vậy, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam ổn định và cũng có nhiều khách hàng để đàm phán có giá được tốt hơn".
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, giá lúa gạo năm nay khó giảm sâu và sẽ tiếp tục duy trì ở mức tốt do nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao. Các đối tác lớn như Phillipines, Indonesia... đều thông báo tăng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm.
Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu lúa gạo bền vững, hiệu quả
Những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý một số doanh nghiệp và người nông dân.
Thủ tướng đã ký Chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng NNPTNT chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa vụ Đông Xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch; kịp thời chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ Hè Thu.
Ngoài ra, theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.
Bộ trưởng NNPTNT cần phối hợp với Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước và kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()