Tất cả chuyên mục

Cách đây 5 năm, khi tôi đến thăm Cơ sở Cai nghiện ma tuý Quảng Ninh (trước là Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Quảng Ninh), toàn bộ học viên nơi đây đều cai nghiện ma tuý gốc tự nhiên (heroin, thuốc phiện). Tuy nhiên, theo Ban lãnh đạo Cơ sở, đến thời điểm này, có tới 70% học viên người nghiện ma tuý tổng hợp. Khác với cai nghiện ma tuý gốc tự nhiên có phác đồ điều trị tương đối rõ ràng thì việc cai nghiện cho loại ma tuý mới này đang vô cùng khó khăn.
[links()]
Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ cai nghiện ma tuý tổng hợp. Hơn nữa, những di chứng của ma tuý tổng hợp còn bám theo học viên dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến con đường tái hoà nhập cộng đồng của họ trở nên gian truân hơn...
![]() |
Bác sĩ chăm sóc cho các bệnh nhân trong giai đoạn cắt cơn. |
Khó khăn trong điều trị
Tôi được các cán bộ của Cơ sở dẫn đến thăm Phòng Y tế phục hồi sức khoẻ. Tiếp chuyện tôi, bác sĩ trẻ Hoàng Văn Bắc (SN 1986) nhưng đã có 9 năm công tác chia sẻ: Các y, bác sĩ ở đây phải chịu rất nhiều áp lực. Bởi đây là nơi đầu tiên tiếp nhận các học viên. Hầu hết họ nghiện ma tuý tổng hợp, khi mới vào đều rất manh động, có biểu hiện ngáo đá, rối loạn tâm thần như la hét, đập phá.
Bác sĩ Bắc nhớ lại, một trường hợp cách đây không lâu, cô gái Nguyễn Thị V. ở TP Móng Cái được đưa vào điều trị trong tình trạng hoàn toàn mất kiểm soát bản thân. Ai gọi, hỏi gì cô đều không biết, nói chuyện một mình bằng tiếng Trung Quốc và thường xuyên la hét, nhảy múa. Sau khi cắt cơn, Vân vẫn bị ảo giác. Tuần đầu tiên cô vẫn không thể kiểm soát hành động của mình. Dù đã cách ly cô ấy vào một phòng riêng và cử cán bộ nữ chăm sóc, theo dõi, nhưng cô vẫn cứ “nổi loạn”. Hay như trường hợp của học viên Bùi Duy L. ở TP Hạ Long. Trong thời gian cắt cơn, Long đã buộc quần áo rồi vắt lên cao để tự tử. Cũng may các cán bộ y tế kịp thời phát hiện.
Theo bác sĩ Bắc, cái khó nhất đối với các y, bác sĩ ở đây là cắt cơn cho những bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng vì họ không nhận thức được mình. Nhiều người còn có biểu hiện như nói chuyện với Bồ Tát, Phật Tổ, Tôn Ngộ Không... Như trường hợp của Nguyễn Ngọc H., học viên đến từ Mạo Khê ngoài trả lời được tên của mình thì cậu ta cũng không nhận thức được gì nữa. Đây là lần thứ 2 H. vào Cơ sở để cai nghiện ma tuý tổng hợp. Dù vào được 1 tháng, nhưng H. vẫn phải ở Phòng Y tế phục hồi sức khoẻ để cắt cơn.
![]() |
Các học viên làm đất chuẩn bị trồng rau. |
Chúng tôi tiếp tục thăm Cơ sở, ở những nơi trước đây chỉ là thùng vũng, ao chuôm, giờ đã hiển hiện lên những ao cá, khu chăn nuôi, ruộng rau, vườn hoa quả xanh tốt. Không chỉ tự cung, tự cấp thực phẩm, mỗi năm Cơ sở còn bán được hàng trăm tấn thực phẩm cho các mỏ quanh vùng. Dừng ở vườn cam, tôi gặp anh Nguyễn Tuấn P. (SN 1976), ở An Sinh, Đông Triều - một trong những học viên. Anh P. cho biết: Với sự giúp đỡ của các cán bộ, giờ tôi hoàn toàn yên tâm và tin ở bản thân mình có thể đoạn tuyệt được với ma tuý để về với vợ con.
Kể về hành trình đến với ma tuý đá của mình, P. bảo: Tôi nghiện cách đây 3 năm và vào Cơ sở cai nghiện từ tháng 12/2016. Do làm nghề lái xe đường dài tôi thường xuyên phải thức đêm. Nghe một số đồng nghiệp, tôi sử dụng ma tuý đá để tìm kiếm sự tỉnh táo vì nghĩ ma tuý đá không gây nghiện. Do lạm dụng quá nhiều, tôi dần mất tỉnh táo. Vào Cơ sở cai nghiện ma tuý, tôi đã cắt được cơn chỉ sau 1 tuần. Được sinh hoạt trong môi trường trong lành, điều độ, được lao động, trị liệu tôi đã hồi phục tốt về mặt tinh thần, 80% sức khoẻ, tăng thêm vài kg. Tôi cảm thấy rất ân hận vì đã làm khổ vợ con... Rồi anh P. phấn khởi khoe: Chỉ 2 tháng nữa tôi được về nhà. Để đoạn tuyệt hẳn với ma tuý, tôi không theo nghề lái xe nữa, mà sẽ ở nhà tăng gia sản xuất, trồng na, phụ vợ bán hoa quả. Những đứa con tôi cũng đang tuổi lớn rất cần bố chăm sóc...
Khác với H., Lương Thị T. A., phường Hồng Hà, TP Hạ Long tỏ ra rất tỉnh táo và nhanh nhẹn. 30 tuổi, em đã có thâm niên nghiện ma túy 13 năm. T. A. kể: Bố mẹ em đều là giáo viên. Là con gái út trong gia đình nên em được nuông chiều, bỏ học từ cấp 3. Năm 2004 em đã dùng ma túy tự nhiên, sau đó theo trào lưu thuốc lắc, “đập đá”. Năm 2010 gia đình cho em cai nghiện tại nhà, nhưng chỉ sau 8 tháng, trong 1 dịp sinh nhật bạn, em đã tái nghiện. Tái nghiện, T. A. thường xuyên mất ngủ, sinh hoạt trái giờ giấc. Càng mất ngủ em càng “chơi đá” nhiều hơn. Lúc nào em cũng trong cơn mơ hồ, bồng bềnh và xuất hiện ảo giác, có biểu hiện tâm thần, đập phá đồ đạc, vu oan cho người nhà. Có tới 3 lần T. A. cầm dao dọa bà và bố mẹ. Cuối năm 2015, gia đình không thể chịu nổi nên đã đưa em vào Cơ sở cai nghiện. T. A. bảo: “Được sống trong môi trường trong lành, được các cán bộ động viên, em hiểu ra rằng: Dùng ma túy không những phá hủy tuổi trẻ, mà còn bán rẻ tương lai. Nên em cố gắng đoạn tuyệt với ma túy và thuốc lá”. Khi được hỏi về tương lai của mình T. A. chia sẻ: “Ra khỏi đây, em sẽ kinh doanh buôn bán nhỏ hoặc làm công nhân. Nhưng em lo... liệu xã hội có chấp nhận mình không. Ít ai dám nhận một “người nghiện” vào làm việc.
Không chỉ T.A., Tuấn P., mà nhiều học viên khác nữa, trong suốt thời gian dài ở đây cai nghiện, được các cán bộ Cơ sở quan tâm, họ đã nhận thức được những sai lầm của mình và khát khao được về với gia đình, với xã hội, được tái hoà nhập cộng đồng.
Để người nghiện tạo lập cuộc sống mới
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma tuý Quảng Ninh, cho biết: Từ năm 2013 trở về trước, người dùng chủ yếu sử dụng ma tuý gốc tự nhiên như heroin, thuốc phiện. Nhưng từ năm 2014 trở đi, người dùng rộ lên sử dụng ma tuý tổng hợp, phổ thông nhất là ma tuý đá (methamphetamine), thuốc lắc (MDMA), ketamine, cỏ Mỹ... Trước tình hình đó, chúng tôi đã báo cáo tỉnh, Sở LĐ,TB&XH và được cho áp dụng thí điểm cai nghiện ma tuý tổng hợp. Nhưng, cái khó khăn ban đầu của chúng tôi là không có phác đồ điều trị. Bởi ma tuý tổng hợp rất nhiều loại, mỗi loại có một cơ chế gây nghiện khác nhau.
![]() |
Một góc hồ trong Cơ sở cai nghiện ma túy - nơi các học viên thường xuyên đi dạo mỗi buổi chiều. |
Vì thế, ban đầu Cơ sở đã mò mẫm, thí điểm theo phác đồ điều trị an thần kinh dành cho đối tượng nghiện ma tuý gốc tự nhiên. Nhưng hiệu quả không cao, bởi nghiện ma tuý gốc tự nhiên khác với ma tuý tổng hợp. Phác đồ này chỉ giúp người nghiện ma tuý tổng hợp trở lại giấc ngủ đúng sinh lý. Quan trọng nhất là chứng loạn thần hoang tưởng thì không xử lý được. Từ đó, các cán bộ và y, bác sĩ ở Cơ sở đã chuyển sang hướng điều trị bệnh tâm thần.
Cơ sở đã phối hợp với Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần Quảng Ninh, mời các bác sĩ đến thăm khám. Bệnh nhân nào có biểu hiện loạn thần thì điều trị theo phác đồ của người bệnh tâm thần. Hướng điều trị này khá hiệu quả. Sau khi cho uống thuốc, điều trị, người nghiện không còn biểu hiện kích động nữa. Tuy nhiên, việc quản lý các đối tượng không phải dễ dàng. Bởi 3 tháng sau cai, nhiều người vẫn còn dấu hiệu loạn thần nên nhiều khi không kiểm soát được hành vi. Họ có thể đánh bất kỳ ai đang nói chuyện với mình do tưởng bị người đối diện tấn công. Có trường hợp sau 6 tháng cai nghiện vẫn bị loạn thần, vác cả cào, cuốc để đuổi đánh cán bộ.
![]() |
Lớp học đan lưới có rất nhiều học viên tham gia. |
Bên cạnh việc tự mày mò phác đồ điều trị cai nghiện ma tuý tổng hợp cho các học viên, Cơ sở xác định phải tạo lập môi trường sạch, thân thiện, tích cực. Cán bộ làm công tác cai nghiện đặt tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức là hàng đầu; bản lĩnh chính trị phải rõ ràng; năng lực công tác và trình độ chuyên môn phải cao...
Anh Lê Văn Quang, Phó Ban Quản lý học viên số 1, tâm sự: Dù công việc áp lực, nhưng cán bộ ở đây phải luôn thân thiện, quan tâm đến học viên. Không chỉ giúp học viên cắt cơn, mà chúng tôi còn tích cực trò chuyện với học viên, giúp họ quên đi mặc cảm bản thân, tự tin hoà nhập với cộng đồng, để vĩnh viễn không quay lại với ma tuý nữa. Trường hợp của học viên tên H. ở Cẩm Phả khi vào đây cai nghiện, vợ ở nhà có người khác. Sau khi ra khỏi Cơ sở, hai vợ chồng anh ly hôn. H. chán nản, lao vào nghiện lại. Lần cai nghiện thứ 2, được các cán bộ động viên, anh đã quyết tâm rũ bỏ quá khứ, làm lại cuộc đời. Hiện anh đã về nhà và đang học tiếng Nhật chuẩn bị đi xuất khẩu lao động.
![]() |
Vườn cam V2 trong Cơ sở được các học viên chăm sóc tốt tươi. |
Xuất phát từ mong muốn tạo việc làm ổn định cho học viên sau cai nghiện, để họ có thể vững vàng hoà nhập cộng đồng, CBNV Cơ sở Cai nghiện ma tuý Quảng Ninh đã tìm tòi nhiều giải pháp. Được biết, cuối tháng 10 này, Cơ sở sẽ trình UBND tỉnh dự thảo Đề án Dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.
Theo đó, sẽ đề xuất UBND tỉnh cho thành lập doanh nghiệp trong Cơ sở; hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho các đối tượng; có chính sách tạo việc làm như trồng rừng, thi công các công trình nông thôn mới; tạo điều kiện về thuế nếu thành lập doanh nghiệp trong Cơ sở; trợ giúp vốn vay ưu đãi... Cơ sở cũng đề nghị các trường nghề hỗ trợ đào tạo nghề cho học viên.
Hiện, Cơ sở đang đào tạo các nghề, như: Xây dựng, sửa chữa ô tô, sơ cấp điện lạnh, cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi, thú y; làm mi mắt giả, đan lưới mắt cá... Khi Đề án được phê duyệt, sẽ thành lập các tổ, đội sản xuất ngoài cộng đồng cho các học viên sau cai nghiện.
Các học viên sau khi hết thời hạn cai nghiện có nhu cầu, viết đơn xin gia nhập, cam kết không tái nghiện, sẽ được nhận vào đội. Thời gian qua, trực tiếp Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma tuý Quảng Ninh Lê Minh Sơn đã làm việc với một số doanh nghiệp và thông qua Chương trình Cafe Doanh nhân tìm việc làm cho các học viên. Ông cho biết, nếu đề án được tỉnh đồng ý, Cơ sở sẽ đứng ra bảo lãnh, quản lý các học viên để họ có thể tiếp cận môi trường làm việc bên ngoài cơ sở. Ông khẳng định: Chắc chắn rằng khi được xã hội đón nhận, có việc làm, các học viên sẽ tách khỏi môi trường ma tuý, dần có tình yêu và say mê lao động.
Hy vọng rằng, Đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý sẽ trở thành hiện thực và đây sẽ là môi trường tốt cho người nghiện sau cai, có cơ hội tái hoà nhập cộng đồng, xoá đi những rào cản, tạo lập cuộc sống mới cho tương lai.
Thanh Hằng
Ý kiến ()