Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:23 (GMT +7)
Tín hiệu khởi sắc của y tế toàn cầu
Thứ 4, 28/12/2022 | 11:39:32 [GMT +7] A A
Những điểm sáng tích cực đang xuất hiện trên bức tranh tổng thể của y tế toàn cầu với đà suy yếu của nhiều loại dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kỳ vọng, năm 2023 lĩnh vực y tế ghi nhận sự khởi sắc, song vẫn cảnh báo các quốc gia không được lơ là, chủ quan, đánh giá thấp tình hình dịch bệnh.
Năm 2022 là một năm khó khăn chồng chất với hệ thống y tế toàn cầu khi phải căng sức ứng phó với nhiều loại dịch bệnh vào cùng một thời điểm. Thế giới trải qua năm thứ ba đại dịch Covid-19 lây lan, trong khi các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, dịch tả, dịch Ebola và các căn bệnh về hô hấp diễn ra ở các châu lục.
Hội chứng Covid-19 kéo dài gây sa sút nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều nước thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân tăng và thiếu nhân lực trầm trọng.
Vượt qua thách thức “dịch chồng dịch”
Tuy nhiên, trải qua hàng loạt thách thức, vào thời điểm năm cũ sắp khép lại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) kỳ vọng năm 2023 sẽ có nhiều khởi sắc với y tế toàn cầu khi đại dịch Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ đang trên đà suy yếu, còn tại Uganda đã không ghi nhận ca mắc mới Ebola nào trong hơn ba tuần qua. WHO cũng bày tỏ hy vọng có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với các dịch bệnh nêu trên vào những thời điểm khác nhau trong năm tới.
Năm 2022 từng được đánh giá là năm của “cơn sóng thần” Omicron và các biến thể phụ. Theo WHO, hiện có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron, vốn có khả năng lây truyền cao, đang lưu hành. Số ca mắc mới Covid-19 từng có lúc tăng mạnh ở Pháp, Ðức, Italia, Hàn Quốc, Singapore, Australia... Tuy nhiên, những thành tựu về nghiên cứu và việc “phủ sóng” vắc-xin đã mang đến bước tiến trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Ghebreyesus cho biết, số ca tử vong do Covid-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 thuộc WHO nhận định, mặc dù vẫn có khả năng xảy ra các đợt lây nhiễm nhưng đại dịch Covid-19 “không như lúc ban đầu”, với số ca nhập viện và tử vong đã ít hơn. Theo bà, những ca tử vong phần lớn xảy ra ở những người không tiêm phòng hoặc chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin. Đến nay, hơn 6,6 triệu ca tử vong do Covid-19 đã được báo cáo lên WHO.
Năm 2022, thế giới cũng phải đối phó sự bùng phát bất ngờ của bệnh đậu mùa khỉ. Hồi tháng 8, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, sau khi quốc gia này ghi nhận hơn 6.000 ca mắc bệnh. Dữ liệu của WHO cho thấy, hơn 81.300 ca mắc bệnh đã được ghi nhận tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi căn bệnh này bùng phát vào đầu năm 2022.
Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vắc-xin cũng như nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro của bệnh đã làm chậm sự lây lan, giúp kiểm soát dịch. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ dự kiến bệnh đậu mùa khỉ sẽ không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng từ ngày 1/2/2023.
Các căn bệnh như cúm mùa, tả, sốt xuất huyết... cũng diễn biến phức tạp. Tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) cho biết, có khoảng 9,5 triệu người Đức gần đây đã nghỉ ốm, cao hơn đáng kể so với thời điểm hơn hai năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, sự hoành hành đồng thời của vi-rút hợp bào hô hấp (RSV), vi-rút cúm mùa và SARS-CoV-2 gây Covid-19 tạo áp lực đáng kể cho hệ thống y tế.
Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, với các đợt hạn hán, lũ lụt chưa từng có và lốc xoáy ở một số quốc gia đã tạo môi trường thuận lợi cho vi-rút gây bệnh lây lan. Song, thế giới đang ghi nhận những chuyển biến tích cực về cả nhận thức lẫn hành động liên quan ứng phó biến đổi khí hậu. Thành công của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) mới đây đã phản ánh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác quốc tế để ứng phó biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe con người.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Dù kỳ vọng vào một năm mới khởi sắc với y tế toàn cầu song người đứng đầu WHO cũng bày tỏ thận trọng khi yêu cầu các quốc gia không được chủ quan và cần tập trung vào năm nhiệm vụ ưu tiên. Các nhiệm vụ gồm nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chuyển từ chăm sóc bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe; tăng cường bao phủ y tế toàn dân, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ; tiếp tục cải tổ WHO. Những nhiệm vụ này cần tất cả các nước đồng lòng thực hiện nhằm duy trì thành quả đã đạt được trong đẩy lùi dịch bệnh, cũng như tạo ra một lá chắn vững vàng hơn để ứng phó các dịch bệnh tương tự trong tương lai.
Theo kế hoạch, các cuộc thảo luận về một dự thảo thỏa thuận toàn cầu nhằm ứng phó tốt hơn với đại dịch trong tương lai sẽ được khởi động vào tháng 2/2023. Bà Precious Matsoso (P.Mát-xô-xô), một thành viên của Cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO, nhấn mạnh con người không bao giờ được quên tác động của đại dịch đối với cuộc sống, kinh tế và xã hội nói chung. Trải qua ba năm kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu bùng phát, thế giới dường như ý thức rất rõ về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch, cũng như tránh lặp lại những sai lầm trước đây.
Bài học về tinh thần đoàn kết, chia sẻ vắc-xin và thúc đẩy một cơ chế phân phối công bằng thay vì chạy đua tích trữ vắc-xin vẫn còn nguyên giá trị. Một số ý kiến cho rằng, bất kỳ hiệp ước về đại dịch nào cũng nên cam kết tự động từ bỏ các quy tắc sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, loại bỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và hành vi lan truyền thông tin sai lệch trên các nền tảng truyền thông cũng là một bài học kinh nghiệm cần lưu ý.
Sự bùng phát trở lại của nhiều căn bệnh trong năm 2022 chính là hồi chuông nhắc nhở thế giới về tính chất phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Việc nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp xây dựng các hệ thống toàn cầu hiệu quả nhằm phát hiện, ngăn chặn và ứng phó kịp thời với những đại dịch là trách nhiệm chung của mọi quốc gia vì sức khỏe người dân.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()