Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:06 (GMT +7)
Tín hiệu vui trên thị trường phim Việt
Thứ 2, 26/02/2024 | 14:09:51 [GMT +7] A A
Sáu bộ phim Việt Nam đồng loạt được tung ra hệ thống rạp chiếu toàn quốc trong mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó có phim đã đạt doanh thu hơn 200 tỷ đồng như Mai (đạo diễn Trấn Thành) hoặc trở thành hiện tượng phòng vé như Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn), là tín hiệu báo hiệu sự khởi sắc cho thị trường điện ảnh trong nước.
Theo thông tin cập nhật từ đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, lượng vé bán trên hệ thống rạp phim mùa Tết năm nay khá khả quan. Năm ngày đầu tiên của Tết Giáp Thìn, lượng vé bán ra tăng hơn 10% so với cùng thời gian trong Tết Quý Mão 2023. Đầu tiên phải kể đến sự áp đảo gần như tuyệt đối của phim Mai với việc xác lập kỷ lục về số lượng vé đặt trước và chinh phục luôn cột mốc doanh thu trăm tỷ.
Lý giải sức hút này, các chuyên gia điện ảnh cho rằng, trước đó, Trấn Thành đã tạo được thương hiệu với những bộ phim giải trí mang lại doanh thu phòng vé rất ấn tượng. Với phim Mai, hiệu ứng truyền thông đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần gây tò mò, mong muốn được xem từ khán giả.
Một hiện tượng khác là Đào, phở và piano - một bộ phim được Nhà nước đặt hàng năm 2023. Theo kế hoạch, phim được chiếu tại Trung tâm chiếu phim quốc gia từ ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024 (ngày 10/2) và kéo dài đến hết tháng 2 với tần suất hai đến ba suất chiếu mỗi ngày.
Tuy nhiên, ngay sau khi ra rạp, Đào, phở và piano lập tức thu hút khán giả, lượng vé tăng đột biến, Trung tâm chiếu phim Quốc gia phải điều chỉnh tăng suất chiếu, có ngày lên đến 15 suất. Bộ phim có nội dung xoay quanh câu chuyện tình yêu của cặp nam thanh nữ tú Hà thành trong bối cảnh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1946 - 17/2/1947) bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Hai nhân vật chính thất lạc nhau và khi gặp lại, họ chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để làm đám cưới và tận hưởng niềm hạnh phúc lứa đôi.
Phim có sự xuất hiện của nhiều nhân vật đại diện cho các tầng lớp người Hà Nội thời bấy giờ: Một họa sĩ già luôn ấp ủ vẽ được bức tranh tâm đắc; cặp vợ chồng người bán phở luôn mong có người ăn để thưởng thức món ẩm thực tinh hoa; chú bé đánh giày; vị linh mục... Mỗi nhân vật đã làm sáng lên tinh thần nhân văn, yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì mục tiêu bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn đầy khốc liệt. Bên cạnh việc khắc họa hiện thực, phim còn khai thác khá tinh tế cốt cách, phẩm chất người Hà Nội, tôn vinh tình yêu với cái đẹp, những đam mê tao nhã, khí chất hào hoa và lòng yêu nước.
Đào, phở và piano quy tụ dàn diễn viên uy tín: Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Anh Tuấn, Doãn Quốc Đam... Ngoài ra, bối cảnh phim cũng tạo được ấn tượng với khán giả. Được biết, để xây dựng cả một con phố dài 120m, rộng 9m (theo tỷ lệ 1:1) để làm bối cảnh chính cho phim, họa sĩ Vũ Việt Hưng cùng tổ họa sĩ đã làm việc cật lực mất nửa năm. Dự án phim có kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng do đạo diễn-biên kịch Phi Tiến Sơn chỉ đạo trực tiếp và từng giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cuối năm 2023.
Chỉ trong một thời gian ngắn, phim Việt Nam với tổng doanh thu phòng vé hơn 400 tỷ đồng (chiếm 80% thị phần) đã thắng lớn so với các phim nhập ngoại đang chiếu tại hệ thống rạp trên toàn quốc, như: Argylle siêu điệp viên; Gia đình X Điệp viên: Mã Trắng, Madame Web, Đấu trường muôn thú, Cún cưng đại náo nhà hát, Gấu đỏ biến hình, Nhà vịt di cư, Poporo Hành trình siêu sao âm nhạc... Tuy vậy, ngoài Mai và Đào, phở và piano, các phim khác ra rạp cùng thời điểm như: Gặp lại chị bầu (đạo diễn Nhất Trung), Hồng Hà nữ sĩ (đạo diễn Nguyễn Đức Việt) mỗi ngày chỉ có vài suất chiếu và có phần lép vế về doanh thu; phim Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) và Trà (đạo diễn Lê Hoàng) rút khỏi rạp với doanh thu mỗi phim khoảng trên dưới một tỷ đồng...
Dù trước đó, một phim khác cũng của đạo diễn Nhất Trung là Cua lại vợ bầu từng đạt doanh thu phòng vé gần 200 tỷ đồng, nhưng sản phẩm lần này, ê-kíp làm phim Gặp lại chị bầu đã phải ngậm ngùi khi bị các phim khác bỏ lại quá xa trong cuộc đua doanh thu. Thực tế này cho thấy tính khốc liệt trong cạnh tranh trên thị trường điện ảnh.
Theo các chuyên gia điện ảnh, bên cạnh tín hiệu khả quan, trong phát hành phim ra rạp hiện nay vẫn tồn tại những mặt chưa tích cực. Thí dụ, khi một bộ phim tạo thành hiện tượng phòng vé, áp đảo suất chiếu sẽ dẫn tới việc khán giả khó khăn hơn khi lựa chọn xem các phim yêu thích của mình. Nhiều khán giả không thể đi xem phim theo lựa chọn của mình bởi không có suất chiếu nào phù hợp.
Dù vậy, tín hiệu vui từ một số bộ phim Việt đang đạt doanh thu cao ở một góc độ nào đó vẫn tạo được hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư vào thị trường phim Việt Nam. Điện ảnh trong nước đang có thời cơ tốt để tạo nên sự bứt phá, trong đó doanh thu phim chiếu rạp và thị trường điện ảnh có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng với lượng khán giả đông đảo luôn ủng hộ nhiệt thành cho phim nội.
Tất nhiên, cùng với đó sẽ diễn ra nhiều cuộc sàng lọc khắt khe hơn và khán giả có cơ hội được thưởng thức nhiều tác phẩm hay cũng như xuất hiện những tên tuổi nhà sản xuất, nhà làm phim và nghệ sĩ xuất sắc.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()