Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 21:11 (GMT +7)
Tín hiệu vui từ lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Thứ 6, 08/11/2024 | 09:44:00 [GMT +7] A A
"Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" là Đề án hết sức có ý nghĩa với bà con nông dân vùng Tây Nam Bộ và ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Đồng Tháp và Long An là hai tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười đã tích cực tham gia Đề án, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Thực tế cho thấy, chính quyền và nông dân đang tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị lúa gạo, nâng cao đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tín hiệu vui
Sau hơn ba tháng gieo sạ, gần 50 ha lúa thí điểm thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (viết tắt là Đề án) tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã được thu hoạch.
Ông Trần Tấn Đặng, một trong số hơn 20 nông dân tham gia thực hiện thí điểm Đề án ở vụ thu đông 2024, cho biết: "Tôi có 2 ha tham gia thí điểm Đề án, khi thu hoạch, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha, cao hơn sản xuất lúa truyền thống khoảng 500 kg/ha, chất lượng lúa đạt tiêu chuẩn Đề án quy định, lợi nhuận cao hơn khoảng 4,3 triệu đồng/ha so với diện tích lúa đối chứng".
Nhiều nông dân khác đều khẳng định trong vụ tới sẽ tiếp tục tham gia thực hiện Đề án. Bà con cho rằng, không đốt rơm rạ, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo sạ là giảm chi phí sản xuất, đó chính là lợi nhuận…
Đồng Tháp là một trong năm tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện thí điểm Đề án. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đã tiên phong thực hiện mô hình mẫu với gần 50 ha. Thời gian thực hiện thí điểm Đề án từ vụ thu đông năm 2024 và kéo dài trong ba vụ liên tiếp.
Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Bà con được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa; hằng tuần, có cán bộ kỹ thuật cùng thăm đồng, kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý sâu bệnh hại, chính sách hỗ trợ…
Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp Trần Thanh Tâm cho biết, số diện tích tham gia thí điểm đề án đã giảm lượng giống xuống chỉ còn 70 kg/ha; giảm được vật tư nông nghiệp; rơm rạ được thu gom, xử lý; có liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp... Kết quả bước đầu, diện tích tham gia Đề án giảm chi phí sản xuất hơn 1,6 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn gần 4,3 triệu đồng/ha so với diện tích lúa đối chứng. Về phát thải khí nhà kính, đã giảm được 4,92 tấn CO2/ha…
Tại Long An, tỉnh xác định, để thực hiện thành công Đề án, nông dân phải tham gia vào hợp tác xã; 100% diện tích lúa chất lượng cao, phát thải thấp phải có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An Nguyễn Thị Diệu Ngân, những tiêu chuẩn về phát thải khí nhà kính của Đề án đưa ra đã được hợp tác xã thực hiện qua ba vụ lúa và đang tiếp tục nhân rộng ra nhiều thành viên và nông dân liên kết với đơn vị.
Thí dụ, việc trồng cây trên bờ ruộng; sử dụng chế phẩm sinh học để phòng, trừ sâu bệnh trên lúa… đã được hợp tác xã ứng dụng thành công nhiều năm qua. Đến nay, Hợp tác xã có hơn 1.150 ha lúa đều ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó khoảng 100 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu sang châu Âu; 50 ha sản xuất lúa giống; còn lại khoảng 1.000 ha canh tác lúa hàng hóa chất lượng cao được doanh nghiệp bao tiêu, giá thu mua cao hơn thị trường tại thời điểm thu hoạch khoảng 3.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân chia sẻ thêm: "Trồng lúa sạch, đạt tiêu chuẩn châu Âu, lợi nhuận thu được cao hơn sản xuất lúa truyền thống hơn bốn triệu đồng/ha. Hợp tác xã hợp đồng tiêu thụ và quản lý chất lượng sản phẩm cùng với doanh nghiệp.
Nông dân có nhiệm vụ gieo giống, diệt ốc, diệt cỏ, bón phân, còn việc phun chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật là do doanh nghiệp thực hiện theo định kỳ. Với cách làm này, nông dân rất phấn khởi và đang lan tỏa ra nhiều vùng lúa chuyên canh khác tại địa phương".
Với 83 thành viên và liên kết với nông dân bên ngoài, mỗi vụ, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thuận cung ứng cho doanh nghiệp khoảng 1.000 tấn lúa sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Hợp tác xã đang tiếp tục đàm phán giá để ký kết thêm hợp đồng với doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất…
Nhân rộng mô hình
Ông Đinh Quang Hiếu, đại diện Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Viện đã giám sát, tính toán phát thải khí nhà kính đối với gần 50 ha lúa của nông dân Tháp Mười tham gia thực hiện thí điểm Đề án. Theo đó, ở vụ lúa thu đông 2024, giảm phát thải khí nhà kính trung bình 4,92 tấn CO2/ha, tương đương giảm 43,4% so với lối canh tác truyền thống. Tỷ lệ giảm phát thải như thế là vượt so với mức đề xuất ban đầu (hơn 10%).
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện thí điểm cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc bón vùi phân không đều; rút nước trên ruộng lúa giai đoạn 12-21 ngày sau sạ là chưa khả thi; việc thu gom rơm rạ trong mùa mưa gặp khó khăn; thu gom và trữ rơm cùng lúc với khối lượng lớn cần thực hiện bằng nhiều giải pháp…
Đối với diện tích sản xuất lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đang tham gia thực hiện thí điểm Đề án, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương sẽ vận động thêm một số hộ nông dân có đất sản xuất liền kề (hơn 10 ha) cùng tham gia để thuận lợi, hiệu quả hơn trong việc làm thủy lợi nội đồng. Cố gắng nâng diện tích tham gia Đề án ở vụ lúa đông xuân 2024-2025 tại huyện Tháp Mười lên khoảng 150 ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, từ kết quả của vụ lúa thu đông vừa qua, trong vụ lúa đông xuân 2024-2025, tỉnh sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân khắc phục những điểm còn hạn chế, hoàn thiện quy trình canh tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chí của đề án như: Kiểm soát nước, rút nước đầu vụ, phòng trừ dịch hại…
Hoàn thiện các giải pháp giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính như thu gom rơm, xử lý gốc rạ. Ngành nông nghiệp cũng sẽ lấy kết quả thực tiễn để giới thiệu đến nông dân cách làm cụ thể nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, giảm chi phí canh tác, tăng lợi nhuận, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Trong vụ lúa đông xuân 2024-2025, Đồng Tháp sẽ nhân rộng tại tám huyện còn lại của tỉnh với 11 mô hình, tổng diện tích hơn 1.300 ha, thực hiện liên tục trong ba vụ. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 50.000 ha lúa tham gia Đề án và đến năm 2030 nâng lên khoảng 161.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 60.000 ha lúa chất lượng cao tham gia Đề án và đến năm 2030 là 120.000 ha. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu, trong vụ đông xuân 2024-2025, tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An sẽ triển khai thực hiện chín mô hình nằm trong Đề án với tổng diện tích hơn 150 ha.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ thực hiện hai mô hình thí điểm tại Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú (huyện Châu Thành) và một hộ nông dân tại xã Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng), mỗi mô hình 0,5 ha. Các mô hình thí điểm này là để xác định lượng phát thải khí nhà kính do canh tác lúa và mức giảm phát thải khí nhà kính khi áp dụng phương pháp ngập, khô xen kẽ.
Qua đó, doanh nghiệp cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về nông nghiệp bền vững, tín chỉ các-bon và chịu trách nhiệm kết nối nguồn tài trợ từ Cơ chế tín dụng chung (JCM), hoặc tín dụng các-bon tự nguyện để hỗ trợ nông dân thúc đẩy chuyển đổi xanh, bảo đảm nguồn tài chính cho việc thực hiện các dự án và biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, trên nền tảng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đã xây dựng ba năm qua, tỉnh Long An quyết tâm góp phần thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Tỉnh chú trọng hơn nữa việc tổ chức lại sản xuất, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thực tế sản xuất lúa...
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()