Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:21 (GMT +7)
Tinh giản bộ máy, biên chế: Quyết tâm cao trong xây dựng Đề án
Thứ 6, 04/07/2014 | 08:46:07 [GMT +7] A A
Là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược của Đảng, Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” đã và đang được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh nghiêm túc xây dựng, bước đầu tạo được sự chuyển động tích cực trong hoạt động của bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Ngày 7-6, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với BTV Thành ủy Uông Bí để kiểm tra việc triển khai Chỉ thị 25-CT/TU. Ảnh: Ngọc Hà |
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị 25-CT/TU ngày 28-2-2014 chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5-12-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các địa phương, đơn vị đã tích cực vào cuộc để xây dựng Đề án nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế. Theo đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới. Quá trình triển khai xây dựng đề án, các đơn vị, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các văn bản chỉ đạo của tỉnh; đồng thời, tiếp thu ý kiến chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong các buổi kiểm tra, làm việc trực tiếp tại các địa phương, tổ chức để xây dựng đề án.
Qua đánh giá bước đầu cho thấy, các đề án đã bảo đảm hài hoà, cân đối 3 nội dung cơ bản; có sự đánh giá thực chất về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng cũng như nêu rõ thực trạng, các tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập của bộ máy. Với quyết tâm chính trị cao, các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đã quyết liệt trong chỉ đạo, xây dựng đề án một cách thận trọng, trung thực, tiến hành từng bước, đúng quy trình, đảm bảo dân chủ, phát huy sáng tạo trong việc lấy ý kiến đóng góp của CB, CC, VC và nhân dân vào đề án. Việc này đã góp phần bảo đảm tính dân chủ, khách quan cũng như tính khả thi trong thực hiện sau khi đề án được phê duyệt. Qua mỗi lần tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và lấy ý kiến đóng góp của CB, CC, VC và người dân tham gia xây dựng đề án, Tổ soạn thảo các địa phương, đơn vị đã nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc bổ sung, chỉnh sửa và sắp xếp lại bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ năng động, tinh thông; xây dựng phương án sát thực hơn đối với người dôi dư, bố trí chuyển đổi công việc phù hợp, tăng cường kiêm nhiệm…
Với sự chỉ đạo sát sao và những nỗ lực thực hiện của các địa phương, sở, ngành, tổ chức, tính đến cuối tháng 5-2014, các đề án của 14 địa phương đề xuất giảm khoảng 202 đầu mối trực thuộc cấp huyện, 14.578 người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách, dự kiến đến hết năm 2015 sẽ tiết kiệm được trên 221 tỷ đồng. Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc khối chính quyền đã đề xuất giảm 25 đơn vị trực thuộc, 391 biên chế CC, VC và hợp đồng lao động. 6/6 cơ quan thuộc khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã hoàn thành đề án, đề xuất tinh giản được 2 đầu mối, 14 biên chế, tiết kiệm chi phí thường xuyên khoảng 2,2 tỷ đồng/năm. 7/7 cơ quan thuộc khối Đảng đã hoàn thành đề án, đề xuất giảm 2 phòng, 5 biên chế, tiết kiệm được 750 triệu đồng/năm…
Tuy đã đạt nhiều kết quả khả quan trong xây dựng đề án, tuy nhiên qua các cuộc làm việc, các ý kiến tham gia của các ngành cho thấy một số đề án đánh giá chưa rõ thực trạng, chưa phân tích nổi bật những ưu điểm, hạn chế, bất cập, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập; một số đề án đã mạnh dạn đề cập đến nội dung đề xuất thực hiện thí điểm việc sáp nhập, chia tách, nhất thể hoá, nhưng chưa phân tích kỹ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn một cách thuyết phục, khả thi; có đề án chưa đề cập đến những khó khăn, vướng mắc, do đó chưa đề ra được những giải pháp, cách thức cụ thể để tháo gỡ từ cấp mình và chưa đề xuất được sự phân cấp, cơ chế chính sách cụ thể cho từng đối tượng dôi dư khi thực hiện tinh giản…
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để kiểm điểm tiến độ triển khai Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” do Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức mới đây, các các địa phương, sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đề cập đến những vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ trong quá trình rà soát, lập đề án. Cụ thể là: Cần có những chính sách nhằm đảm bảo đời sống, việc làm đối với những trường hợp tinh giản khi còn trong độ tuổi lao động; các cấp thẩm quyền sớm có văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ khi bộ máy các cơ quan được nhất thể hoá đi vào hoạt động; khi triển khai đề án, ngoài những chính sách của Trung ương, cần xem xét tình hình thực tế ở mỗi địa phương nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện về việc làm cho những đối tượng dôi dư; có hướng dẫn việc sử dụng cơ sở vật chất, kinh phí tiết kiệm sau khi tinh giản…
Cũng tại cuộc họp này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh: Đề án phải được xây dựng trên cơ sở phân tích các quy luật khách quan “từ tình hình ra nhiệm vụ, từ nhiệm vụ ra tổ chức, từ tổ chức ra yêu cầu nhân sự”. Để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, các cấp uỷ trước hết phải tập trung đánh giá kỹ thực trạng, nhìn thẳng các hiện tượng tiêu cực đang diễn ra tại địa phương, đơn vị, từ đó nhận định những nguyên nhân chủ quan và khách quan, rút ra những giải pháp nâng cao năng lực một cách phù hợp, thực chất. Việc sắp xếp bố trí lại bộ máy, tổ chức phải dựa trên cơ sở phân tích kỹ cơ sở khoa học, thực tiễn, bám sát tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, tránh định kiến, máy móc; các cơ chế chính sách thực hiện cần đảm bảo tính linh hoạt, cơ động, rõ ràng, vận dụng sáng tạo các quy định pháp luật vào thực tiễn.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()