Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:18 (GMT +7)
“Quảng Ninh là một điển hình về bảo vệ và phát triển Cây di sản”
Thứ 3, 03/09/2024 | 13:30:28 [GMT +7] A A
Trong cuộc hội thảo được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, cho rằng Quảng Ninh là một điển hình trong cả nước về bảo vệ và phát triển Cây di sản. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Ngọc Hải về vấn đề này.
- Vì sao ông nhận định Quảng Ninh là một điển hình trong nước về bảo vệ và phát triển Cây di sản?
+ Năm 2016, 144 cây tại Rừng Quốc gia Yên Tử đồng loạt được công nhận Cây di sản; gồm 102 cây xích tùng, 21 cây mai vàng, 10 cây thông nhựa, 9 cây đại, 1 cây thị, 1 cây đa tía. Thời điểm công nhận sớm, số lượng cây công nhận lớn, Quảng Ninh có lẽ là tiền lệ hiếm trong nước.
Khác với các địa phương khác, Cây di sản ở Quảng Ninh không đơn thuần là một cá thể thực vật đặc biệt, mà nó gắn với văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng. Trải qua khắc nghiệt của thiên nhiên và biến cố lịch sử, những Cây di sản trên vẫn sừng sững, uy nghi, trở thành di sản sống, chứng minh các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng đất và con người Quảng Ninh.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước có nghị quyết (số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023) mà nội hàm của nó đề cập về công tác rà soát, điều tra, phát hiện và đề xuất công nhận Cây di sản, coi đây là một phần vốn di sản quý giá trên địa bàn. Cụ thể hóa Nghị quyết này còn có Công văn chỉ đạo số 20 của UBND tỉnh về việc rà soát, đăng ký lập hồ sơ công nhận Cây di sản Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị chuyên môn, các địa phương mạnh dạn thực hiện các hồ sơ Cây di sản gửi tới chúng tôi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã nhận từ Quảng Ninh trên 20 hồ sơ xét công nhận Cây di sản. Các hồ sơ đều rất đầy đủ, chặt chẽ, làm nổi bật những giá trị của cây, đủ điều kiện để chúng tôi thẩm định và công nhận Cây di sản.
Tôi đánh giá rất cao việc Quảng Ninh lồng ghép hoạt động đón nhận quyết định và công bố Bằng công nhận 12 Cây di sản trong dịp khai hội đền Cửa Ông - một di sản vật thể, phi vật thể lớn trên địa bàn. Hoạt động này tạo ra tác động tích cực và tính lan tỏa trong việc phát triển và bảo vệ Cây di sản.
- Cây di sản nói riêng, cây cổ nói chung là vốn quý cho phát triển du lịch sinh thái, gia tăng giá trị các khu di sản. Ông nghĩ sao về điều này?
+ 144 Cây di sản của Yên Tử hiện diện trên các tuyến hành hương, điểm chùa, am, tháp trong lòng di sản Yên Tử. Nhiều cây được cho do các thiền sư trồng khi về Yên Tử tu từ hàng trăm năm trước, được xem như biểu tượng của Phật giáo Trúc Lâm, nhắc nhớ về vị vua hóa phật Trần Nhân Tông… Sự hiện diện của những cây này như lớp trầm tích của thời gian mà đến nay còn nhìn thấy được, trở thành thành phần quan trọng, đồng thời làm gia tăng giá trị của tổng thể di sản Yên Tử.
Những Cây di sản còn lại trên địa bàn Quảng Ninh hiện phần lớn gắn với các di tích. Nếu bảo tồn và phát huy tốt giá trị hiện có, sẽ trở thành sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử.
Cùng với giá trị thúc đẩy kinh tế du lịch, Cây di sản trên địa bàn Quảng Ninh góp phần quan trọng trong việc bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và nguồn gen thực vật tiêu biểu, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng. Việc công nhận Cây di sản còn là thông điệp về đạo lý, nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân có công trồng và gìn giữ cây. Cây di sản cũng góp phần quảng bá sự phong phú đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật Việt Nam, tạo không gian xanh, làm tăng giá trị các công trình văn hoá, kiến trúc, lịch sử, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
- Vậy chúng ta cần bảo vệ và phát triển Cây di sản ra sao cho đúng cách?
+ Trong công tác bảo vệ và phát triển Cây di sản, tôi đánh giá cao vai trò và sự tham gia của cộng đồng, khi những Cây di sản chưa được công nhận đã được cộng đồng gìn giữ. Tất nhiên sau khi được công nhận thì cây sẽ còn được quý trọng và bảo vệ tốt hơn. Ở Yên Tử có những cây tuổi đời rất cao; sự tồn tại của chúng cho đến ngày nay đã minh chứng có bàn tay bảo vệ của bao thế hệ.
Sự phát triển bùng nổ về du lịch dẫn đến những ảnh hưởng nhất định đến Cây di sản. Như những cây xích tùng trên đường hành hương Yên Tử, bộ rễ của cây nhô lên khỏi mặt đất, bị bào mòn do du khách đi lại; lượng phát thải từ hoạt động du lịch cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Giải pháp chính là giữ lớp đất phủ cho bộ rễ, hạn chế du khách đi bộ dẫm đạp lên rễ cây, cũng có thể xây đường tránh, tạo rãnh để tránh xói mòn, trôi rửa đất khu vực phân bố bộ rễ của cây.
Các đơn vị chức năng tại Yên Tử đã bước đầu thành công nhân giống cây xích tùng, vừa chủ động về nguồn gen, vừa chủ động về cây giống trồng mới, trồng bổ sung vào các quần thể tùng tự nhiên, hoặc trở thành sản phẩm du lịch để bán cho du khách, như một sản phẩm lưu niệm có ý nghĩa khi đến vùng đất Phật Yên Tử. Giới chuyên môn chúng tôi gọi đây là biện pháp bảo tồn chuyển chỗ.
Nhiều loài cây khác cũng có thể bảo tồn chuyển chỗ. Như cây mai vàng Yên Tử, được cho là loại thực vật đặc hữu của Yên Tử, hay cây trúc cũng là loại thực vật có tính đặc trưng ở đây, có thể nhân giống và trồng đại trà ở một khu vực nào đó ngoài Yên Tử, để thu hoạch cây mai con hoặc măng trúc cung cấp cho thị trường. Tôi được biết Quảng Ninh đã thành công với dự án nghiên cứu, nhân giống mai vàng Yên Tử, tạo thành sản phẩm du lịch cũng như phục vụ dân sinh. Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị Cây di sản của Quảng Ninh.
Quảng Ninh có nhiều khu di tích tâm linh, cộng đồng dân cư có cây cổ thụ, có diện tích rừng tự nhiên với nhiều cây kích thước lớn, tuổi cao… Đây là dư địa để tỉnh có thêm nhiều Cây di sản, đồng nghĩa có thêm dư địa phát triển kinh tế - xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()