Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:54 (GMT +7)
Tỉnh Quảng Ninh phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
Thứ 5, 15/02/2024 | 11:03:52 [GMT +7] A A
*/ Hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ", chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động và trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh, ngày 15/2, tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động Tết trồng cây năm 2024. Dự lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Phát động Tết trồng cây năm 2024, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh không chỉ cho hôm nay, mà cho cả các thế hệ mai sau; được các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, địa phương, nhân dân trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Với nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đã giữ vững vị trí là địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc. Từ năm 2020 đến 2023, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000 ha, trong đó diện tích lim, giổi, lát đã trồng trong 3 năm là trên 3.500 ha, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Cùng với những thành tựu đã đạt được, năm 2024, tỉnh xác định chủ đề công tác là: "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh"; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tổng quát, trong đó có mục tiêu về môi trường là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Để thực hiện mục tiêu trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm, hành động về vai trò quan trọng của rừng và đất lâm nghiệp; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng bền vững gắn với khơi dậy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tập trung tăng diện tích rừng có chứng chỉ rừng; nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển, tích cực chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước; chống chặt, phá rừng trái pháp luật; phòng cháy, chữa cháy rừng, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, thực hiện quản lý tốt rừng tự nhiên, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng là nguồn sinh thủy của các hồ, đập để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ người dân đô thị, nông thôn được cung cấp, sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Các địa phương chủ động lập, phê duyệt quy hoạch phát triển rừng bền vững và phân vùng quy hoạch trồng lim, giổi, lát, cây gỗ lớn, cây bản địa; xác định cụ thể lộ trình thực hiện Đề án trồng cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn. TKV và Tổng Công ty Đông Bắc chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai kế hoạch sản xuất gắn với thực hiện tốt Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than, lựa chọn trồng cây hoàn nguyên môi trường bằng các loài cây bản địa để phát triển thành rừng cây gỗ lớn để phục hồi môi trường đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững.
Ngay sau lễ phát động, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu đã trồng 3.300 cây lát hoa trên diện tích 3ha tại khu vực rừng phòng hộ hồ Đầm Hà Động, thôn Thanh Lâm, xã Quảng Lâm. Đây là loài cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Đầm Hà. Hiện, tỷ lệ che phủ rừng huyện Đầm Hà đạt 57,5%, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, từng bước chuyển đổi cơ cấu loài cây trồng, chuyển loại từ rừng trồng gỗ nhỏ sang cây trồng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, bảo vệ tốt môi trường lâu dài và tạo cảnh quan môi trường đặc sắc.
Trò chuyện với nhân dân huyện Đầm Hà cùng tham gia Tết trồng cây, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ vui mừng khi nhận thấy bà con nơi đây đã dần thay đổi nhận thức, từng bước chuyển đổi cơ cấu loài cây trồng, chuyển loại từ rừng trồng gỗ nhỏ sang cây trồng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, bảo vệ tốt môi trường, tạo ra giá trị, tài sản cho con cháu, làm giàu vốn rừng. Từ năm 2021 đến nay, huyện Đầm Hà đã trồng được trên 2.037 ha rừng tập trung, trong đó đã trồng trên 81 ha rừng gỗ lớn, cây bản địa lim, giổi, lát.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh đã có chủ trương trồng những loài cây có giá trị kinh tế cao, có giá trị lớn đối với bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là giữ nguồn sinh thủy cho các sông suối, hồ nước. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích bà con không trồng keo nữa, chuyển sang trồng cây bản địa như lim, lát, giổi. Đến nay, các chủ trương, cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống, mang lại những hiệu quả thiết thực và tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân; mở hướng đi mới trong bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng.
Đến nay, không chỉ diện mạo khắp các vùng đô thị, nông thôn trong tỉnh ngày càng văn minh, đẹp hơn, mà diện tích rừng cũng ngày càng tăng qua các năm. Quảng Ninh đã giữ vững vị trí là địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc.
Định hướng trong giai đoạn tới, tỉnh xác định phát triển bền vững với 4 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh, mục tiêu phải giữ vững tỷ lệ che phủ rừng từ nay đến năm 2030 đạt trên 50%. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng rừng gắn với đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Đồng chí mong muốn năm 2024 và trong thời gian tới, nhân dân huyện Đầm Hà nói chung và nhân dân trong toàn tỉnh nói chung tiếp tục hưởng ứng chủ trương trồng 5.000 ha lim, lát, giổi bởi Quảng Ninh là vùng đất có điều kiện lý tưởng về thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp trồng những loài cây này. Qua đó, cùng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp cũng như chất lượng cuộc sống của người dân toàn tỉnh.
Tết trồng cây năm 2024 là hoạt động ý nghĩa góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về trồng cây, gây rừng, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên, nâng cao chất lượng môi trường, môi sinh nhằm phát triển kinh tế rừng bền vững, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần thực thi những cam kết mạnh mẽ tại Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu trồng 5.000ha rừng cây gỗ lớn, giá trị kinh tế cao của tỉnh, phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng; đồng thời đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, trong dịp Tết trồng cây quý I năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 1 triệu cây, gồm cả rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, vượt 1,25 lần chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về tổ chức phong trào “Tết trồng cây”. Trong đó, tập trung trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng cây lim, lát, giổi; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững để hoàn thành chỉ tiêu được giao cả năm 2024 là trồng trên 13.200 ha rừng tập trung. Trong đó, trồng 1.000 ha lim, lát, giổi theo Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy; trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn theo Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
*/ Sáng 15/2, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến dự, phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024 tại TX Đông Triều.
Địa điểm phát động Tết trồng cây được TX Đông Triều tổ chức tại thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, với diện tích 1ha. Phát động Tết trồng cây, lãnh đạo UBND TX Đông Triều kêu gọi toàn thể các xã, phường, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây; trồng cây nào, tốt cây đó; đồng thời nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép.
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu tham dự buổi lễ cùng toàn thể nhân dân đã tiến hành trồng 1.800 cây thông Caribe trên diện tích 1ha. Đây là loài cây thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu trong vùng, có giá trị kinh tế cao, có thể khai thác nhựa sau 10 năm, trung bình đạt từ 6 - 8kg/cây/năm, giá trị thu về từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm.
Được biết, trong đợt phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2024, TX Đông Triều sẽ trồng gần 100 ha cây xanh các loại và phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ trồng 300 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn thị xã lên 54,2%.
Cũng trong ngày đầu năm mới, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng lãnh đạo TX Đông Triều trực tiếp đến đồng ruộng thăm, động viên bà con nhân dân trên địa bàn thôn Bắc Mã, xã Bình Dương thu hoạch khoai tây gắn với gieo cấy lúa vụ xuân năm 2024.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ niềm vui mừng nhận thấy khí thế thi đua lao động, sản xuất hăng say của bà con nhân dân trên địa bàn TX Đông Triều nói chung và thôn Bắc Mã nói riêng trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn; ấn tượng sâu đậm với kỹ năng trồng trọt, chăm bón khoai tây và trồng lúa của bà con để đạt được năng suất, chất lượng cao như hiện nay.
Đồng chí biểu dương, động viên và chúc mừng năm mới bà con nhân dân; động viên bà con tiếp tục phát huy kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tăng gia trồng trọt, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thành phẩm trên mỗi diện tích gieo trồng; góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống cho gia đình và xã hội.
*/ Cũng trong sáng 15/2, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, dự lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tổ chức tại khu vực mặt bằng bãi thải +180 Tây Lộ Trí thuộc khai trường Công ty Khe Sim, Tổng công ty Đông Bắc, TP Cẩm Phả.
Tại lễ phát động, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng đại diện TP Cẩm Phả; Tổng công ty Đông Bắc; cán bộ, công nhân Công ty Khe Sim đã trồng trên 3ha cây lát hoa, phi lao tại tại khu vực mặt bằng bãi thải +180 Tây Lộ Trí thuộc khai trường Công ty Khe Sim (Tổng công ty Đông Bắc).
Trong đợt ra quân đầu xuân năm mới, toàn TP Cẩm Phả đã phát động các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp, mỗi người dân ra sức thi đua, hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh bằng tất cả tinh thần, ý thức trách nhiệm cao nhất. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2024 của thành phố là trồng 1.500 ha rừng trồng tập trung và 30 ha lim, giổi, lát ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 47,8% và nâng cao chất lượng rừng.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đề án trồng cây xanh, nhất là chuyển đổi từ các diện tích rừng sản xuất chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường sinh thái, mà còn là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị cũng như chất lượng rừng trồng.
Đây cũng là sự khởi đầu mới tốt đẹp cho phong trào trồng cây, trồng rừng; góp phần xây dựng TP Cẩm Phả phát triển toàn diện, bền vững và chất lượng môi trường sống ngày càng nâng cao.
*/ Ngày 15/2, huyện Bình Liêu tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024. Dự lễ phát động có đồng chí Vi Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND huyện, tính đến hết năm 2023, toàn huyện trồng rừng tập trung được 635,05ha đạt 90,7% so với kế hoạch, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Trồng rừng sản xuất sau khai thác 629,81ha; trồng rừng phòng hộ 5,24ha, gồm: Keo, thông, quế, hồi, sở, giổi, lát, lim, bạch đàn.
Riêng trong ngày phát động Tết trồng cây xuân Giáp Thìn năm 2024, các xã, thị trấn, đơn vị, cơ quan trên địa bàn huyện Bình Liêu trồng được 6.000 cây phân tán và 5ha rừng tập trung. Đây là sự khởi đầu mới cho phong trào trồng cây, trồng rừng trên địa bàn huyện Bình Liêu, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế toàn diện, bền vững.
Tại lễ phát động, đồng chí Vi Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo huyện Bình Liêu, các lực lượng an ninh, quân sự và nhân dân địa phương đã trồng 150 cây thông mã vĩ tại khu vực ngã ba Cao Ly - Cao Sơn, đường Húc Động - Đồng Văn.
*/ Trong không khí tưng bừng phấn khởi, ấm áp của những ngày đầu xuân cùng các địa phương trong toàn tỉnh, ngày 15/2, huyện Hải Hà tổ chức lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Giáp Thìn 2024. Tham gia Tết trồng cây tại huyện có đồng chí Điệp Văn Chiến, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Trong đợt phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Giáp Thìn năm 2024, toàn huyện Hải Hà đã tổ chức trồng 18.400 cây gỗ lớn gồm lim, giổi, lát, xà cừ và trên 8.000 cây hoa, cây cảnh các loại tại các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Trồng cây đầu xuân là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực được huyện Hải Hà thực hiện hàng năm nhằm tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ và phát triển vốn rừng; đưa Tết trồng cây trở thành phong trào sâu rộng, tạo nên nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc; nhằm tăng nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, cải tạo môi trường, làm cho quê hương Hải Hà ngày càng thêm tươi đẹp; đồng thời góp phần xây dựng một Quảng Ninh phát triển xanh, bền vững.
* Sáng 15/2, tại xã Sơn Dương và xã Đồng Lâm, TP Hạ Long tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024.
Tổng diện tích trồng cây trên toàn địa bàn thành phố trong ngày 15/2 là 36,6ha, tương ứng với gần 44.000 cây. Riêng tại 2 điểm thuộc xã Sơn Dương và xã Đồng Lâm tổ chức Lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp và nhân dân đã trồng 6.000 cây, trong đó chủ yếu là lim xanh, giổi xanh với tổng diện tích 5ha.
Theo kế hoạch, ngày 19/2, TP Hạ Long sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam phát động trồng 3,6ha rừng gỗ lớn với gần 4.000 cây lát hoa và sồi tại khai trường vỉa 14 của Công ty CP than Núi Béo.
Ngay sau Lễ phát động của thành phố, các xã, phường cũng đã đồng loạt tổ chức phát động Tết trồng cây tại địa phương, đơn vị. Đồng thời chỉ đạo, vận động các thôn, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tổ chức trồng cây lâm nghiệp, cây xanh, cây bóng mát, hàng rào cây xanh trong khuôn viên nhà văn hoá thôn, khu, trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, khu trung tâm xã, phường.
*/ Ngày 15/2, tại thôn 8, xã Hải Đông, TP Móng Cái đã tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động và trồng mới 5.000ha cây lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tết trồng cây năm 2024, TP Móng Cái kêu gọi các ngành, địa phương, toàn thể nhân dân hăng hái tham gia trồng rừng, trồng cây ăn quả, lấy gỗ, lấy bóng mát, chắn gió, bảo vệ đê sông, đê biển, chống xói mòn đất, chống xâm nhập mặn vào đồng bằng, chống cát bay; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng kinh tế... phù hợp với điều kiện từng nơi; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giữ gìn môi trường sống bền vững.
Ngay sau lễ phát động, cán bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân, học sinh TP Móng Cái đã trồng gần 27.000 cây giổi trên diện tích gần 27ha tại lô 48, khoảnh 7, tiểu khu 355B, thôn 8, xã Hải Đông và tại các địa phương trong toàn thành phố.
Những năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng của TP Móng Cái đã đạt được nhiều kết quả. Năm 2024, TP Móng Cái phấn đấu trồng mới 450ha rừng tập trung, trong đó có 100ha rừng lim, giổi, lát…, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng của Móng Cái trên 41%. Qua đó, góp phần tạo cảnh quan cho khu du lịch, thiết thực giữ đất, giữ cát, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng, duy trì hình ảnh “vùng đất Xanh” ở nơi địa đầu Tổ quốc.
*/ Sáng 15/2, tại hồ Yên Trung, phường Phương Đông, TP Uông Bí tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024.
Tại lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo thành phố, nhân dân trên địa bàn phường Phương Đông đã trồng 286 cây các loại gồm: Vàng anh, chuông vàng, kèn hồng, muồng anh đào, liễu đỏ, gạo đỏ; mỗi cây có chiều cao 2-2,5m.
Trong những năm qua, Uông Bí luôn xác định việc trồng cây, trồng rừng là việc làm hết sức quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của thành phố. Trong năm 2022 và năm 2023, thành phố đã phát động, triển khai trồng được hàng trăm nghìn cây xanh phân tán, đặc biệt diện tích trồng lim, lát, giổi đạt 101,2ha (năm 2022 đạt 51,1ha; năm 2023 đạt 50,1ha); vượt kế hoạch tỉnh giao hàng năm và là địa phương dẫn đầu hoàn thành kế hoạch sớm nhất trong cả tỉnh.
Ngoài ra, thành phố đã triển khai có hiệu quả việc nâng cao chất lượng rừng thông qua thay thế các loài cây mọc nhanh (keo, bạch đàn...) có luân kỳ khai thác ngắn, hiệu quả thấp bằng trồng các loài cây gỗ lớn, bản địa có giá trị cao về kinh tế, xã hội, môi trường nhằm nâng cao chất lượng rừng và duy trì ổn định, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt mức 50%.
*/ Sáng 15/2, tại TX Quảng Yên, Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân, phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Những năm qua, hưởng ứng phong trào Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ", Lữ đoàn 147 Hải quân đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sự lan tỏa rộng đến các cơ quan, đơn vị, như mô hình: Xây dựng cảnh quan đơn vị xanh - sạch - đẹp; Vườn cây Bác Hồ; Vườn cây Thanh niên... Thực hiện phong trào thi đua “Mỗi người một cây, dựng xây đơn vị”, Lữ đoàn 147 đã vận động mỗi cán bộ, chiến sĩ trồng ít nhất từ 1-2 cây, đến nay đơn vị đã trồng được hàng nghìn cây xanh, cây ăn quả, cây bóng mát.
Ngay sau lễ phát động, cán bộ, chiến sĩ cùng các đoàn viên thanh niên đơn vị kết nghĩa đã tổ chức trồng hơn 1.000 cây các loại như: Cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây cảnh… tại khuôn viên Lữ đoàn và thao trường huấn luyện của đơn vị.
*/ Ngày 15/2, Đồn biên phòng Bắc Sơn phối hợp với UBND xã Bắc Sơn, Lâm trường 42 (TP Móng Cái) tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Ngay sau lễ phát động, cán bộ, chiến sĩ 3 đơn vị đã trồng gần 2.000 cây xanh các loại (lim, lát, giổi và tre) dọc hai bên tuyến đường, đoạn qua trung tâm xã Bắc Sơn (TP Móng Cái).
Hoạt động này góp phần tạo cảnh quan trên địa bàn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn môi trường sống bền vững, đồng thời góp phần thiết thực sớm thực hiện thành công mục tiêu trồng mới 5.000ha cây lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
*/ Sáng 15/2, tại Khu công nghiệp Sông Khoai, TX Quảng Yên tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024 và hưởng ứng thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ngay sau lễ phát động, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị xã đã trồng gần 3.000 cây phi lao, keo tại khu đất quy hoạch trồng cây xanh giáp cầu Cồn Khoai, Khu công nghiệp Sông Khoai.
Năm 2024, thị xã Quảng Yên đảm bảo trồng trên 12.500 cây theo kế hoạch đề ra và nâng cao tiêu chí chất lượng môi trường sống, đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước và hình thành vốn tài nguyên du lịch sinh thái, phấn đấu thị xã trở thành thành phố trong thời gian tới.
Đây là hoạt động bổ ích, ý nghĩa nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
*/ Ngày 15/2, tại xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên đã tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động và trồng mới 5.000ha cây lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tết trồng cây năm 2024, huyện Tiên Yên đã tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng. Mọi người, mọi nhà ra sức thi đua, hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, nhất là tập trung trồng rừng trong vụ Xuân để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây trồng sinh trưởng, phát triển; ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật; chuyển toàn bộ diện tích rừng cộng đồng trồng cây keo sang trồng cây gỗ lớn, bản địa và thực hiện trồng rừng gỗ lớn đảm bảo chỉ tiêu năm 2024.
Ngay sau lễ phát động, cán bộ, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và nhân dân huyện Tiên Yên đã trồng 2.332 cây lim xanh trên diện tích 2,12ha tại thôn Pò Mẩy - Khe Ngà, xã Hà Lâu. Cùng với đó, 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã đồng loạt tổ chức ra quân Tết trồng cây tại địa phương.
*/ Ngày 15/2, tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn năm 2024, gắn với trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trồng rừng năm 2024 đạt trên 3.000 ha rừng tập trung, duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng hiện có và nâng cao chất lượng rừng, phấn đấu trồng rừng gỗ lớn đạt 200 ha; diện tích cây dược liệu, cây bản địa đạt 80 ha. Ngay sau lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và các đại biểu cùng bà con nhân dân đã tiến hành trồng mới 3 ha giổi xanh và trồng xen kẽ 10 nghìn cây ba kích dưới tán giổi; góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.
Ngay sau lễ phát động cấp huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đồng loạt hưởng ứng trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và trồng cây xanh, bóng mát tại các cụm dân cư, dọc tuyến đường liên thôn, liên xã, nhà văn hóa thôn và các trường học.
*/ Sáng 15/2, tại TP Hạ Long, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Để Tết trồng cây đạt kết quả tốt, tại lễ phát động, Đại tá Nguyễn Quang Hiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh kêu gọi và yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng cán bộ, chiến sĩ về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện và giá trị nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng, tạo phong trào “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải là hạt nhân tích cực trong việc trồng cây và bảo vệ rừng, xây dựng cảnh quan, môi trường văn hóa phải là trách nhiệm của mỗi quân nhân. Cán bộ, chiến sĩ phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc cây sau khi trồng để cây trồng phát triển tốt, tạo cảnh quan “xanh, sạch, đẹp” trong cơ quan, đơn vị.
Ngay sau lễ phát động, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS thành phố Hạ Long, Trung đoàn 213 (Sư đoàn 363), Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) đã tổ chức trồng 3.000 cây lim, giổi, lát hoa; qua đó đã góp phần chung tay bảo vệ môi trường và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Được biết, hưởng ứng Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã tổ chức trồng trên 29.500 cây xanh các loại.
*/ Sáng 15/2, tại Vân Đồn, Lữ đoàn 169 - Vùng 1 Hải quân tổ chức phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024.
Phát động Tết trồng cây, Đại tá Hoàng Ngọc Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 169, nhấn mạnh: Là đơn vị mới thành lập, đóng quân tại cảng Vạn Hoa, ngày đầu nơi đất còn khô cằn, nhiều sỏi đá nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đóng quân; cán bộ, chiến sĩ toàn Lữ đoàn đã cải tạo nhiều vị trí đất trống, đất xấu bạc màu trồng hơn 300 cây ăn quả, hơn 200 cây cảnh, 2.000m2 cỏ xuyến chi, làm hơn 500m cây hàng rào.
Tại buổi phát động, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 169, đại biểu cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị kết nghĩa đã tổ chức trồng 600 cây xanh các loại như: Cam, bưởi, nhãn, mít... quanh khuôn viên đơn vị. Hoạt động nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò và giá trị của cây xanh, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sinh thái, góp phần tạo môi trường sống lành mạnh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như góp phần làm cho cảnh quan, môi trường đơn vị chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp.
*/ Ngày 15/2, Lữ đoàn 170 Hải quân tổ chức Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Từ khẩu hiệu hành động “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động bảo vệ môi trường”, năm 2023, toàn Lữ đoàn đã trồng hơn 3.500 cây xanh các loại trong khuôn viên doanh trại, các tuyến đường giao thông nông thôn, dọc theo đường tuần tra biên giới, trên diện tích đất rừng ở địa bàn khu vực biên giới. Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024, Lữ đoàn tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phòng chống cháy nổ, nhất là khu vực giáp vành đai đơn vị để vừa bảo vệ an toàn tuyệt đối doanh trại vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp.
Dịp này đơn vị đã phối hợp với UBND phường Hà Tu (TP Hạ Long) trồng trên 3.000 cây keo, 1.500 cây gỗ lim, 1.500 cây dổi,1.500 cây lát, 160 cây ăn quả; cấp 500kg phân vi sinh cho các cơ quan, đơn vị chăm sóc toàn bộ những cây đã trồng trong doanh trại.
*/ Ngày 15/2, tại Đồn biên phòng Quảng Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024”.
Phát biểu tại lễ phát động, Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, đã kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, người dân tích cực tham gia trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh, với phương châm "trồng cây nào, sống cây đó".
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu, chiến sĩ, cán bộ, nhân dân, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã trồng 300 đến 400 cây ăn quả, cây bóng mát trong khuôn viên Đồn BP Quảng Đức.
BĐBP tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mỗi đơn vị tổ chức trồng từ 800 đến 1.000 cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát, cây chắn sóng, chắn gió ở các đồn tuyến biển đảo, trong khuôn viên doanh trại và khu vực đóng quân; phấn đấu đến ngày 20/2 các đơn vị sẽ trồng được khoảng 17.000 cây xanh các loại.
Trong đó, xác định địa điểm trồng cây, chọn loại cây phù hợp, cây giống có chất lượng tốt, tranh thủ thời tiết thuận lợi ở từng đơn vị để tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ cây đúng quy trình kỹ thuật, đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc trồng cây. Từ đó tích cực tham gia trồng và chăm sóc cây, nhằm góp phần xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp và chung tay bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.
Thu Chung - Mạnh Trường - Thanh Tùng - La Nhung - Thái Hà - Hữu Việt - Hải Ninh - Đoàn Hiệp - Hoàng Nga - Nguyễn Chiến - Thuỳ Dương - Trần Hoàn - Ngọc Lợi - Văn Đảm - Hoàng Phương - Văn Ước - Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()