Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 06:21 (GMT +7)
Tính ứng dụng cao từ nhiệm vụ khoa học - công nghệ
Thứ 3, 30/01/2024 | 16:45:41 [GMT +7] A A
Sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp Quảng Ninh. Theo đó, cuối năm 2023, tỉnh đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, chè an toàn và có kế hoạch duy trì, nhân rộng.
Được sản xuất bởi công nghệ nano, phân bón hữu cơ nano hình thành từ các hạt siêu nhỏ nên dễ dàng thẩm thấu vào sâu trong các bộ phận của cây trồng. Chính nhờ cấu tạo từ các hạt nguyên tố vi lượng siêu nhỏ (dưới 100nm) với tỷ lệ thành phần dinh dưỡng hài hòa, phân bón nano thích hợp với mọi loại cây trồng, nhất là lúa, cây ăn quả, chè. Tại Quảng Ninh, phương pháp bón phân hữu cơ nano đã được ứng dụng thử nghiệm trên cây lúa, rau ăn lá (rau cải), cây ăn quả (cây na) và cây chè, giúp tăng năng suất tối thiểu 10%.
Quá trình sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng lúa tại xã Bình Dương (TX Đông Triều) cho thấy, sau khi thu hoạch, diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano cho năng suất cao hơn 10%; lợi nhuận tăng gấp 1,5 lần; chất lượng ngon, mềm, dẻo; hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lúa cao hơn so với lúa sử dụng các loại phân bón thông thường.
Không riêng cây lúa, việc sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano đối với diện tích chè, rau, na đã đạt được những kết quả tích cực với năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, giá trị dinh dưỡng tăng.
"Hải Hà là địa phương hiện là vùng sản xuất chè tập trung lớn nhất tỉnh, tạo sinh kế ổn định cho 2.000 hộ dân, trên 5.000 lao động. Chè Hải Hà là một trong 6 sản phẩm định hướng xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia của Quảng Ninh. Vì vậy, để giữ gìn và phát triển thương hiệu này, những năm qua chính quyền địa phương luôn đồng hành sát sao cùng với người trồng chè, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng phân bón hữu cơ nano được địa phương và những hộ trồng chè xác định là hướng đi bền vững nhất hiện nay" - Ông Bùi Văn Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hà cho biết.
Với Quảng Yên, địa phương có diện tích vùng trồng rau lớn nhất tỉnh Quảng Ninh hiện nay, phương pháp thử nghiệm bón phân hữu cơ nano trên rau cũng thu được hiệu quả tích cực. "Sau một thời gian sử dụng phân hữu cơ nano với chủng loại và liều lượng hợp lý (lượng phân bón 90-140 kg/sào), chất lượng cây rau cải xanh của gia đình được nâng lên rõ rệt, sinh trưởng vượt trội, bản lá to, dày hơn và xanh mướt. Đất trồng cũng tươi xốp hơn, giữ độ ẩm tốt hơn." - bà Đặng Thị Dung, hộ trồng rau tại phường Cộng Hòa nhận định.
Có thể thấy, kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, chè an toàn đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh lúa gạo, rau, quả, chè nâng cao sản lượng và chất lượng. Đề tài này cũng đồng thời giúp cho Sở NN&PTNT và các địa phương chỉ đạo sản xuất lúa, rau, na, chè đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao theo hướng bền vững.
Tuy vậy, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao. Qua kết quả điều tra 114 hộ sản xuất lúa trên địa bàn xã Yên Đức, Bình Dương thuộc TX. Đông Triều và xã Sông Khoai thuộc TX Quảng Yên, chỉ có 19,9% số hộ được hỏi cho biết có sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc duy trì và nhân rộng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, chè an toàn trong thời gian tới.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()