Vua Thiệu Trị sáng tác "Vũ trung sơn thủy" với 56 chữ nhưng có thể biến hóa thành 64 bài với 128 cách đọc khác nhau.
Dịp đầu năm, nhiều hoạt động thi ca diễn ra trên cả nước. Trong không khí đó, các tác phẩm của vua thời Nguyễn được giới chuyên môn, khán giả không ít lần nhắc đến. Trong các châu bản, mộc bản triều Nguyễn - haidi sản tư liệuthế giới, có nhiều thông tin cụ thể về việc sáng tác thơ ca của vua.
CuốnThơ vua và suy ngẫmcủa tác giả Nguyễn Phước Hải Trung (xuất bản năm 2021) trích dẫn tư liệu Viện Hán Nôm cho biết trong 63 năm (từ 1820 đến 1883), vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã sáng tác 15.097 bài. "Đó là một số lượng trước tác cực kỳ lớn, thực sự đã tạo nên kỷ lục thi ca trong lịch sử văn chương của Việt Nam", sách viết. Ngoài ra, các vua khác cũng có không ít tác phẩm thơ.
Chủ đề sáng tác của các vua đa dạng, từ những thú vui đời thường, phong cảnh đến cuộc sống nhân dân, vận mệnh đất nước...Theo cuốnĐại Nam thực lục,vua Minh Mạng từng nói việc sáng tác thơ rất tự nhiên: "Thơ trẫm làm không cần khéo léo, chỉ luôn miệng ngâm ra để nói chí mình thôi. Những bài ban cho ấy đều nói về việc kính trời lo dân, mong tạnh cầu mưa, để các khanh biết ý trẫm, không phải vụ lời văn hoa mà đua hay với văn sĩ đâu". TheoMộc bảntừ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, vua Minh Mạng vốn học rộng, có tài thơ văn. Vua sáng tác khoảng hơn 3.500 bài, đa dạng thể loại.
Dịp Tết năm Tân Mão, ông viết:
"Lí đoan tập chỉ hỉ huyên hòa Nguyên đán hữu tường cát sự đa Vũ trụ dung di phồn thứ vật Vũ dương thời nhược trường gia hòa Kiền kì phân tĩnh ninh hồng hải Dụ khẩn ba điềm thuận đại hà Vạn tính đồng hân thuỳ phúc hỗ Cửu châu cộng nhạc quản huyền ca"
"Đầu năm gom phúc vui mừng vì tiết trời ấm áp Tết nguyên đán có nhiều điềm lành nhiều việc tốt Vũ trụ ấm áp vạn vật phát triển Bốn mùa mưa nắng thuận hòa cây lúa tốt tươi Khẩn cầu cho khí xấu lặng xuống để sóng to biển cả lặng yên Nguyện mong sóng lặng sông lớn thuận dòng Trăm họ cùng hân hưởng phúc bền Chín châu cùng ca hát vang tiếng đàn tiếng sáo" (Theo Trung tâm Lưu trữ IV)
Vua cũng tự răn mình với bàiTự huấn:"Quân đạo quý nạp ngôn/ Những phân biệt tà chính/ Chính ngôn tất miễn tòng/ Tà ngôn vật khả thính/ Gian quý vi thân gia/ Trung thành mưu quốc chính/ Hào ly thiên lý sai/ Nhật dạ trừng tâm kính" (Đạo vua phải lắng nghe/ Luôn phân biệt tà chính/ Tin dùng lẽ thẳng ngay/ Chớ nghe lời xu nịnh/ Kẻ gian lo nhà mình/ Người trung chăm triều chính/ Sai một li đi một dặm/ Ngày đêm lòng như kính - Nguyễn Huy Khuyến dịch).
Trong chuyến tuần du miền Bắc mùa xuân năm 1842, vua Thiệu Trị làm 173 bài thơ, trong đó có vịnh sông Vĩnh Định, Ái Tử, Linh Giang... Trong đó, 160 bài được lựa chọn thành tậpNgự chế Bắc tuần. Nội các xin đưa 18 bài khắc vào bia đá, dựng bên phải đường đi. Trong đó, có bàiQuá Hoành Sơn quan, được dựng bia ở vách núi của dãy Hoành Sơn ở Kỳ Nam, Hà Tĩnh.
Vua còn có bài thơ chữ HánVũ trung sơn thủy, được khảm trai (cẩn xà cừ) hiện treo trên vách điện Long An, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Tác phẩm gồm 56 chữ nhưng có thể giải ra 64 bài thơ với 128 cách đọc, một trong số đó là:
"Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh Sơn tỏa ám vân thôi trận trận Lãng sinh khiêu ngọc địch thanh thanh Sàn sàn thủy giản đài tư nhuận Dạng dạng ba châu liễu mậu vinh Nhàn điếu nhất chu ngư dật tấn Hướng lâm song tiễn yến phi khinh"
"Tròn vây gió nổi triều lan ngập Rộng thoáng mưa vờn nước biếc xanh Non kín đen trời mây cuốn gấp Sóng dâng gieo ngọc tiếng vang quanh Tuôn theo suối thấm rêu dâm dấp Bóng dợn cồn vươn cỏ mướt xinh Buồn giải rỗi câu thuyền lướt khắp Động về chia dãy én bay nhanh" (Nguyễn Tài Cẩn dịch)
Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị, tập 32, tờ 114viết: "Cảnh vật sau mưa hợp với lòng người. Âm vận thể tài tuyệt diệu".
Vua cũng dùng thơ để gửi gắm nỗi niềm, trăn trở trước vận mệnh đất nước. Ngày 10/8/1859, vua Tự Đức làm một bài thơ về đánh giặc mang tênTrách kỷ, thể ngũ ngôn cổ phong.Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 303, tờ 284ghi: "Hoàng thượng lòng lo phiền, không điều gì là không nghĩ tới. Chúng thần ngu muội vô trạng, đã không làm vơi được nỗi ưu phiền, thật có tội không làm tròn chức phận".
Năm 1902, khi được mời đến Hà Nội dự lễ khánh thành cầu Long Biên, nghĩ về những người dân bỏ mạng khi xây cầu, vua Thành Thái viết bàiVô đềbày tỏ xót xa. Trong thời gian bị lưu đày, vua Duy Tân cũng sáng tác một số bài thơ tiếng Pháp bày tỏ nỗi lòng xa xứ hoặc tặng Vương phi Mai Thị Vàng.
Thơ do vua sáng tác, đôi khi được giao cho quan kiểm tra, xem xét. Trong văn bản Nội các năm Tự Đức 14 (1861) cho biết các quan được giao xem bài thơ thất ngônKính thuật di chúccủa vua. Họ đọc nhiều lần, thấy tự pháp, cú pháp không có vấn đề gì. Tuy nhiên, họ nghi ngại từ "đạc" trong câu "Thiên mệnh tự đạc" không hợp vận. Hoàng đế sau đó phê rằng: "Thơ bốn chữ không phương hại gì, cũng như hiệp vận". Các bài thơ vua Tự Đức làm đề vào quạt tặng quan Đề đốc Phùng Tử Tài năm 1870 cũng được giao cho quan văn xem lại cẩn thận trước khi gửi đi.
TrongĐại Nam thực lụcghi lại lời vua Minh Mạng: "Ta mỗi khi trước tác, đều đem bàn với các khanh, đó là muốn tham khảo ý kiến của nhiều người. Mà các khanh không có nói ý kiến gì lạ, chả biết thơ của ta, quả đã điển nhã có thể truyền cho đời sau được hay không".
Các hoàng đế còn dùng thơ như phần thưởng khích lệ. Bản tấu của Nội các năm 1847 cho biết vua Thiệu Trị làm thơ ghi việc xa giá đến cung Bảo Định ban yến tiệc cho tướng sĩ.
Năm 1859, hoàng đế Tự Đức ban thưởng thơ cho Nguyễn Tri Phương. Văn bản Nội các viết: "Gần đây trong kinh mưa gió mấy ngày liền. Trẫm ở trong cung còn thấy lạnh, huống hồ nơi sa trường sương gió, sao chịu nổi, lòng lại nhớ mong, bất giác nghĩa tình phát ra, bèn làm một bài thơ thất ngôn, nhân đó cởi chiếc áo chống lạnh đang dùng gửi cùng bài thơ để Tứ đẳng thị vệ Phạm Quý mang ban cho Tổng thống. Ngoài ra từ tham tá trở xuống đợi sẽ tiếp tục ban cấp sau".
Ý kiến ()