Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:22 (GMT +7)
Tổ công nghệ số cộng đồng: Thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội
Thứ 3, 16/08/2022 | 16:16:32 [GMT +7] A A
Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp lan toả đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội mạnh mẽ hơn.
Cuối tháng 4/2022, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ TT&TT, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân; là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố.
Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số được đưa đến người dân để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Đến nay, Quảng Ninh đã thành lập 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 Tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 Tổ công nghệ số cộng đồng của doanh nghiệp) bao phủ 177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố, với sự tham gia của 11.255 thành viên.
Cùng với công tác tuyên truyền, Tổ công nghệ số cộng đồng được giao các nhiệm vụ cụ thể gắn với các chỉ tiêu cần hoàn thành trong năm 2022. Đó là: Phấn đấu 100% công dân từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn được cấp mã định danh điện tử cá nhân và sử dụng hiệu quả trong giao dịch thủ tục hành chính, các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục... Phấn đấu 100 công dân trưởng thành biết và hiểu địa chỉ truy cập Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh; có kỹ năng cơ bản khi có nhu cầu sử dụng.
Phấn đấu 100% hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP được đưa lên 3 sàn thương mại điện tử (Voso, Posmart, Sendo); phấn đấu 100% hộ gia đình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực biết mở gian hàng số để giao dịch trực tuyến. Phấn đấu 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản mobimoney hoặc tài khoản giao dịch tại ngân hàng... 100% hộ gia đình có kỹ năng số, biết sử dụng Internet an toàn…
Để Tổ công nghệ số cộng đồng có tài liệu hoạt động, tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT, Công an tỉnh, Trung tâm Truyền thông tỉnh, cùng các ngành xây dựng bộ tài liệu để triển khai trong cộng đồng dân cư năm 2022.
Cụ thể gồm, bộ tài liệu về thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt (mobile money); cài đặt, sử dụng sổ BHXH số (VssID); giới thiệu và hướng dẫn cách truy cập, sử dụng Trung tâm hành chính công tỉnh, Chính quyền điện tử tỉnh, Chuyển đổi số Quảng Ninh trên nền tảng zalo; giới thiệu về Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, hướng dẫn người dân truy cập, thực hiện giao dịch TTHC mức độ 4; giới thiệu về sàn thương mại điện tử Voso.vn, Post mart.vn và hướng dẫn quy trình đăng ký đưa sản phẩm OCOP lên 2 sàn thương mại điện tử; tạo lập gian hàng số và tương tác trên gian hàng số; giới thiệu và hướng dẫn người dân sử dụng 25 dịch vụ công trực tuyến thuộc Đề án 06; giới thiệu về lợi ích chữ ký số công cộng dành cho người dân, hướng dẫn cách sử dụng chữ ký số công cộng.
Các tài liệu này được biên soạn, xây dựng dưới dạng clip ngắn, đồ họa thông minh (Infographic) đảm bảo trực quan, sinh động, dễ tiếp cận để chuyển tới người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động, tỉnh đã ban hành văn bản gửi 3 nhà mạng VNPT, Viettel, Mobifone đề nghị miễn cước truy cập Internet trên điện thoại di động cho tối thiểu 2 thành viên nòng cốt là Tổ trưởng và thành viên là ĐVTN. Một số ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh có cách làm sáng tạo để hỗ trợ, động viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Huyện Vân Đồn đã tặng mỗi tổ một máy điện thoại di động thông minh có gắn sẵn sim đã được kích hoạt. Tỉnh Đoàn đã thành lập 1.473 đội thanh niên tình nguyện với 2.634 ĐVTN tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng…
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()