Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 12:49 (GMT +7)
Tổ trưởng máy in nhiều sáng kiến
Thứ 5, 28/11/2024 | 09:50:12 [GMT +7] A A
Anh Nguyễn Văn Thắng (48 tuổi), Tổ trưởng Tổ Máy in (Phân xưởng Máy in, Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh) có nhiều sáng kiến áp dụng trong sản xuất mang lại giá trị làm lợi cho Công ty.
Tốt nghiệp ngành in offset, Trường CĐ Công nghiệp In Hà Nội năm 2000, anh Thắng (phường Việt Hưng, TP Hạ Long) có nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp in ấn xuất bản tại TP Hà Nội. Năm 2005 anh chuyển về Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh với công việc công nhân vận hành máy in offset từ đó đến nay.
Là công nhân trực tiếp vận hành máy in, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt nội quy, quy chế, kỷ luật lao động, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Trong quá trình lao động, anh luôn tìm tòi phát huy sáng kiến, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị.
Tiêu biểu năm 2021 anh có sáng kiến: “Dùng phương pháp căng bản in theo kỹ thuật để bản in không bị rách, in được nhiều sản phẩm hơn”. Theo anh Thắng, bản kẽm (khuôn in) không thể thiếu trong công nghệ in offset hiện nay. Trên bản kẽm có chứa các nội dung cần in. Trong quá trình lắp bản kẽm vào trục ống bản bên trong có lót một tấm nhựa mềm hoặc tấm phin. Trên ống bản có các thanh kẹp đầu và thanh kẹp đuôi. Sau khi bản kẽm được lắp hết, hai thanh kẹp đầu và đuôi sẽ vít chặt vào ống bản. Trong quá trình in, guồng quay của ống bản dưới tác động lực ép in lên ống cao su chạy ở tốc độ cao làm cho 2 đầu của bản kẽm có hiện tượng rách, buộc người thợ in dừng máy, thay bản kẽm mới, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
Từ thực tế trên, anh đã dùng phương pháp dán các lớp băng dính mặt trong ở 2 đầu của bản kẽm để tăng độ dày trước khi lắp lên ống bản. Sau khi áp dụng phương pháp này, quá trình in bản kẽm bền hơn gấp 3 lần so với trước đó, góp phần giảm thời gian, chi phí cho Công ty.
Năm 2023 anh có sáng kiến: “Dùng màng polyme phủ trên bề mặt bàn điều khiển trung tâm máy in offset 4 màu để tránh tác động của môi trường và tác động cơ học trực tiếp lên bề mặt bàn điều khiển, nhằm đảm bảo độ bền và ổn định của thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả”.
Anh chia sẻ: Bàn điều khiển trung tâm của máy in offset 4 màu rất quan trọng, nó liên quan đến việc vận hành, điều chỉnh các thông số kỹ thuật trong quá trình in. Bàn điều khiển được thiết kế các nút bấm chìm dưới lớp nhựa mỏng bảo vệ. Do việc sử dụng liên tục làm các màng bảo vệ nút bấm bị thủng, rách, bụi bám và hỏng hóc… ảnh hưởng đến quá trình vận hành.
Anh đã sử dụng màng polyme phủ trên bề mặt bàn điều khiển để bảo vệ bàn điều khiển tốt hơn, loại bỏ tác động cơ học cũng như môi trường, máy in hoạt động hiệu quả. Những sáng kiến trên của anh đã tiết kiệm vật tư, thời gian sản xuất, khắc phục lỗi của sản phẩm, đáp ứng công nghệ in hiện đại.
Anh luôn chủ động chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với đồng nghiệp, nhất là các đồng nghiệp trẻ mới vào nghề, để họ tiếp thu nắm bắt kỹ thuật vận hành máy in cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Qua đó giúp họ làm chủ công nghệ, hăng say gắn bó với nghề, đóng góp hiệu quả trong lao động sản xuất.
Với những kết quả đạt được trong công tác, nhiều năm liền anh Nguyễn Văn Thắng là đoàn viên công đoàn xuất sắc; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Anh là một trong 95 gương công nhân tiên tiến tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2024.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()