Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:13 (GMT +7)
Tọa đàm, lấy ý kiến về mô hình quản lý quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
Thứ 4, 07/06/2023 | 16:56:38 [GMT +7] A A
Ngày 7/6, tại TP Uông Bí, Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm góp ý về Kế hoạch quản lý di sản và lấy ý kiến về mô hình quản lý quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045.
Phạm vi của Kế hoạch quản lý khu di sản đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm khu vực di sản được để cử (Vùng I) và vùng đệm (Vùng II), diện tích 1487,45ha thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương. Quần thể di sản có 32 di tích tiêu biểu, cụ thể: 3 điểm bãi cọc (Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa) thuộc Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh); Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần và thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam.
Việc xây dựng Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) - Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) là di sản đầu tiên trong cả nước, xây dựng đệ trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, được kỳ vọng sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị nổi bật của di sản đề cử; thực trạng và giải pháp đối với các yếu tố môi trường, giao thông tác động đến di sản; quản lý nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản; quy định về ranh giới di sản… Các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung vào kế hoạch các hình thức tuyên truyền, quảng bá đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng địa phương, trong nước và quốc tế; giải pháp kết nối Ban quản lý di tích các địa phương liên quan trong công tác quản lý các thành phần của khu di sản…
Với vị trí nằm rải rác ở nhiều địa phương, tại các khu vực năng động về kinh tế, di sản được đề cử đã và đang chịu những áp lực từ sự phát triển. Việc xây dựng kế hoạch nhằm đưa ra một chiến lược toàn diện và lâu dài để bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất các giá trị nổi bật của di sản đề cử; quản lý, bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể của Phật giáo Trúc Lâm; đưa di sản đến gần hơn nữa với cộng đồng địa phương, trong nước và quốc tế.
Hồng Nhung (Trung tâm TT&VH TP Uông Bí)
Liên kết website
Ý kiến ()