Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 10:42 (GMT +7)
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội: Ba thế kỷ "chảy" qua một cái tên
Thứ 6, 09/11/2018 | 07:45:38 [GMT +7] A A
Những phản ứng gay gắt của dư luận về vụ “xóa tên” tòa nhà Bưu điện Hà Nội khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao kiến trúc này luôn được mặc định coi là một biểu tượng của thành phố?
Cũng cần nhắc lại, kể từ khi bắt đầu xây dựng khối nhà đầu tiên vào năm 1893, cụm công trình này đã có 125 năm tồn tại với tên gọi quen thuộc “Bưu điện Bờ Hồ”
Từ “dấu ấn công nghệ” thế kỷ XIX
Lý do của tên gọi dân dã ấy khá đơn giản: Công trình này nằm cạnh Hồ Gươm, nơi được người Pháp quy hoạch làm không gian trung tâm của Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX. Với chính quyền thuộc địa, nhu cầu xây dựng các trung tâm bưu điện và thông tin liên lạc là khá khẩn thiết. Do vậy, quần thể chùa Bái Ân (xây từ năm 1842) cạnh Hồ Gươm bị phá bỏ để làm địa điểm xây Sở Bưu điện Hà Nội.
Cái tên “Bưu điện Hà Nội” vốn rất quen thuộc với người dân Thủ đô. |
Được KTS Henri Vildieu thiết kế và xây dựng từ 1894 đến 1899, Sở Bưu điện Hà Nội mang phong cách kiến trúc tân cổ điển (khá tương đồng với các công sở hành chính của Pháp cuối thế kỷ XIX). Có thiết kế đơn giản với 4 dãy nhà 2 tầng, sử dụng cầu thang gỗ, gắn đồng hồ trên mái và lợp ngói ardoise màu đen, công trình này có mặt chính nhìn ra đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng) và mặt còn lại hướng phố Chavassieux (tức phố Lê Thạch).
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, giai đoạn cuối thế kỷ XIX cũng là thời điểm người Pháp hoàn thiện mạng lưới viễn thông tại Việt Nam. Thông tin điện báo được thiết lập giữa Hà Nội với Sài Gòn, Vinh, Huế và Đà Nẵng, trong khi Bưu điện Hà Nội vào năm 1889 đã có đầy đủ các hình thức hoạt động:bưu chính, điện báo, điện thoại. Như vậy, công trình này là một cột mốc đánh dấu việc “hiện đại hóa” cách truyền thông tin tại Việt Nam so với những phương tiện thô sơ trước đó.
Cũng theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, từ nhu cầu thực tế, các tòa nhà của Sở Bưu điện Hà Nội được sửa chữa và mở rộng rất nhanh từ khi ra đời. Trong đó, riêng, tòa nhà ở phía phố Lê Thạch hiện nay được cải tạo, mở rộng liên tục 3 lần kể từ năm 1910 và thay đổi khá nhiều so với thiết kế ban đầu.
Hiện tại, tòa nhà đang được treo biển “VNPT Hà Nội” |
… tới “di sản” trong ký ức người Hà Nội
Trong những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, Sở Bưu điện Hà Nội là địa điểm diễn ra nhiều trận đánh quan trọng giữa bộ đội và tự vệ Hà Nội với lính Pháp. Một phần kiến trúc của cụm công trình này đã bị phá hủy, tuy nhiên Sở Bưu điện vẫn được chính quyền Hà Nội tiếp quản và đưa vào sử dụng sau 1954. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Đặc biệt, từ giữa thập niên 1970, tòa nhà chính của Sở Bưu điện Hà Nội đã được xây dựng lại trên nền công trình cũ và hoàn thành vào năm 1978. Có kiến trúc hiện đại 5 tầng, quy mô bề thế chạy dọc mặt phố Đinh Tiên Hoàng, điểm nhấn của tòa nhà này là cụm đồng hồ 4 mặt, mỗi mặt vuông có cạnh 4,5m kèm theo hệ thống 4 dàn loa phóng thanh.
“Có những ý kiến cho rằng tòa nhà chính xây sau này mang hình dáng hơi cứng, không ăn nhập với đường nét mềm mại của phần kiến trúc Pháp cũ bên cạnh. Tuy nhiên, sự tiếp nối ấy lại phản ánh rất rõ dòng chảy của lịch sử Hà Nội, từ thời Pháp thuộc, qua 2 cuộc chiến tranh, sang thời bao cấp rồi tới ngày nay” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói.
40 năm kể từ thời điểm ấy, tòa nhà Bưu điện với chiếc đồng hồ trên nóc vẫn in đậm trong ký ức những người Hà Nội lớn tuổi. Rộng hơn, toàn bộ công trình “Bưu điện Bờ Hồ” đã trở thành một khái niệm đặc biệt của thành phố suốt hơn 1 thế kỷ qua.Như lời kể của ông Tiến, hàng chục năm trong quá khứ, người Hà Nội gọi điện thoại, gửi thư, nhận điện báo… đều chỉ ở địa điểm này.
“Tất cả những ký ức ấy đều gắn với địa điểm được định danh bằng cụm từ Bưu điện Bờ Hồ hay Bưu điện Hà Nội. Bởi thế, tôi không lạ khi nhiều người phản ứng với dòng chữ VNPT Hà Nội được thay vào” - nhà văn nói thêm - “Chắc chắn trong tương lai, dù giữ lại dòng chữ này hay không, người ta cũng sẽ nói với nhau rằng mình ra Bưu điện Hà Nội - chứ không bao giờ dùng câu“ra VNPT Hà Nội” trong cuộc sống.
Và như thế, dù chỉ được gắn lên tòa nhà từ năm 1997, giá trị của tấm biển “Bưu điện Hà Nội” không nằm ở góc độ thẩm mỹ. Đó là sự cụ thể hóa một khái niệm quen thuộc tới mức đã trở thành một di sản mà lịch sử để lại cho Hà Nội.
“Đổi tên” tòa nhà Bưu điện Hà Nội Cuối 2007, Bưu điện thành phố Hà Nội (cũ) chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Trong đó, VNPT được bàn giao tòa nhà 5 tầng về phía phố Đinh Tiên Hoàng. Tháng 10/2015, dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” tại tòa nhà được thay bằng “VNPT Hà Nội”. Nhiều chuyên gia, cơ quan văn hóa và người dân thành phố tỏ ra không đồng thuận với sự thay đổi này. Sau nhiều phản ứng, trong động thái mới nhất, Bộ Thông tin & Truyền thông đã yêu cầu các đơn vị liên quan trong ngành cùng làm việc, thỏa thuận và báo cáo lên Bộ trước ngày 15/11/2018.
|
Theo Sơn Tùng/Thể thao & Văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()