Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:19 (GMT +7)
Tỏa sáng giữa đời thường
Chủ nhật, 25/07/2021 | 11:06:41 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã lùi xa theo năm tháng nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ. Những người lính ấy đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh một phần cơ thể cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và khi trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, luôn lạc quan, yêu đời, kiên cường trên “trận tuyến” mới, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương.
Biểu tượng sáng ngời của ý chí vươn lên
Ở tuổi 65, thương binh 4/4 Hoàng Văn Cau (khu 12, phường Hà An, TX Quảng Yên) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Với ông, đó là khoảng thời gian phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào của tuổi đôi mươi. Thời gian trong quân ngũ ở nơi chiến trường khốc liệt ấy đã rèn luyện cho ông ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ.
Rời quân ngũ, trở về quê hương, mặc dù mang trong mình nỗi đau do thương tích của chiến tranh để lại, sức khỏe có phần hạn chế nhưng ông vẫn hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Vốn có nghề truyền thống đóng tàu, thuyền gỗ của gia đình, đến ông Cau đã là đời thứ 5 nối nghề, vì vậy, ông tích cực học nghề, truyền nghề, phát triển nghề gia truyền một cách bền vững. Năm 2007, gia đình ông thành lập Công ty TNHH Hoàng Cau. Đến năm 2017, để phát triển phù hợp theo định hướng, chính sách của Nhà nước, gia đình ông lại bắt tay vào chuyển đổi sang đóng tàu sắt.
Ông Hoàng Văn Cau chia sẻ: Thời điểm đầu thực hiện chuyển đổi từ đóng tàu vỏ gỗ sang vỏ sắt, Công ty gặp rất nhiều khó khăn khi phải đầu tư mới hoàn toàn về trang thiết bị, kỹ thuật. Song tôi cùng các con ngày đêm mày mò, nghiên cứu, học tập từng bước để chuyển đổi hiệu quả. Trong hai năm 2018-2019, Công ty đã đóng mới gần 30 phương tiện, được khách hàng, đối tác đánh giá cao. Quả thật, điều hành, “chèo lái” để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của gia đình không hề đơn giản nhất là phải đảm bảo phát triển theo nhu cầu, xu hướng của thị trường, song với những khó khăn, gian khổ đã từng đương đầu, trải qua trong chiến tranh, tôi luôn nỗ lực, tự tin, vượt khó vươn lên.
Không chỉ xây dựng kinh tế vững vàng cho bản thân, gia đình, ông Cau còn luôn một lòng hướng về những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử. Vì vậy, ông tạo mọi điều kiện, ưu tiên giải quyết việc làm cho từ 30-50 người là con em thương bệnh binh, cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ và lao động có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương theo thời vụ, với thu nhập trung bình từ 7- 9 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, hằng năm Công ty đều trích từ 10-20 triệu đồng để đóng góp vào các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và nhiều hoạt động từ thiện, hướng đến cộng đồng. Những đóng góp ấy là cách mà ông Cau dành để tri ân, tưởng nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Quý Nho (SN 1954 tại Bắc Ninh) lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại Lào, sau đó trở về chiến trường miền Nam. Đến năm 1977, ông được điều đi học lớp cán bộ quân đội và được phân công về công tác tại Ban CHQS huyện Hoành Bồ (nay là Ban CHQS TP Hạ Long), tiếp tục phục vụ trong quân đội đến năm 1991 thì nghỉ chế độ.
Hành trang của ông khi trở về với đời thường có lẽ chẳng có gì đáng giá hơn những ký ức tự hào về một thời hoa lửa, về hình ảnh, phẩm chất của người chiến sĩ kiên cường, quả cảm trong trận chiến. Vì vậy, chẳng cam chịu với cái đói, cái nghèo đeo bám, ông Nho cùng vợ bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình, quyết vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương thứ hai.
Do bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, cơ thể không tránh khỏi đau nhức những ngày thời tiết trái gió trở trời, nhưng điều ấy chưa bao giờ làm nhụt ý chí của người lính bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Quý Nho. Hai vợ chồng không nề hà bất cứ công việc gì từ đóng gạch, nuôi gà, trồng rau và sau đó là phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt. Lựa chọn đúng hướng đi và dành nhiều tâm huyết đầu tư, từ diện tích ao cá chỉ có 500m2 đến nay gia đình ông Nho đã có trên 10.000m2 nuôi cá thịt và trở thành một trong những cơ sở cung cấp giống cá nước ngọt uy tín tại địa phương. Mỗi năm, từ mô hình nuôi cá, mang về cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Gia đình ông Nho nhiều năm liền vinh dự được nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của các cấp trao tặng.
Ông Nguyễn Quý Nho bộc bạch: Ngày mới về nghỉ chế độ, đời sống gia đình tôi rất khó khăn, 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vì vậy, tôi trăn trở, đau đáu tìm mọi cách để phát triển kinh tế. Với diện tích đất của gia đình khá rộng, 2 vợ chồng tôi bàn bạc, quyết định bắt tay vào khai hoang, đào ao, thả cá. Chúng tôi cứ vừa học vừa làm, cũng trải qua bao thất bại, mất trắng mấy mùa rồi mới tích lũy được kinh nghiệm. Mỗi lứa cá xuất bán tạo được thu nhập ổn định, đời sống gia đình dần khấm khá hơn. Đối với chúng tôi giờ đây, nhìn con cháu trưởng thành, được ăn học đầy đủ, đàng hoàng thật sự không còn gì hạnh phúc hơn.
Vẫn miệt mài cống hiến
Cuộc chiến khép lại, trở về với đời thường, mỗi cựu chiến binh, thương binh lại tiếp tục tỏa sáng, trở thành một tấm gương đẹp về nghị lực sống. Vượt lên nỗi đau thân thể, nhiều thương binh đã truyền đi thông điệp về tình yêu cuộc sống, yêu thương con người, tích cực đóng góp cho xã hội thông qua những hành động, việc làm thường nhật bình dị, đầy ý nghĩa.
Luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thương binh tàn nhưng không phế" ông Vũ Đạt (SN 1955), thương binh 4/4 vẫn chưa cho phép mình được nghỉ ngơi. Với tâm niệm còn sức khỏe còn cống hiến, ông vẫn ngày ngày miệt mài với công tác khu phố, góp sức xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh. Nguyên là Phó Bí thư Thường Trực Đảng ủy phường Quang Trung (TP Uông Bí), vì vậy, khi về nghỉ chế độ, được đảng viên, nhân dân khu phố tin tưởng, giao trọng trách Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 3, chẳng nề hà, quản ngại vất vả, ông Đạt lại bắt tay vào công việc mới. 17 năm gắn bó, tận tâm với công tác ở phường, hơn 4 năm đảm nhận vị trí lãnh đạo khu phố, ông Đạt đã được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận thành tích từ cấp tỉnh đến địa phương. Song với người thương binh ấy, tấm bằng khen, giấy khen cao quý nhất chính là sự ghi nhận của lòng dân.
“Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đối với người có công đã góp phần động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho người có công phát huy khả năng, nhiệt huyết cống hiến. Vì vậy, đáp lại tình cảm, sự quan tâm ấy, tôi muốn tiếp tục đóng góp công sức, giúp đỡ được nhân dân, mọi người trong khả năng của bản thân. Bởi mỗi người làm một việc tốt, dù nhỏ cũng sẽ giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn” - ông Đạt chia sẻ. |
Làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, mỗi ngày, bước chân ông Đạt vẫn in dấu trên từng con ngõ để kịp thời nắm bắt tình hình đời sống dân cư, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong tuân thủ pháp luật, giữ gìn an ninh khu phố. Gia đình nào phát sinh mâu thuẫn, ông nhẹ nhàng phân tích, tìm cách hóa giải hợp lý, hợp tình.
Với vai trò là người đứng đầu khu phố, ông Đạt đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư hoàn thiện. Đồng thời, tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm xây dựng môi trường sống lành mạnh, đoàn kết, gắn bó trong khu dân cư. Nhờ đó, khu phố 3 trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua của thành phố. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình: Xây dựng tuyến phố kiểu mẫu; thu gom, phân loại biến rác thành tiền thu về khoảng 20 triệu đồng/năm để gây quỹ giúp đỡ, hỗ trợ những hộ dân gặp hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó vươn lên... Trong 5 năm qua, trên địa bàn khu phố không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Đạt cùng các thành viên tổ tự quản tổ chức cho nhân dân ký cam kết tuân thủ cách phòng chống dịch; phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác truy vết, quản lý người cách ly tại cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, khu phố cũng đã vận động các nguồn xã hội hóa gần 20 triệu đồng mua khẩu trang, nhu yếu phẩm hỗ trợ các hộ dân gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
“Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đối với người có công đã góp phần động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho người có công phát huy khả năng, nhiệt huyết cống hiến. Vì vậy, đáp lại tình cảm, sự quan tâm ấy, tôi muốn tiếp tục đóng góp công sức, giúp đỡ được nhân dân, mọi người trong khả năng của bản thân. Bởi mỗi người làm một việc tốt, dù nhỏ cũng sẽ giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn” - ông Đạt chia sẻ.
Suy nghĩ của ông Đạt cũng là suy nghĩ, hành động của nhiều cựu chiến binh, thương binh khi rời chiến trường, trở về quê hương. Giống như ông Đạt, ông Nguyễn Quý Nho hiện cũng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin phường Hoành Bồ (TP Hạ Long), ông Hoàng Văn Cau làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố. Mỗi người một cương vị, trọng trách khác nhau song họ đều chung tay, tiếp tục đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội thật nhiều điều tốt đẹp.
Trong thực tế, đã xuất hiện hàng chục nghìn tấm gương thương binh ở mọi miền đất nước, đã và đang thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Tự hào về những chiến công trong thời chiến, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, những cựu chiến binh, thương binh ấy không ngừng thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ý chí vươn lên, tiếp tục xung phong trên các mặt trận phát triển kinh tế-xã hội. Bằng những việc làm ý nghĩa, họ đã và đang góp sức tích cực làm nên những mùa xuân đất nước, mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nguyễn Dung
- Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 tại huyện Đầm Hà
- CCB Hải Hà hướng về đồng đội
- Tấm gương thương binh năng động
- Gia đình thương binh ở Hải Dương ủng hộ 4,5 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19
- Ra mắt nhật ký chiến trường của một thầy giáo thương binh
- Thương binh "tàn" mà không "phế"
- Lữ đoàn 242 bàn giao nhà tình nghĩa cho thương binh
Liên kết website
Ý kiến ()