Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:11 (GMT +7)
Toàn tâm vì lợi ích chính đáng của Nhân dân
Thứ 7, 19/10/2024 | 15:45:03 [GMT +7] A A
Những năm qua, Đoàn ĐBQH và ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri. Qua đó, hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình, góp phần tích cực và hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Sát sao với những vấn đề cử tri quan tâm
Ngày 2/10/2023, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Vân Đồn để thông báo nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Vân Đồn đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, gửi tới Kỳ họp sắp tới. Trong đó, cử tri kiến nghị nội dung Bản đồ địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô được lập theo Chỉ thị số 364-CT ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã thì đường địa giới hành chính giữa các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô đã được phân định rõ và đã được UBND cấp huyện, cấp xã ký xác lập pháp lý. Riêng phần ranh giới quản lý hành chính các cấp trên biển (từ đường địa giới hành chính đã xác định đến đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải) còn chưa rõ ràng. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình cấp có thẩm quyền quyết định ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương có biển.
Nội dung này đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh ghi nhận và gửi đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan. Trước sự quan tâm, theo sát của Đoàn, các bộ, ngành liên quan đã nhanh chóng trả lời cho cử tri Quảng Ninh. Trong đó, Bộ Nội vụ khẳng định, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương triển khai xây dựng phương án phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhận được trả lời của Bộ Nội vụ, cử tri 2 huyện Vân Đồn và Cô Tô đã yên tâm, tin tưởng. Chị Nguyễn Thị Làn, thôn Ninh Hải, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn cho biết: “Việc xác định rõ đường ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm phạm vi 28 tỉnh, thành phố ven biển là cơ sở quan trọng để các địa phương quản lý. Chúng tôi là ngư dân, chúng tôi mong mỏi rất nhiều năm nay, có rõ ràng thì mới tránh được những tranh chấp, chồng lấn về đất đai, về vùng nuôi trồng thủy sản. Chính vì thế, khi có sự vào cuộc của các ĐBQH, chúng tôi yên tâm hơn vì những kiến nghị của chúng tôi đã tới được cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, rồi sẽ được giải quyết thấu đáo”.
Không chỉ riêng đối với cử tri Vân Đồn, Cô Tô, trong thời gian vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri Quảng Ninh. Hầu hết đều là vấn đề từ thực tiễn cuộc sống. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, Đoàn đề nghị, các ngành, chính quyền theo dõi bám sát tình hình thực tiễn để tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Chính quyền các cấp cần nắm bắt tâm tư của người dân, xử lý kịp thời và hiệu quả những công việc thuộc thẩm quyền; chú trọng chuyển đổi sinh kế nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân trong quá trình triển khai các dự án; xem xét đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền của tỉnh, Đoàn sẽ tổng hợp gửi đến cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 31 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có 5 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và 26 cuộc tiếp xúc cử tri trực tiếp tại 13/13 địa phương trên địa bàn tỉnh với trên 7.024 lượt cử tri tham dự, trong đó có 170 lượt cử tri tham gia phát biểu ý kiến với 111 ý kiến kiến nghị.
Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH được Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung. Hình thức, địa bàn tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, bên cạnh việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ở các địa bàn trung tâm, các vị ĐBQH đã lựa chọn việc tiếp xúc cử tri tại địa bàn xã đảo, duy trì việc mời lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri để trả lời, giải đáp ngay các kiến nghị có liên quan. Ngoài việc tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ, từ tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, dư luận xã hội nắm bắt được, thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực. Trước khi diễn ra hoạt động tiếp xúc, Đoàn đều thống nhất với Uỷ ban MTTQ tỉnh ban hành văn bản đề nghị địa phương thông báo, mời rộng rãi cử tri, nhân dân trực tiếp sinh sống, làm việc trên địa bàn, cơ quan, tổ chức đứng chân tại địa phương tham dự; khuyến khích cử tri tham gia phát biểu ý kiến, tham gia góp ý, đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh. Bằng cách làm này, đến nay, người dân đến tham gia tiếp xúc cử tri đông hơn, đa dạng hơn; nhiều cử tri chuẩn bị kỹ ý kiến phát biểu…
Qua các buổi tiếp xúc cử tri, cử tri bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và địa phương nói riêng có bước phát triển, tình hình an ninh - chính trị ổn định, đời sống người dân được nâng lên…
Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh và các ĐBQH thông qua kênh thông tin từ Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, cấp thiết từ người dân để tiến hành giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng… Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với việc giải quyết kiến nghị cử tri; góp phần củng cố niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như hoạt động của cơ quan dân cử. Bên cạnh đó, hoạt động tiếp công dân của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được triển khai đảm bảo đúng quy định. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xử lý đơn thư do công dân gửi đến. Trong 6 tháng đầu năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận 242 đơn (32 đơn khiếu nại, 198 đơn kiến nghị, 12 đơn tố cáo); đã tham mưu chuyển đến các cơ quan 112 đơn; hướng dẫn công dân 3 đơn; lưu 129 đơn. Trong 6 tháng đầu năm có 42 vụ việc đã được các cơ quan trả lời, giải quyết xong, tiếp tục theo dõi 70 vụ việc đang được các cơ quan giải quyết.
Với tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu dân cử, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tham gia tích cực, hiệu quả vào chương trình xây dựng luật pháp, phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từng năm của Quốc hội, Đoàn ĐBQH xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật, nghị quyết trình tại các kỳ họp. Theo đó đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp vào các dự án luật trình tại kỳ họp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và chuyên gia lấy ý kiến đối với các dự án luật; chủ trì tổ chức các hội nghị tham vấn luật chuyên đề, kết hợp việc tổ chức lấy ý kiến tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Năm 2023, Đoàn đã tổ chức 13 hội nghị lấy ý kiến vào 15 dự án luật, phối hợp tổ chức 3 cuộc hội thảo chuyên đề, kết hợp lấy ý kiến tham gia bằng văn bản vào các dự án luật. 6 tháng đầu năm 2024, Đoàn lấy ý kiến tham gia bằng văn bản gửi đến 150 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương và chuyên gia lấy ý kiến đối với 12 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7, chủ trì tổ chức 2 hội nghị tham vấn luật chuyên đề, kết hợp việc tổ chức lấy ý kiến tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại huyện Hải Hà và huyện Đầm Hà; tổ chức 6 hội nghị tham vấn luật vào 13 dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Tại các kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, trong đó có nhiều ý kiến đã được Quốc hội tiếp thu, sửa đổi. Hoạt động tiếp xúc cử tri, theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri và tiếp công dân, xử lý đơn thư có nhiều đổi mới; hoạt động giám sát, khảo sát thực hiện hiệu quả. Đoàn cũng đã phát hiện, kiến nghị nhiều vấn đề bất cập trong quy định của chính sách, pháp luật và giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc với các cấp có thẩm quyền ở Trung ương và tỉnh. Nghiên cứu tham gia cho ý kiến vào các vấn đề quan trọng của đất nước được thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội trong năm 2024, cụ thể: Xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, đẩy mạnh cơ cấu lại và bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước...
Đối với hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chủ động xây dựng kế hoạch và hoàn thành các nội dung giám sát theo Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung vào 4 cuộc giám sát chuyên đề. Các ĐBQH tích cực tham gia chương trình giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH; chương trình giám sát, khảo sát của Quốc hội tại địa phương khi được phân công; các chương trình giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mà đại biểu là thành viên; chủ động nắm bắt thông tin, tích cực theo dõi, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ...
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã hoạt động một cách bài bản, chất lượng. Các ĐBQH trong đoàn và cơ quan tham mưu giúp việc đã phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ được giao; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Đoàn ĐBQH đã thực hiện đồng bộ trong việc thông báo kết quả các kỳ họp tới cử tri, gắn liền với điều kiện tình hình cụ thể của tỉnh Quảng Ninh để phân tích, soi chiếu và đưa các đề xuất, kiến nghị của tỉnh vào nội dung hoạt động của Đoàn để cử tri, nhân dân nắm được, đánh giá hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đồng thời, các ĐBQH trên cơ sở nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp nhiều ý kiến, trên diễn đàn Quốc hội và được đánh giá cao về chất lượng ý kiến tham gia. Bên cạnh đó, Đoàn cũng thực hiện tốt công tác phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng đều thể hiện ý thức trách nhiệm, gương mẫu và luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Thực sự đại diện cho Nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thực hiện đầy đủ chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lắng nghe, phản ánh, tâm tư nguyện vọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()