Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:08 (GMT +7)
“Tôi muốn thể hiện tình yêu với Hạ Long”
Thứ 7, 12/11/2011 | 05:21:29 [GMT +7] A A
Đó là lời tâm sự của cô giáo Phạm Minh Nguyệt, giáo viên tin học Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (HN&GDTX) tỉnh - người đã đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3 (2010-2011) với giải pháp mang tên “Dạy học sáng tạo”. Trong giải pháp dự thi, chị đã có những ý tưởng độc đáo để thể hiện tình yêu với Hạ Long bằng sản phẩm “Quạt giấy sáng tạo” và chiếc áo dài có in biểu tượng hình trái tim bên trong là hình hòn Gà Chọi và ngọn đuốc cháy sáng. Hơn thế nữa, chị đã vận động mọi người bỏ 5.000 lá phiếu để bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Trong một tương lai gần, hai sản phẩm của chị sẽ trở thành sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của Hạ Long.
Cô giáo Phạm Minh Nguyệt với sản phẩm quảng bá cho Vịnh Hạ Long. |
Cô giáo Phạm Minh Nguyệt sinh năm 1971, nguyên là giáo viên dạy Toán của Trường THCS Cẩm Sơn (TX Cẩm Phả). Năm 2005, sau khi tốt nghiệp lớp cử nhân tin học, chị về công tác tại Trung tâm HN&GDTX tỉnh. Đến với Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3, chị mang theo giải pháp “Dạy học sáng tạo”. Đây là công trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã được chị dày công thực hiện trong nhiều năm. Giải pháp này gồm có 8 nội dung chính: Động lực tự học, sáng tạo; học sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin; dạy sáng tạo; xây dựng trường học xanh - sạch - trung tín; Hạ Long tình yêu, niềm tin, khát vọng; hành động 365 ngày vì môi trường lành mạnh và CLB tin yêu và sáng tạo. Giải pháp đã sử dụng 25 phần mềm, trong đó nhiều phần mềm của nước ngoài mới đưa vào Việt Nam; đặc biệt là các phần mềm mã nguồn mở là nhu cầu đào tạo và sử dụng của xã hội trong tương lai. Giải pháp cũng được đánh giá là có nhiều tính mới, sáng tạo; có thể giải quyết nhiều vấn đề mới và khó đối với giáo dục Việt Nam hiện nay. Việc áp dụng giải pháp “Dạy học sáng tạo” sẽ giúp người dạy phát triển được tư duy tích cực của người học; lồng ghép được giá trị sống, kỹ năng sống; tạo động lực khơi dậy tiềm năng tốt đẹp trong mỗi con người. Giải pháp của chị đã được chọn để tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11.
Đến nay, có rất nhiều ý kiến nhận xét và đánh giá, ghi nhận hiệu quả mà giải pháp “Dạy học sáng tạo” mang lại. Nét độc đáo của giải pháp là tác giả đã đưa các thông điệp giáo dục ra cộng đồng thông qua những sản phẩm như quạt giấy, chiếc áo dài. “Từ xa xưa, chiếc quạt giấy đã là vật dụng gần gũi, quen thuộc và gắn bó trong cuộc sống, sinh hoạt đối với mọi người dân Việt Nam. Hơn thế nữa, nó còn là biểu tượng văn hoá dân gian của dân tộc. Và giờ đây, khi công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chiếc quạt giấy đã trở thành sản phẩm để bầy bán trong quầy lưu niệm hoặc được xem như vật trang trí… Quảng Ninh là vùng đất du lịch nhưng thực tế những sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng về Hạ Long là chưa nhiều. Từ những lý do đó, mình muốn tạo ra một sản phẩm riêng cho du lịch Quảng Ninh” - Cô giáo Phạm Minh Nguyệt nói.
Với mong muốn sản phẩm đó vừa chuyển tải được hình ảnh Hạ Long đến với bạn bè trong nước, quốc tế vừa chuyển tải được thông điệp giáo dục ra cộng đồng, chị đã thiết kế một mặt của quạt giấy in những hình ảnh mang thông điệp: “Mọi người, mọi lúc, mọi nơi 365 ngày hành động vì môi trường lành mạnh: Xây dựng văn hoá đọc, xã hội học tập, ý thức cộng đồng, ứng xử văn hoá - hành động văn minh, chống biến đổi khí hậu, chủ quyền biển đảo và ứng dụng CNTT vào cuộc sống”. Mặt còn lại thể hiện những hình ảnh về giá trị toàn cầu của di sản Vịnh Hạ Long; tuyên truyền bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Bên cạnh sản phẩm độc đáo này, chị còn có ý tưởng thể hiện tình yêu với Hạ Long qua chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Trên nền chiếc áo dài sẽ in hình trái tim, bên trong là hòn Trống Mái, ngọn đuốc hừng hực sáng… Trái tim sẽ được nối với những làn sóng xanh bên dưới vạt áo bằng đường thêu mềm mại tượng trưng cho “mạch máu chảy về tim”.
Những sản phẩm trong giải pháp sáng tạo của cô giáo Nguyệt đã được Ban Quản lý Vịnh ghi nhận và đánh giá rất cao. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban Quản lý Vịnh cho biết: Trong thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh sẽ cùng với tác giả đưa sản phẩm “Quạt giấy sáng tạo” ra thị trường và coi đây là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hạ Long.
Cẩm Nang
Liên kết website
Ý kiến ()