Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:23 (GMT +7)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với Vùng mỏ
Thứ 6, 27/10/2023 | 08:39:16 [GMT +7] A A
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta và của cách mạng Việt Nam. Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, 2 năm làm Tổng Bí thư, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta nói chung, cho Vùng mỏ Quảng Ninh nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng tại xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1927, lúc 15 tuổi học ở trường Bưởi, đồng chí đã sớm giác ngộ, hăng hái tham gia các hoạt động và trở thành hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Với nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ, thông qua phong trào "vô sản hoá", đồng chí đã trưởng thành nhanh chóng trong phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ở Vùng mỏ Quảng Ninh.
Cuối năm 1928, đồng chí được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giới thiệu về hoạt động “vô sản hóa” ở mỏ than Vàng Danh. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Văn Cừ sống ba cùng với giai cấp công nhân (cùng ăn, cùng ở và cùng làm), để rồi suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của giai cấp đó, trở thành người lãnh đạo cao nhất trong phong trào cách mạng Vùng mỏ Đông Bắc của Tổ quốc. Năm 1929, ở tuổi 17, đồng chí đã trở thành người trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân ở Vùng mỏ lớn nhất đất nước. Tháng 6/1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngày 18/2/1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhận được chỉ thị chuẩn bị thành lập tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên tại khu mỏ. Chỉ sau đó ít ngày, ngày 23/2/1930, tại căn nhà nhỏ đơn sơ hẻo lánh, cạnh xóm thợ phía Nam của Mỏ Mạo Khê đã diễn ra lễ kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại khu mỏ Quảng Ninh. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ giới thiệu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thay mặt Đảng công nhận 5 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Huy Sán, Bùi Đức Giao, Bùi Văn Mạo vào Đảng, đồng chí Đặng Châu Tuệ được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Khu mỏ Quảng Ninh. Sự ra đời của chi bộ đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong phong trào công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh.
Thành lập xong chi bộ Mạo Khê, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công đi nhận nhiệm vụ mới. Trong vai trò phái viên của Đảng tại Vùng mỏ, đồng chí đến hoạt động tại nhiều nơi: Khi thì về Uông Bí, khi ra Hòn Gai, Hà Tu, Cẩm Phả, Cửa Ông, hầu như các mỏ than vùng Đông Bắc chỗ nào cũng in dấu chân đồng chí. Tuy bận nhiều công việc, nhưng đồng chí vẫn dành thời gian về Mạo Khê giúp đỡ công tác của chi bộ, thường là duyệt bài cho tờ báo Than do chi bộ Mạo Khê xuất bản.
Từ tháng 3 đến tháng 4/1930, các chi bộ Đảng Cộng sản ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí - Vàng Danh đã lần lượt được thành lập. Chỉ sau một thời gian ngắn, ở khu vực Hòn Gai đã có 30 đồng chí đảng viên. Chi bộ Đảng đã phát triển thành một mạng lưới tổ Đảng rộng khắp trong các xí nghiệp lớn và hầu hết các cơ sở sản xuất quan trọng như: Mỏ Hà Lầm, Hà Tu, Cái Đá, Nhà máy điện Cột 5, Nhà máy cơ khí Hòn Gai, Nhà máy sàng, xưởng than luyện. Đến cuối tháng 4/1930, hầu hết các vị trí trọng yếu, then chốt của mỏ như nhà sàng, bến cảng, tầng, lò, nhà máy cơ khí đều có tổ chức đảng, hoặc đảng viên hoạt động. Sự ra đời của các Chi bộ Đảng Cộng sản ở khu mỏ đã chứng tỏ sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh, mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân, đưa toàn khu mỏ bước vào thời kỳ đấu tranh mới, hòa nhịp với cao trào cách mạng đang dấy lên trong cả nước.
Mặc dù thời gian hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở khu mỏ Quảng Ninh không dài, nhưng những cống hiến của đồng chí đã có vai trò quyết định quan trọng đến phong trào cách mạng khu mỏ, đặc biệt là vai trò chỉ đạo hình thành tổ chức cơ sở đảng đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh cuối năm 1929, đầu năm 1930, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
Tháng 2/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt; bị kết án tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, trước áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội, tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng, lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1938, Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, thành phố Sài Gòn. Ngày 23/11/1940, sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình đồng chí. Ngày 28/8/1941, đồng chí anh dũng hy sinh tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn. |
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()