Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:58 (GMT +7)
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Thứ 4, 14/08/2024 | 18:17:19 [GMT +7] A A
Chiều 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (gọi tắt Chỉ thị 40) ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam. Hoạt động tín dụng CSXH đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác để cho vay và huy động vốn của xã hội đã đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị 40. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống Ngân hàng CSXH đạt trên 47.000 tỷ đồng, từ đó, nâng tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 373.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 351.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm xuống còn 0,56%/tổng dư nợ.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, cả nước đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh. Nguồn vốn đã giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch Covid-19…
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93%, góp phần từng bước đẩy lùi tín dụng đen, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước.
Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị 40 là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Tại Quảng Ninh, sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh, tín dụng CSXH đã đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thu hẹp chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn cho tín dụng chính sách đạt 5.075,5 tỷ đồng, tăng 3,07 lần so với năm 2014, đặc biệt nguồn vốn uỷ thác địa phương chiếm 24% tổng nguồn, tăng gấp 31,9 lần so với thời điểm trước khi Chỉ thị 40 ra đời. Nguồn vốn đã hỗ trợ cho 602.836 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, người lao động được vay vốn.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, Ngân hàng CSXH trong thực hiện Chỉ thị 40. Đồng chí cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian tới.
Đồng chí đề nghị hệ thống Ngân hàng CSXH tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; tham mưu cho Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị 40; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách; quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua Ngân hàng CSXH.
Chủ động báo cáo, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Tiếp tục rà soát, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi có thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững.
Hệ thống Ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn kết có hiệu quả tín dụng CSXH với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ; các chương trình khuyến nông - lâm - ngư - diêm nghiệp; tập huấn, đào tạo nghề; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn.
Chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng CSXH; yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới nhằm mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay; tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng CSXH, qua đó, tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()