Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:44 (GMT +7)
Tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp
Thứ 2, 19/12/2022 | 19:16:15 [GMT +7] A A
Ngày 19/12, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Năm 2022, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực và cải cách tư pháp tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác. Nổi bật là, chủ động, kịp thời triển khai đầy đủ, đảm bảo chất lượng các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp của Trung ương. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030; Chỉ thị số 23-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; là 1 trong những địa phương sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả ngay sau khi thành lập. Tỉnh đã chủ động chỉ đạo triển khai, xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh tại khu vực biên giới đất liền, không để phát sinh vụ việc mới; quản lý và bảo vệ vững chắc biên giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, duy trì biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường theo hướng chú trọng giám sát có thẩm tra, kiểm tra các cấp; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm gắn với xử lý trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm. Việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực có chuyển biến tích cực; triển khai rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội và thực hiện kiến nghị của kiểm toán Nhà nước; nghiêm túc thực hiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra. Đã đưa một số vụ án, vụ việc vào diện BTV Tỉnh ủy, BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo; xử lý nghiêm một số cán bộ, đảng viên suy thoát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ và vi phạm pháp luật.
Các cơ quan trong khối nội chính đã tích cực triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; bảo đảm an ninh sức khỏe, an ninh con người, an ninh cho khách du lịch...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực chung của các cơ quan, đơn vị trong khối Nội chính và Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm là phải bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển; giữ vững môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhà đầu tư. Vì vậy, các cơ quan trong khối Nội chính cần tiếp tục chủ động triển khai tốt hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, của tỉnh về đảm bảo an ninh quốc gia; trong đó đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới lãnh thổ là trụ cột; an ninh kinh tế là trung tâm; bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái thù địch là chốt chặn quan trọng hàng đầu. Phải làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh trong đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường an ninh tư tưởng trong nội bộ. Đối với đảm bảo an ninh kinh tế, tiếp tục thực hiện bằng được mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, an toàn, hiệu quả theo định hướng XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường. Đẩy mạnh đảm bảo an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh thông tin gắn với công tác xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh phúc lợi xã hội, tiến bộ công bằng xã hội, văn hóa con người.
Tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, toàn diện có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương, nhất là lực lượng đảm bảo an ninh ở cơ sở. Các lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ, tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng chiến đấu; đổi mới công tác huấn luyện, xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, không để bị động bất ngờ. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải góp phần tích cực, mạnh mẽ đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính phục vụ, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cần tiếp tục có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý các cấp trong đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm; trong đó lưu ý phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở cấp huyện, ở cơ sở, những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ phát sinh sai phạm, xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, dư luận xã hội quan tâm. Phát huy cao nhất vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục chăm lo phát triển nhân lực của các cơ quan tư pháp đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, nhất là về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thi hành án.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng như trách nhiệm Ban Thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các cấp đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa trên cơ sở phát huy hiệu quả lực lượng nòng cốt với cơ chế đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan khối nội chính, khối tư pháp, các cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiêu cực.
Nhân dịp này, các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua năm 2022 đã vinh dự được nhận cờ thi đua và Bằng khen của UBND tỉnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()