Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:57 (GMT +7)
Tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Thứ 7, 21/09/2024 | 15:05:00 [GMT +7] A A
Ngày 21/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Dự hội nghị có các đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện và 177 điểm cầu cấp xã.
Trước khi diễn ra hội nghị, các đại biểu đã thành kính dành một phút mặc niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão số 3.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền ở nước ta, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ. Đây là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17), thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài, sức tàn phá rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.
Ngay từ khi bão số 3 hình thành và đi vào Biển Đông, công tác chỉ đạo chuẩn bị, ứng phó, khắc phục được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo khẩn trương, tập trung, chủ động, có trách nhiệm theo đúng phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; triển khai tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; nắm chắc diễn biến, tình hình bão, có chỉ đạo sớm, sát tình hình; tăng cường kiểm tra, đôn đốc. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương chủ động tổ chức các đoàn công tác tổ chức kiểm tra tại các điểm xung yếu, tuyến biển, đảo để chỉ đạo phòng chống mưa bão. Công tác hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng nhuần nhuyễn, linh hoạt, triển khai toàn diện và đạt kết quả thiết thực.
Mặc dù là cơn bão lớn chưa từng có trong thời gian qua, đặc biệt tâm bão đi thẳng vào vùng biển và đất liền tỉnh Quảng Ninh, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động; sự chỉ huy, phối hợp, điều hành kịp thời, sâu sát, sự cố gắng, nỗ lực của toàn tỉnh và quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, tất cả đã nỗ lực hạn chế thấp nhất các thiệt hại chưa từng có về con người, tài sản. Các mặt hàng, dịch vụ, lĩnh vực sản xuất thiết yếu cơ bản được khắc phục, nhiều mặt trở lại bình thường, một số lĩnh vực có chuyển biến nhanh hơn dự kiến. Công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống được triển khai chủ động, kịp thời.
Dù thiệt hại do bão số 3 là vô cùng lớn, trong thiên tai, bão lũ, tình thế cấp bách, khó khăn, nhưng tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã được khơi dậy mạnh mẽ. Phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ được hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều tấm gương sáng, hình ảnh cao đẹp, thắm đượm nghĩa tình đồng bào, đồng chí đã góp phần khơi dậy, lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia khó khăn với người dân vùng bão lũ, góp phần kịp thời động viên tinh thần và vật chất cho nhân dân ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Qua thực tiễn diễn biến và công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn tỉnh, nhiều bài học kinh nghiệm đã được các đại biểu chỉ ra tại hội nghị. Đó là phòng chống, thiên tai phải liên tục đảm bảo từ sớm, từ xa, phòng từ khi chưa có nguy cơ; phải luôn rà soát, phát hiện các khâu cần quan tâm củng cố; đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống; quán triệt và tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết”. Trong tình huống đặc biệt, việc vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành là quan trọng hàng đầu, quyết định thành bại. Phải luôn quán triệt, luyện tập, vận hành nhuần nhuyễn các cơ chế; đảm bảo tốt thông tin chỉ huy, hiệp đồng... Cùng với đó, phải huy động được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp; đề cao yếu tố tinh thần, phát huy truyền thống cao đẹp của người Quảng Ninh, đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, thách thức. Việc khắc phục thiệt hại phải đồng bộ cả khẩn cấp, trước mắt cũng như tổng thể, lâu dài, có giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn hạn và dài hạn, bố trí nguồn lực phù hợp; vừa đề cao hiệu quả xã hội trước mắt vừa chủ động hiệu quả lâu dài, ổn định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự hỗ trợ các cơ quan, đơn vị Trung ương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục kịp thời và có hiệu quả những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí cũng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của ngành điện, nước, viễn thông trong suốt thời gian qua, đã không quản vất vả, ngày đêm, tích cực, ủng hộ, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh khắc phục sự cố do cơn bão số 3 gây ra. Đồng thời, bày tỏ trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ tận tâm, tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần của các địa phương trên cả nước, của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã chung sức, đồng lòng tham gia hỗ trợ chính quyền và người dân Quảng Ninh để khắc phục nhanh nhất các hậu quả của cơn bão số 3.
Trước thiệt hại lớn của bão số 3 gây ra, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, trước mắt các cấp ủy, chính quyền, địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện có hiệu quả cao nhất các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Tập trung xây dựng và bảo đảm nguồn lực để thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão trình HĐND trong kỳ họp ngày 23/9 tới đây với chất lượng cao nhất, bảo đảm ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, ban hành sẽ đi vào cuộc sống, người dân được thụ hưởng ngay. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân, tổ chức để khôi phục sản xuất kinh doanh. Quan tâm triển khai ngay các gói hỗ trợ khẩn cấp để sửa, xây mới nhà hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn; phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2024.
Thực hiện kiểm tra, khảo sát, đánh giá, tổng hợp tình hình các tuyến đê, các hồ đập trên địa bàn, các chung cư cũ đã xuống cấp, những vị trí xung yếu, những nơi có tiềm ẩn rủi ro cao. Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác cả trên bờ và dưới biển; tiếp tục trục vớt các phương tiện chìm, đắm do cơn bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa, sớm đưa vào phục vụ khách du lịch.
Các cấp, ngành, địa phương phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động thiệt hại của bão số 3 đối với tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực để điều chỉnh, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, kế hoạch năm 2025 phù hợp với tình hình mới, với mục tiêu quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số liên tiếp trong 10 năm liên tiếp (2015 - 2024).
Song song với đó, tiếp tục thông tin, truyền thông rõ nét về chủ trương, biện pháp của Trung ương, của tỉnh; nêu bật nỗ lực, cố gắng, thành quả phòng, chống và khắc phục sau bão của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh. Chủ động kiểm soát chặt chẽ không gian mạng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái để đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
Về nhiệm vụ giải pháp từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020-2025 và thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì, kiên quyết thực hiện thắng lợi các mục tiêu cốt lõi mà Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết số 20-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau cơn bão số 3. Trong đó phải đánh giá tổng thể, toàn diện, đầy đủ những tác động của thiệt hại, tồn tại, bất cập, ưu điểm, bài học kinh nghiệm... trong toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Đồng chí cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, phòng, chống thiên tai, phòng, chống biến đổi khí hậu. Trong đó có biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, xác định được trọng tâm, trọng điểm, sớm có giải pháp nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra; xây dựng Quảng Ninh trở thành địa bàn vững mạnh cả về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý rừng, mặt biển, đất đai. Triển khai, thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”..
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất đánh giá thiệt hại của bão số 3, phải làm rõ bức tranh tổng thể thiệt hại toàn tỉnh, phản ánh tương quan từng địa phương, ngành, lĩnh vực, để vừa chỉ báo cho các quyết sách về kinh tế - xã hội, kế hoạch khắc phục, tái thiết sau bão, vừa làm cơ sở để giải quyết các chính sách đảm bảo có căn cứ. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo nhanh nhất, sớm nhất có thể. Qua đợt bão này, các ngành liên quan cũng cần nghiên cứu hoàn thiện bộ cẩm nang hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó với bão; ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai thời gian tới.
Tiếp tục đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng trong giai đoạn hiện nay. Báo cáo Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn; đề nghị cho tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp, Than - Khoáng sản Việt Nam có chính sách giãn thời gian trả nợ đối với các hộ trồng rừng để tạo điều kiện cho các hộ khôi phục sản xuất.
Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng Đề án khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão. UBND tỉnh đã quyết định thành lập tổ công tác để xây dựng Đề án này, với quyết tâm cao nhất xây dựng tỉnh Quảng Ninh sau bão sẽ mang bộ mặt mới, phát triển hơn, đặc biệt là khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh của tỉnh.
Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 3 đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()