Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:51 (GMT +7)
Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị
Thứ 2, 11/07/2022 | 15:30:00 [GMT +7] A A
Ngày 11/7, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Quảng Ninh đã xác định rõ việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thiết trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.
Trong 17 năm qua, Quảng Ninh đã nghiêm túc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là nghị quyết các đại hội X, XI, XII của Đảng và các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với tỉnh Quảng Ninh. Trong quá trình thực hiện, Quảng Ninh đã phát huy nội lực, tự lực tự cường tìm kiếm nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách; xây dựng quy hoạch chiến lược; tìm kiếm các mô hình đổi mới, sáng tạo của địa phương, đặc biệt là mô hình quản trị phát triển bền vững địa phương trước những thách thức an ninh phi truyền thống. Quảng Ninh cũng luôn xem văn hóa là nguồn lực quan trọng phát triển bền vững; đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ; thực hiện tinh giản bộ máy tổ chức, tập trung cải cách hành chính; nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và thực hiện liên kết vùng để nhân lên nguồn lực phát triển... Đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước và nằm trong nhóm những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao của Vùng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển. Chủ động phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Văn hóa - xã hội có sự gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững. Vị thế và uy tín của Quảng Ninh được nâng cao; lòng tin của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền được nâng cao. Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Thời gian qua, Quảng Ninh tiến hành đánh giá tổng kết Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị gắn với tổng kết thực hiện Thông báo số 108 ngày 2/10/2012 của Bộ chính trị một cách nghiêm túc, trách nhiệm. Tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều chương trình hợp tác, phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng với các địa phương trong Vùng và lân cận, đạt được nhiều kết quả tích cực, điển hình và đi vào một cách thực chất và hiệu quả hơn bằng những giải pháp hết sức cụ thể.
Để đưa Quảng Ninh phát triển trong giai đoạn tiếp theo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, mong muốn hội nghị là dịp để Quảng Ninh được lắng nghe những ý kiến phân tích, đánh giá và góp ý của các đại biểu để không chỉ giúp Quảng Ninh hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW mà còn giúp Quảng Ninh có thêm những giải pháp, hướng đi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đã đóng góp ý nhiều ý kiến quan trọng vào báo cáo tổng kết của của tỉnh, nhất là phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cũng như kiến nghị, đề xuất của tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc tổ chức tổng kết Nghị quyết 54 rất khoa học, kỹ lưỡng, công phu, bám sát vào những yêu cầu mà BCĐ Trung ương đặt ra.
Qua báo cáo, các ý kiến tham gia tại hội nghị và đặc biệt là thực tiễn tại Quảng Ninh minh chứng cho thấy, 17 năm qua, Nghị quyết 54 đã được triển khai thực hiện với một quyết tâm chính trị rất cao tại Quảng Ninh nói riêng, cũng như trong cả phạm vi cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những thay đổi rất cơ bản, to lớn cho tỉnh Quảng Ninh. Cũng thông qua vai trò của tỉnh trong liên kết vùng đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cả khu vực. Điều đó thể hiện, Quảng Ninh đã có sự vào cuộc, lãnh đạo chỉ đạo toàn diện, huy động sự vào cuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết một cách đồng bộ, quyết liệt, có hệ thống. Các mục tiêu, giải pháp được cụ thể hóa với những chỉ tiêu có thể định lượng được.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, nhấn mạnh: Vấn đề phát triển vùng, liên kết vùng được đề cập trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nhấn mạnh tới việc xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia, của các vùng một cách hợp lý để phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương, tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng, tạo điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị của toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Để tiếp tục khẳng định một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và tương lai là của cả nước, thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thành quy hoạch, quản lý, tổ chức triển khai quy hoạch, trong đó, nhấn mạnh hơn nữa về sự thống nhất nhận thức và khát vọng cao qua các thế hệ lãnh đạo, của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Ninh, sự đoàn kết, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thể hiện qua công tác quy hoạch. Tiếp tục phát huy những tiềm năng để Quảng Ninh phát triển và trở thành tỉnh tiêu biểu cả nước về mọi mặt, giàu đẹp, văn minh, hiện đại và đặc biệt là những mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh và những mô hình phát triển kinh tế mới; khai thác tốt các cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số….
Trong định hướng phát triển, cần cân nhắc các điều kiện để tiếp tục tăng cường hỗ trợ thúc đẩy hình thành doanh nghiệp tại địa phương; tiếp tục đổi mới tư duy, khơi dậy niềm tin, tự hào, khát vọng phát triển; phát huy, khai thác tốt hơn vị trí địa chính trị, địa kinh tế, nhất là tiềm năng kinh tế đa dạng của Quảng Ninh; gắn kết giữa phát triển nhanh, bền vững với phát triển văn hóa con người, giàu bản sắc; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế xã hội.
Đối với các ý kiến đề xuất tại hội nghị, Ban chỉ đạo cơ bản đồng tình, ủng hộ, qua đó tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo trình Bộ chính trị trong thời gian tới.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()