Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 22:16 (GMT +7)
Tổng Thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt thời đại của nhiên liệu hóa thạch
Thứ 7, 18/06/2022 | 08:51:30 [GMT +7] A A
Tổng Thư ký Guterres cáo buộc ngành nhiên liệu hóa thạch đã dành nhiều thập niên qua để thuyết phục các nhà lãnh đạo, làm xoay chuyển ý kiến của dư luận về trách nhiệm với biến đổi khí hậu.
Ngày 17/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi một "cuộc tấn công" tổng lực vào ngành nhiên liệu hóa thạch, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế lớn của thế giới chấm dứt "thời đại của nhiên liệu hóa thạch."
Phát biểu tại hội nghị cấp cao trực tuyến Diễn đàn Các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu (MEF), do Mỹ chủ trì, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định nhiệm vụ đầu tiên của giới lãnh đạo là bảo vệ người dân trước các mối đe dọa rõ ràng hiện nay. Theo ông, không có gì là rõ ràng và cấp bách hơn mối đe dọa từ việc mở rộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tổng Thư ký Guterres cáo buộc ngành nhiên liệu hóa thạch đã dành nhiều thập niên qua để thuyết phục các nhà lãnh đạo, làm xoay chuyển ý kiến của dư luận về trách nhiệm hạn chế của ngành này đối với biến đổi khí hậu và tìm cách "phá hoại các chính sách khí hậu đầy tham vọng." Ông nhấn mạnh "khủng hoảng khí hậu là tình trạng khẩn cấp số 1."
Cùng ngày, phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, coi đây là vấn đề an ninh quốc gia cũng như là yếu tố cốt lõi nhằm ngăn chặn sự ấm lên của Trái Đất.
Đây là lần thứ 3 Tổng thống Biden tổ chức Diễn đàn Các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2021, với cam kết đưa Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về việc ngăn chặn sự ấm lên trên toàn cầu.
Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh dư luận tại Mỹ bất bình về việc giá nhiên liệu tăng trong khi các nước châu Âu đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Do đó, hội nghị lần này tiếp nối các nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng trong quá trình ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu, tìm kiếm giải pháp xử lý tình trạng giá cả hàng hóa leo thang trên thế giới do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như thúc đẩy Washington và các đồng minh hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và an ninh năng lượng về lâu dài.
Diễn đàn MEF bao gồm các nước chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dân số và lượng phát thải khí nhà kính của cả thế giới. Các nhà lãnh đạo có vai trò then chốt trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với khủng hoảng khí hậu cũng được mời tham dự hội nghị.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()