Ngày 1/3, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM công bố bốn nhóm lĩnh vực ứng dụng ChatGPT mà thành phố đặt hàng với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo đó thành phố tiếp nhận các giải pháp ứng dụng ChatGPT trong các dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ thực hiện cho người dân; Ứng dụng ChatGPT vào tổng đài 1022 nhằm ghi nhận ý kiến và trả lời kiến nghị.
Các ứng dụng ChatGPT trong hỗ trợ lãnh đạo bằng các giải pháp nghiên cứu xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ tài liệu...
Về hoạt động giáo dục, các ứng dụng ChatGPT cần giúp thành phố xây dựng hệ thống trợ lý học tập bằng các giải pháp trợ lý ảo học tập phục vụ cho thầy cô, học sinh các cấp.
Về nghiên cứu cơ chế bảo mật, bảo vệ dữ liệu, thành phố tìm kiếm các giải pháp về an toàn thông tin, quản lý dữ liệu của các cơ quan, tổ chức khi sử dụng ChatGPT.
Các giải pháp của nhà khoa học, viện trường, doanh nghiệp được thực hiện thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận, triển khai.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, ChatGPT không phải là chatbot đầu tiên trên thế giới, nhưng cách giao tiếp với con người gần gũi, như một người bạn. Ông cho rằng ChatGPT cần xem là một công cụ phục vụ con người. Điều quan trọng là công cụ này được sử dụng thế nào cho hiệu quả. Muốn làm được việc này cần hiểu rõ ChatGPT, những thế mạnh cũng như nhược điểm của nó.
Lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, với việc đặt hàng các nghiên cứu ChatGPT, thành phố luôn tạo cơ hội cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia phát triển các ứng dụng ChatGPT phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. "ChatGPT cần được hiểu rõ, đánh giá kỹ để khai thác sử dụng công cụ này sớm và hiệu quả nhất", ông Đức nói.
Theo PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ học tính toán, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, ChatGPT là công cụ phản hồi nhanh, chính xác và mang tính cá nhân hóa cao, rất cần được ứng dụng vào các dịch vụ công trực tuyến, giúp tiết kiệm công sức cán bộ. Tuy nhiên, dữ liệu của ChatGPT cũng có thể sai sót nên khi ứng dụng vào các lĩnh vực quản lý hành chính công cần có những sản phẩm sử dụng cơ sở dữ liệu của Việt Nam, theo từng chuyên môn, lĩnh vực... để đảm bảo tính thông tin chính xác hơn.
ChatGPT, ra mắt từ 30/11/2022, được đánh giá là AI thông minh nhất khi có thể thực hiện đa dạng nhiệm vụ như tra cứu, viết văn, lập trình... chỉ bằng một đoạn mô tả hoặc câu lệnh ngắn. Khả năng tiếp nối câu chuyện trong đoạn hội thoại và giao diện dễ dùng với đa số người dùng phổ thông.
Ngay sau khi ra mắt, ChatGPT gây sốt ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vì đây là lần hiếm hoi công chúng được tiếp cận với một mô hình trí tuệ nhân tạo lớn.
Dữ liệu từ Similar Web cho thấy sau hai tháng ra mắt, ChatGPT của OpenAI đã đạt100 triệu người dùng. Trong khi đó theo thống kê của Sensor Tower, TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, còn Instagram mất tới 2,5 năm, Google Translate là 6,5 năm.
Ý kiến ()