Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:23 (GMT +7)
Vốn quý từ đất rừng Ba Chẽ
Chủ nhật, 06/02/2022 | 13:21:41 [GMT +7] A A
Bao năm qua, rừng không chỉ che chở, bảo vệ người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại cuộc sống no ấm cho người dân huyện Ba Chẽ. Hàng nghìn hộ dân đã có thu nhập ổn định nhờ trồng các loại cây có giá trị như trà hoa vàng, lim - những cây quý của vùng đất Ba Chẽ.
Làm giàu từ trà hoa vàng
Giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối Đông, đến Ba Chẽ, chúng tôi cảm nhận Xuân đã về khắp núi rừng nơi đây. Những cây trà nở hoa vàng rực rỡ, những cây đào nở sớm đua nhau khoe sắc. Gần Tết cũng là thời điểm trà hoa vàng nở rộ. Tạm dừng thu hoạch hoa trà, anh Trìu Đức Kim, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc,chia sẻ: Trước kia cây trà hoa vàng mọc hoang ở khe lạch, đồi rừng Ba Chẽ. Cách đây gần 10 năm, thấy người dân đào cây mang bán cho nước ngoài nhiều, tôi tìm hiểu thấy được giá trị của trà hoa vàng nên quyết tâm mua lại của bà con, đồng thời nhân giống trồng thêm để bảo tồn, phát triển giống trà hoa vàng.
Thời gian đầu gia đình anh Kim chỉ trồng được vài ba chục cây. Nhận thấy cây trà hoa vàng trồng tại vườn đồi vẫn sinh trưởng tốt, anh Kim quyết định mở rộng quy mô trồng cây trà hoa vàng trên cả những thửa ruộng lúa kém năng suất, từ đó diện tích trồng tăng dần, đến nay gia đình anh có 2ha trồng trà hoa vàng. Năm nay trà hoa vàng phát triển tốt, mỗi ngày vợ chồng anh đi thu hái 2 lượt. Anh Kim dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 3 tạ hoa, thu về trên 200 triệu đồng.
Nhiều năm nay, trà hoa vàng - loài cây một thời mọc hoang trong những cánh rừng ở Ba Chẽ, đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn. Huyện Ba Chẽ đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, năm 2013, khi tỉnh Quảng Ninh thực hiện chương trình OCOP - mỗi xã, phường một sản phẩm, huyện Ba Chẽ đã chọn cây trà hoa vàng nằm trong chương trình, nên nhiều hộ gia đình cải tạo lại đất vườn, đất rừng để trồng cây trà hoa vàng. Một số hộ gia đình không những mở rộng diện tích, mà còn mạnh dạn mua thiết bị, máy móc để sản xuất trà hoa vàng. Từ cây trà, hàng loạt sản phẩm mới đã được chế biến, như matcha trà xanh, bánh trà, hoa trà…
Năm 2017, để khẳng định và bảo vệ thương hiệu trà hoa vàng Ba Chẽ, UBND huyện đã đăng ký xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Trà hoa vàng Ba Chẽ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng công nhận. Cuối tháng 12/2020, huyện Ba Chẽ tổ chức Chương trình Hội trà hoa vàng lần thứ III. Tại Hội trà hoa vàng, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) công bố nghiên cứu về công dụng của các hoạt chất có trong trà hoa vàng qua nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, từ đó nâng tầm giá trị của trà hoa vàng, tạo niềm tin với người tiêu dùng, giúp cho việc tiêu thụ trà hoa vàng tốt hơn.
Đến nay, toàn huyện đã có 430 hộ trồng trà hoa vàng với diện tích 205ha. Từ cây rừng mọc dại, trà hoa vàng được trở thành cây trồng chủ lực tại Ba Chẽ. Với giá thành 15 triệu đồng/cân hoa khô, loài hoa được ví là "quý như vàng" đang mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người trồng, giúp họ không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu. Hiện trà hoa vàng Ba Chẽ đã trở thành sản phẩm được chứng nhận 5 sao, chứng nhận cao nhất trong Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh. Không dừng lại ở đó, sản phẩm này cũng đang bước vững chắc, với một chiến lược cụ thể, để trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.
Hành trình mới cho “báu vật” rừng già
Cùng với phát triển cây trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ đang tập trung trồng cây lim xanh. Lim xanh là một trong những loài cây cho gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, có thể sống chung với nhiều loài cây khác tạo ra hệ sinh thái ổn định, bền vững. Năm 2021, huyện Ba Chẽ trồng được 60,4ha cây lim xanh, trong đó nhân dân trồng 10ha; Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện trồng 50,4ha. Huyện cũng ươm thành công 650.000 cây lim xanh giống, dổi xanh bản địa bằng phương pháp ghép và gieo hạt truyền thống.
Anh Nịnh Văn Năm, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, có rừng lim xanh 5 tháng tuổi. Khi biết anh bỏ trồng keo để trồng 5ha lim xanh, nhiều người bảo anh... hâm. Bởi lẽ mỗi năm cây lim chỉ lớn được chừng vài phân, trồng như thế đến bao giờ mới được “hái quả”? Mặc nhiều người dèm pha, anh Năm kiên định quyết tâm trồng rừng gỗ lớn. Anh tâm sự: Keo là giống cây ngắn ngày, trồng chỉ giải quyết được cái lợi trước mắt. Tôi trồng rừng là để cho đời sau, vì vậy phải trồng cây lâu năm.
Lim là giống khó trồng, chậm lớn, cây mọc cách xa nhau nên anh Năm chỉ trồng 550 cây/ha. Để phát triển kinh tế, “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng xen cây quế và thử nghiệm trồng cây cát sâm. Anh Năm chia sẻ: Sau 7-10 năm, rừng lim xanh khép tán, khi đó quế được thu hoạch, tôi sẽ trồng cây cát sâm thay thế.
Hiện nay, Ba Chẽ đang tiến hành trồng rừng đa loài, đa mục đích để tạo nguồn thu cao và ổn định cho người trồng. Đặc biệt, huyện coi triển khai đề án rừng gỗ lớn làm nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Để triển khai đề án đạt hiệu quả, huyện chú ý công tác tuyên truyền cho nhân dân. Với việc triển khai bài bản nên đến thời điểm này, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ đạt 660ha, chủ yếu các loài cây bản địa như lim, dổi, lát hoa...
Ông Đỗ Khánh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Giai đoạn 2020-2025, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng huyện Ba Chẽ trở thành vùng trọng điểm kinh tế lâm nghiệp của toàn tỉnh, trung tâm về nguồn nguyên liệu và công nghiệp chế biến lâm sản. Thực hiện mục tiêu này, huyện đã bám sát các chỉ đạo, định hướng, cơ chế chính sách của tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; phát huy vai trò tiên phong trồng rừng gỗ lớn theo đúng định hướng của huyện; xây dựng các mô hình mẫu để nhân dân học tập và làm theo… Trong năm 2022, huyện Ba Chẽ xây dựng chỉ tiêu trồng thêm 1.170ha rừng gỗ lớn, cây bản địa; trồng 72ha cây dược liệu. Tính đến thời điểm này, đã có 563 hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, Ban Quản lý Rừng phòng hộ… đăng ký trồng rừng gỗ lớn loài cây bản địa với diện tích 1.260ha, trong đó có 272ha trồng cây lim, dổi.
Mỗi mùa xuân đến, phong trào trồng cây trà hoa vàng, các loại cây rừng gỗ lớn, trong đó nổi bật là trồng cây lim xen canh ngày càng lan tỏa ở Ba Chẽ. Để rồi qua mỗi mùa xuân, cuộc sống của người dân khấm khá hơn, thậm chí ngày càng nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số của huyện trở thành tỷ phú nhờ trồng cây trà hoa vàng, cây lim xanh.
Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()