Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:51 (GMT +7)
Trách nhiệm và tri ân
Chủ nhật, 25/07/2021 | 07:05:37 [GMT +7] A A
Hàng năm, cứ đến những ngày tháng bảy, cả nước lại lặng mình tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh hay gửi lại một phần máu xương của mình nơi chiến trường vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác. Sinh thời, hằng năm, vào dịp 27/7 hay dịp đầu năm mới, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư thăm hỏi hoặc gửi lời chúc thân ái tới thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, các đơn vị điều dưỡng và các cán bộ phụ trách. Người đã viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng".
Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, bởi vậy là một ngày lễ lớn của dân tộc, là dịp để mỗi chúng ta tri ân tưởng nhớ những anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Thực hiện lời dạy của Bác, ngay cả trong những năm đất nước có chiến tranh, giai đoạn khó khăn và phát triển như hôm nay, công tác chăm lo cho thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm với nhiều chính sách, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần.
Trong dịp kỷ niệm 27/7 năm nay, Chủ tịch nước đã có quyết định về việc tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công, thân nhân đối tượng chính sách cả nước với tổng số tiền là 480 triệu đồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tuỳ theo diễn biến phòng chống dịch Covid -19 để tổ chức các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” với các hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 13.000 đối tượng người có công với cách mạng. Trong những năm qua, tỉnh có rất nhiều sự quan tâm, ngoài các chính sách chung của Nhà nước, tỉnh còn ban hành các chính sách riêng, đặc thù nhằm chăm lo tốt nhất về đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đã có hàng ngàn gia đình người có công với cách mạng đã được xây mới, sửa chữa nhà từ ngân sách của tỉnh hay hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân.
Ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều có quyết định tặng quà cho đối tượng người có công. Dịp 27/7 năm nay, tỉnh cũng đã ban hành quyết định về việc tặng quà cho người có công, cho cá nhân, hộ gia đình người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh với các mức từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng; tặng quà cho một số trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng, trung tâm điều dưỡng người có công mỗi đơn vị 5 triệu đồng.
Vào những ngày này các năm trước, khi không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, những Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị), hang Tám Cô (Quảng Bình)… trở thành điểm đến của hàng vạn người dân viếng thăm, tri ân. Các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước bừng sáng bởi những đêm thắp nến tri ân của tuổi trẻ- lớp thế hệ đã và đang được hưởng hoà bình, hạnh phúc từ những hy sinh của cha anh đi trước.
Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh. Đó là mục tiêu, khát vọng của toàn dân, do đó hơn lúc nào hết công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm và tình cảm của toàn dân.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()