Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:30 (GMT +7)
Trái ngọt nông thôn mới
Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:30:33 [GMT +7] A A
Quý I/2024, bức tranh NTM của tỉnh được tô điểm thêm bằng loạt các sự kiện công bố huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao của Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu. Bức tranh NTM tỉnh Quảng Ninh ngày càng sáng màu, tạo thêm niềm tin, niềm hân hoan phấn khởi trong nhân dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trên địa bàn.
Tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025
Đến thời điểm này, Quảng Ninh có 98/98 xã NTM, về sớm 3 năm so với chỉ tiêu Chính phủ giao; trong đó có 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (57,1%), 28 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (28,57%). 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về sớm 2 năm so với chỉ tiêu Chính phủ giao; trong đó có 4/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (57,1%), vượt 2,8 lần so với mục tiêu Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội; Đầm Hà, Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong nước đạt chuẩn huyện NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Qua đó đưa Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị chức năng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị trung ương xét công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Chính phủ giao.
Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, hải đảo đạt kết quả cao. Cụ thể có 64/64 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (42,19%), vượt 2,19% so với mục tiêu hết năm 2025, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (15,62%), vượt 5,62% so với mục tiêu hết năm 2025; 100% địa phương cấp huyện khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt chỉ tiêu.
Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, nhất là giai đoạn 3 năm xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 đã giúp cho các xã, thôn, khu dân cư có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng sản xuất đồng bộ; bộ mặt nông thôn thay đổi, đặc biệt người dân tự tin trong vai trò chủ thể, tự nâng cao cả về trình độ nhận thức và trình độ sản xuất, nâng cao thu nhập, ngày càng tiến lên ấm no, giàu có, văn minh và hiện đại.
Khu vực sản xuất sôi động
Báo cáo mới nhất của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho thấy, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 73,9 triệu đồng/người/năm, trong đó các xã vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73,3 triệu đồng/người/năm. Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, sự phát triển của kinh tế nông thôn, thu nhập của người dân nông thôn nâng lên là những thông số thể hiện rõ nét nhất kết quả của quá trình xây dựng NTM. Đây là mục tiêu cao, khó được đặt ra, tỉnh đã làm được.
Các địa phương nông thôn của tỉnh hiện duy trì, kiểm soát về ATTP với 1.095ha trồng trọt. Trong đó có 45ha được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho 162 tấn rươi - lúa hữu cơ; 94ha lúa chất lượng cao Japonica và ST25. Hiện có 9 cơ sở đóng gói và 56 vùng trồng được cấp mã số; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 59 loại nông sản an toàn được xác nhận. Chuyển dịch cây trồng vật nuôi và thủy sản theo đúng định hướng của tỉnh.
Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đang là đòn bẩy kinh tế nông thôn. Đến nay toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương cấp huyện đạt từ 3-5 sao, trong đó 315 sản phẩm đạt 3 sao, 98 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao; 212 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao, trong đó có 55 doanh nghiệp, 83 HTX, 74 hộ sản xuất. 100% các sản phẩm OCOP từ 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Ở các vùng nông thôn, kinh tế tập thể được tập trung phát triển về số lượng, chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 548 HTX nông nghiệp, HTX tổng hợp, vượt chỉ tiêu Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh giao; 110 tổ hợp tác.
Sản xuất hiệu quả, thu nhập tăng lên, ở các vùng nông thôn Quảng Ninh, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã giảm nhanh số hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2023 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sớm hơn 3 năm so với mục tiêu đặt ra. Tỉnh đã ban hành quy định chuẩn nghèo mới, giai đoạn 2023-2025 với mức chuẩn nghèo được nâng lên gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của trung ương về tiêu chí thu nhập. Theo chuẩn nghèo này, toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, 3.063 hộ cận nghèo, mục tiêu của tỉnh là không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Với kết quả rất đáng tự hào trong xây dựng NTM, Quảng Ninh có nền tảng để bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()