Tất cả chuyên mục

Từ ngày 25-4-2014, cùng với các địa phương khác trong cả nước, Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động Quảng Ninh (Trạm KTTT) chính thức đi vào hoạt động. Đến nay sau 2 tháng triển khai, công tác kiểm soát tải trọng bước đầu cho thấy những hiệu quả.
Vào cuộc kịp thời
Trước thực tế nhiều cây cầu, tuyến đường đang phải “oằn mình” gánh chịu những lượt xe quá tải khiến chi phí nâng cấp, sửa chữa hàng năm khá tốn kém (năm 2013, Quảng Ninh chi gần 150 tỷ đồng cho công tác bảo trì hạ tầng giao thông) đồng thời góp phần thực hiện tốt Năm An toàn giao thông 2014 với chủ đề “siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, ngày 14-4-2014 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 705/QĐ-UBND về việc thành lập Trạm KTTT. Các đơn vị liên quan đã vào cuộc tích cực, phân công các lực lượng thực thi công vụ, khảo sát vị trí đặt trạm, xây dựng mặt bằng đặt bàn cân… để sớm đưa Trạm vào hoạt động. Cùng với đó là tổ chức tiếp nhận xe cân lưu động từ Cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện tăng cường quản lý, kiểm soát tải trọng phương tiện.
![]() |
Cán bộ Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động đang thực hiện nhiệm vụ. |
Ngày 25-4-2014, Trạm KTTT chính thức hoạt động tại huyện Đông Triều với biên chế 14 người (CSGT 7 người, TTGT 7 người, kiểm soát quân sự 2 người) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm tải trọng trong 3 ca trực, hoạt động liên tục 24 giờ/ngày. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu ra quân, tại một số vị trí đường gần Trạm đã xuất hiện tình trạng xe quá tải chạy vào đường làng các xã lân cận như Xuân Sơn, Bình Khê (Đông Triều) để tránh Trạm KTTT. Điều đó đã khiến các con đường làng vốn yếu, nhỏ hẹp càng thêm yếu trước những cỗ máy “siêu trường, siêu trọng” chạy qua, gây ùn tắc, mất ATGT và bức xúc trong nhân dân địa phương.
Từ những thông tin phản ánh, lực lượng chức năng Trạm KTTT đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT huyện Đông Triều triển khai các phương án ngăn chặn. Thiếu tá Nguyễn Duy Dũng, Phó trưởng Công an huyện Đông Triều cho biết: “Công an huyện đã tham mưu cho Ban ATGT huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng tổ chức cắm biển quy định tải trọng tại đầu các tuyến đường liên xã có xe quá tải thường xuyên đi vào để tránh Trạm KTTT. Bên cạnh đó, CSGT huyện phối hợp với chính quyền xã lập chốt kiểm tra, ngăn chặn xe quá tải. Từ những giải pháp kịp thời đó, hiện tượng xe quá tải đi vào các tuyến đường liên xã để tránh Trạm KTTT đã không còn, góp phần bảo vệ các công trình giao thông của huyện, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, phát huy hiệu quả của Trạm KTTT trên Quốc lộ 18”.
Hạn chế đáng kể xe quá tải
Có mặt tại Trạm KTTT đầu tháng 6 vừa qua, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết xe được kiểm tra không chở quá tải. Anh Phạm Hồng Thái, lái xe tải BKS: 20L-4588 cho biết: “Từ khi toàn quốc ra quân kiểm tra và siết chặt tải trọng, ngay từ khâu xếp hàng, công ty tôi đã kiểm soát trọng lượng để tránh bị phạt do quá tải. Hiện nay, mức phạt tiền khá cao với doanh nghiệp và lái xe (6 triệu đồng/lần, tước GPLX), nhất là sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng trên khắp các tuyến quốc lộ thì làm sao dám chở quá tải nữa…”.
Trao đổi với một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh về vấn đề này, các đơn vị mong muốn: Các cơ quan chức năng phải làm thật quyết liệt, chặt chẽ và liên tục, tuyệt đối không để kẽ hở nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, đưa giá cước vận tải về đúng giá thực. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần tính toán và đưa ra một mức giá sản phẩm hợp lý đối với người tiêu dùng, tránh tình trạng giá cước được đẩy lên thì giá các mặt hàng lên theo.
Vẫn còn vướng mắc
Hiệu quả của Trạm KTTT đã thấy rõ, số lượng phương tiện vi phạm quá tải đã giảm, tuy nhiên, hiện Trạm KTTT vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục kịp thời. Cụ thể: Do mặt bằng đặt Trạm hẹp, việc quay đầu theo hướng ngược lại để cân khá khó khăn và gây mất ATGT cho người và phương tiện tham gia trên tuyến, nên hiện việc kiểm tra tải trọng phần lớn chỉ thực hiện đối với chiều xe đi hướng Hà Nội - Uông Bí. Hiện việc yêu cầu bắt buộc các phương tiện vi phạm tải trọng phải hạ tải là cần thiết, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bãi, phương tiện, con người để làm công tác hạ tải, và chỉ những xe nhỏ chở hàng dễ bốc xếp thủ công mới có thể sang tải tại chỗ. Còn lại hầu hết trả hàng ở cự li gần Trạm. Hệ thống thiết bị điện tử của Trạm KTTT xe lưu động, cân điện tử xách tay chỉ hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết khô ráo, hạn chế hoạt động khi trời mưa to.
Theo ông Đặng Mạnh Hà, Chánh TTGT (Sở GT-VT): Mặc dù mới hoạt động, song Trạm KTTT đã cho thấy được những hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện. Tuy nhiên, công tác tổ chức bộ máy, biên chế tại Trạm chưa được rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong việc cấp kinh phí cho hoạt động của Trạm (sau gần 2 tháng hoạt động vẫn chưa có kinh phí). Bên cạnh đó có hiện tượng người điều khiển phương tiện khi vi phạm không hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, nhất là vào các giờ cao điểm (17-19 giờ), các xe có dấu hiệu vi phạm thường tập trung thành đoàn và chạy với tốc độ cao để vượt Trạm… Do vậy, để phát huy hiệu quả của Trạm KTTT nhằm kéo giảm TNGT, hạn chế chi phí sửa chữa hạ tầng giao thông, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa, triển khai các giải pháp đồng bộ của các bên có liên quan. Cần sớm ổn định tổ chức và cấp kinh phí cho Trạm hoạt động; mở rộng cơ sở hạ tầng tại Trạm; bổ sung hệ thống điện chiếu sáng ban đêm, hệ thống che mưa để đảm bảo cân hoạt động được ở mọi thời tiết; tăng cường các tổ công tác tuần tra lưu động nhằm xử lý đối với các phương tiện cố tình không hợp tác, bỏ chạy khỏi Trạm. Bên cạnh đó, sớm đầu tư tiếp 2 điểm đặt trạm tại TP Cẩm Phả và huyện Hải Hà để nâng cao, đảm bảo tính “lưu động”. Các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức tự giác của các chủ phương tiện, đội ngũ lái xe trong chấp hành Luật Giao thông và các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo số liệu thống kê từ Sở GT-VT, sau gần 2 tháng triển khai Trạm KTTT (từ 25-4 đến 17-6), Trạm đã kiểm tra được 751 xe, phát hiện và xử lý 145 xe vi phạm lỗi quá tải, tước 139 GPLX, phạt tiền gần 1 tỷ đồng, buộc hạ tải hơn 400 tấn hàng hoá. Số xe vi phạm chủ yếu vào những ngày đầu khi triển khai Trạm, đến nay đã giảm dần. Điều này cho thấy hiệu quả của Trạm KTTT bước đầu đã được phát huy. |
Đỗ Phương
Ý kiến ()