Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:48 (GMT +7)
Trần Đăng Khoa kể về người dạy ông biết rung cảm trước cảnh vật
Thứ 3, 07/03/2023 | 21:19:00 [GMT +7] A A
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng tình yêu đối với người mẹ là một đề tài lớn trong mọi loại hình văn học nghệ thuật, không riêng gì thi ca và viết về mẹ bao giờ cũng hay.
Mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa không biết chữ nhưng lại thuộc hết Truyện Kiều. Nhờ “cô Kiều” mà bà lần theo mặt chữ, đọc được sách báo, tiểu thuyết. Bởi vậy, ông bảo “cụ Nguyễn Du là người đã dạy chữ cho mẹ tôi.”
Đó là những chia sẻ xúc động nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về người mẹ của mình trong tọa đàm “Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt Nam” diễn ra ngày 7/3 tại Hà Nội.
Trong câu chuyện của nhà thơ, người mẹ hiện lên dung dị như bao người phụ nữ nông thôn Bắc bộ tần tảo thế hệ trước. Bà không được đi học, không biết chữ nhưng thuộc lòng Truyện Kiều. Sau này, khi có trong tay cuốn sách in Truyện Kiều, bà lần theo từng câu thơ đã “thuộc vẹt” mà nhận ra mặt chữ. Rồi dần dần bà biết đọc.
“Cũng chính vì vậy mà bà chỉ biết chữ in. Nếu tôi muốn viết thư cho mẹ thì phải viết theo lối chữ in như trong sách. Viết chữ thường, bà không đọc được. Cũng từ những câu thơ, những lời ru mà bà dạy cho các con thuộc Truyện Kiều, dạy chúng tôi biết thương cô Kiều,” nhà thơ kể.
Trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), nhà thơ không chỉ kể những kỷ niệm về mẹ mà còn chia sẻ những bài thơ ông viết với cảm hứng từ tình yêu và lời dạy của mẹ.
Chẳng hạn, một buổi tối, bà ngoại Trần Đăng Khoa sang chơi, mẹ của nhà thơ bảo con ra vườn hái trầu cho bà. Bà bảo: "Con phải vặn to ngọn đèn lên, để cây trầu nó nhận ra chủ chứ không phải thằng ăn trộm, rồi con phải đọc mấy câu này đánh thức nó dậy đã rồi mới được hái: 'Trẩu trẩu trầu trầu/Mày làm chúa tao/Tao làm chúa mày/Tao không hái ngày/Thì tao hái đêm/Thức dậy cho tao hái.'Không nói như vậy, giàn trầu sẽ lụi."
Trần Đăng Khoa chẳng biết đấy có phải là câu ca dao không, hay chỉ là câu vè mẹ chợt nghĩ ra mà thôi.
Vậy là, nhà thơ đã viết một bài về giàn trầu, với những câu chữ khác: “Đã ngủ rồi hả trầu/Tao đã đi ngủ đâu/Mà trầu mày đã ngủ/Bà tao vừa đến đó/Muốn xin mấy lá trầu/Tao không phải ai đâu/Đánh thức mày để hái/Trầu ơi hãy tỉnh lại/Mở mắt xanh ra nào/Lá nào muốn cho tao/Thì mày chìa ra nhé/Tay tao hái rất nhẹ/Không làm mày đau đâu/Đã dậy chưa hả trầu/Tao hái vài lá nhé/Cho bà và cho mẹ/Đừng lụi đi trầu ơi!”
Khi bà ngoại mất, người mẹ bảo nhà thơ: “Bà mất rồi. Con có thấy cây cối cũng buồn không. Con ra đeo khăn tang cho cây đi. Không nó chết đấy.” Rồi bà xé nhỏ cái khăn tang ra thành hàng trăm mảnh để cậu bé 6 tuổi ra buộc từng miếng vải trắng lên những cành cây.
Rồi ngày Tết, mẹ nhà thơ lại bảo: “Ngày Tết, mình có áo mới thì cây cối nó cũng phải có áo mới chứ. Không nó buồn đấy.” Bà pha một thùng nước vôi loãng, buộc túm cái chổi lại rồi sai con ra vườn quét lên từng gốc cây. Hôm sau, nước vôi khô, cả khu vườn sáng rực một màu trắng đồng phục.
Lớn dần lên, nhà thơ mới hiểu trong mắt bà, con gà, con chó, hay cây cối trong vườn cũng đều có tâm trạng, tình cảm như những con người.
Nhà thơ cho rằng mẹ mình không hề biết đó là phép nhân hóa trong nghệ thuật. Bà chỉ muốn dạy con làm một người tử tế. Bà dạy các con yêu cây cối, con vật để trở thành người lương thiện. Bởi một đứa trẻ có thể dẫm nát một cái cây non, đánh con chim, con gà thì sau này nó cũng sẽ làm điều ác với con người.
“Tình yêu đối với người mẹ là một đề tài lớn trong mọi loại hình văn học nghệ thuật, không riêng gì thi ca. Viết về mẹ bao giờ cũng hay. Mọi người cứ gọi tôi là 'tài thơ,' 'thần đồng thơ.' Thật ra không phải, tôi hiểu nhất. Những bài thơ của cậu Khoa chỉ là lời ăn, tiếng nói hàng ngày, là lời kể lại những câu chuyện của mẹ, là sự ngẫm nghĩ về những lời dạy của mẹ mà thôi,” nhà thơ chia sẻ./.
Tại tọa đàm, tiến sỹ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ cũng đã khái quát hình ảnh người mẹ trong thi ca Việt Nam, từ những câu ca dao cho đến những vần thơ thời kháng chiến rồi những tác phẩm hiện đại. Ông cho rằng độc giả dễ dàng bắt gặp những vần thơ lục bát rất hay về mẹ, như một sự nối dài cảm xúc từ những câu ca dao trong lời ru của mẹ. “Một trong số những bài thơ viết về mẹ rất hay là ‘Mẹ ốm’ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, khắc họa chân dung người mẹ tảo tần, giàu đức hy sinh, yêu thương con vô ngần. Câu thơ cuối ‘Mẹ là đất nước, tháng ngày của con’ có tính khái quát rất cao. Hình ảnh mẹ hiện lên rõ nét và lộng lẫy. Tác giả đã nói hộ chúng ta về lòng biết ơn vô hạn của những đứa con với các bà mẹ,” tiến sỹ Đỗ Anh Vũ bình luận. |
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()