Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 22:45 (GMT +7)
Trần Danh Tuyên - Vị đại biểu Quốc hội khóa I
Chủ nhật, 23/05/2021 | 06:41:28 [GMT +7] A A
Đồng chí Trần Danh Tuyên, nguyên Xứ ủy viên Bắc Kỳ từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Vật tư, Phó Trưởng Ban đối ngoại Trung ương, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI. Trong suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Danh Tuyên luôn thể hiện phẩm chất cao đẹp của một chiến sĩ cộng sản ưu tú.
Đồng chí Trần Danh Tuyên, tên thật là Nguyễn Văn Luận, sinh ngày 20/8/1911 tại xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là anh ruột đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Đàm kể: Anh trai tôi là người học rất giỏi ở làng. Năm 1919, khi người Pháp chấm dứt việc dạy học kiểu chữ Nho trên đất An Nam và bắt đầu mở một số trường sang dạy học theo lối Pháp thì anh trai tôi thôi không học chữ Nho của thầy đồ làng mà chuyển sang học chữ Pháp ở Sen Hồ cách làng tôi hơn một cây số cho đến khi đỗ vào Trường Bách Nghệ tại Hà Nội. Anh tôi tham gia cách mạng từ năm 1935, bị bắt giam ở nhà tù Sơn La khoảng 1 năm, sau về Bến Thủy, rồi về làm thợ gò ở Nhà máy Kẽm Quảng Yên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 4/1937. Về Quảng Yên, anh tôi ở trong một căn nhà gần khu vực Chợ Rừng hiện nay và đưa tôi ra đây cho ăn học.
Sách Lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Yên 1930 - 2020 ghi: "Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Luận (tức Trần Danh Tuyên) đảng viên cộng sản bị lộ khi hoạt động ở Bến Thủy (Nghệ An) về Quảng Yên xin vào hoạt động ở Nhà máy kẽm để liên lạc với tổ chức, gây dựng cơ sở đảng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Luận đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở thị xã Quảng Yên, tạo cơ sở cho việc thành lập Chi bộ Đảng ở Nhà máy kẽm".
Trần Danh Tuyên phấn đấu từ thợ nguội được đưa lên làm thợ mẫu ở Nhà máy kẽm. Đồng chí làm Bí thư Chi bộ Nhà máy kẽm - chi bộ Đảng đầu tiên ở Quảng Yên. Ông Nguyễn Ngọc Đàm kể tiếp: Thỉnh thoảng ông anh tôi có ghé về thăm nhà nhưng chẳng bao giờ thấy cho bố mẹ được một xu nào cả. Sau này hỏi ra tôi mới biết anh tôi dành tiền lương của mình để nuôi các đồng chí đảng viên ở Nhà máy kẽm, những người mới đi làm, người chưa có lương. Sau khi anh tôi bị bắt với một số đồng chí khác, bị tra tấn dã man nhưng không có đủ căn cứ, kẻ địch vẫn xử tù khổ sai và cấm không cho đi khỏi nơi làm việc tại Nhà máy kẽm Quảng Yên".
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Danh Tuyên được cử giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội một thời gian ngắn, người thay ông là ông Hoàng Tùng. Năm 1946, đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Quảng Yên. Sau đó, đồng chí Trần Danh Tuyên được cử giữ các chức vụ Xứ ủy viên Bắc Kỳ; Thường vụ Khu ủy Liên khu I; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định. Năm 1951, được cử làm Trưởng tiểu ban Công vận theo Nghị quyết của Ban Bí thư.
Năm 1954, đồng chí Trần Danh Tuyên được cử tham gia Đảng uỷ tiếp quản Hà Nội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đảng ủy tiếp quản gồm 11 người: Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Lê Trung Toản, Lê Quốc Thân, Vương Thừa Vũ, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Trần Sâm, Minh Việt, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa.
Tháng 11/1954, đồng chí Trần Danh Tuyên được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội, kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Hà Nội (1955-1956), Bí thư Thành ủy Hà Nội (1955-1961), Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội. Từ năm 1960 đến năm 1976, đồng chí là Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Công nghiệp Trung ương.
Đồng chí Trần Danh Tuyên là đại biểu Quốc hội Việt Nam liên tục từ khóa I đến khóa VI, Ủy viên Ủy ban thống nhất của Quốc hội vào năm 1963, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch và ngân sách Quốc hội khóa III (1964-1967). Ngày 22/2/1967, đồng chí Trần Danh Tuyên thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách Quốc hội để nhận nhiệm vụ mới ở Hội đồng Chính phủ.
Từ tháng 2/1967 đến tháng 12/1969, đồng chí là Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng. Sau đó, giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư (Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Vật tư, nay là Bộ Công Thương). Từ năm 1969-1976, đồng chí là Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á-Phi của Việt Nam.
Đồng chí Trần Danh Tuyên còn tham gia công tác công đoàn. Từ giữa năm 1952 đến tháng 8/1954 ông giữ chức vụ Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa I, sau đó là Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam khóa II thời kỳ 1961-1974. Đồng chí Trần Danh Tuyên mất tại nhà riêng năm 1997.
Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của đồng chí Trần Danh Tuyên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng năm 2008. Tên đồng chí được đặt cho một phố tại thị xã Quảng Yên (từ đường Nguyễn Bình đến kênh nổi) và một phố tại quận Long Biên (Hà Nội) nối từ đoạn cuối khu đô thị Sài Đồng đến giao cắt với Quốc lộ 1B (tiếp giáp khu đô thị Vincom Village).
Nhớ về người anh của mình, ông Nguyễn Ngọc Đàm chia sẻ: "Đối với tôi, trong những năm được sống gần anh cũng như sau này, tôi học tập và noi gương anh về tinh thần làm việc không quản ngại khó khăn, gian khổ, tận tụy sâu sát gần gũi với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng bào".
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()