Tất cả chuyên mục

Trên đất nước ta, trong số các nhân vật lịch sử được nhân dân tôn thờ là thần, thánh hay thành hoàng có lẽ không ai nhiều hơn là Trần Hưng Đạo - người mà tên tuổi đã gắn liền với chiến công ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông (thế kỷ 13-14), đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
![]() |
Tượng Trần Hưng Đạo ở đình Trung Bản, xã Liên Hoà, huyện Yên Hưng. |
Ở Quảng Ninh, tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo có từ lâu đời. Nơi thờ ông nhiều nhất là ở huyện Yên Hưng, mảnh đất lịch sử đã gắn liền tên tuổi của ông với trận đại thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288. Trong số đó, có những nơi thờ ông là thần chủ như đền Trần Hưng Đạo, đình Yên Giang (xã Yên Giang), đình Trung Bản (xã Liên Hoà); có nơi phối thờ với các thần khác như ở đền Trung Cốc (xã Nam Hoà), đình Đền Công (xã Điền Công, nay chuyển thuộc thị xã Uông Bí)v.v. Trong số các sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn còn giữ lại ở các di tích trên cũng như nhiều di tích khác thờ ông, đều dùng những mỹ từ ca ngợi công ơn to lớn của Trần Hưng Đạo “sống là tướng, thác là thần”, “uy vũ, linh ứng cảm biến cả trời đất”. Tất cả các sắc phong của các triều đại đều là phong cho Trần Hưng Đạo là “thượng đẳng thần”- chức vị cao nhất của các vị thần (hai chức vị thấp hơn là trung đẳng thần và hạ đẳng thần). Ngoài ra, hầu như tất cả các đình, đền thờ Trần Hưng Đạo đều lưu giữ được nhiều những câu đối, đại tự ca ngợi công ơn, đức tính trung hiếu vẹn toàn của Trần Hưng Đạo. Đối với một số đền thờ như đền Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), tuy thần chủ là các con trai của ông như Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng nhưng tượng của Trần Hưng Đạo bao giờ cũng đặt ở vị trí cao nhất của ban thờ, cho dù kích thước có thể nhỏ hơn. Tại đình Trung Bản hiện lưu giữ được pho tượng Trần Hưng Đạo được các nhà mỹ thuật Việt Nam đánh giá là đẹp nhất cả nước. Theo truyền thuyết, trong lúc chỉ huy chiến trận Bạch Đằng, búi tóc ông bị xổ ra, ông bèn chống kiếm đứng búi lại tóc. Về sau nhân dân đã dựng đình trên vị trí ông chống kiếm búi tóc năm xưa và pho tượng đã được mô tả đúng như truyền thuyết: Tay phải tượng cầm cây trâm cài đầu, phía sau mái tóc dài gần ngang lưng. Ngoài các đền, đình, miếu, nghè, Trần Hưng Đạo còn được thờ ở nhiều chùa gọi là “cung Trần triều”, hay “cung Đức Thánh Trần”, như ở chùa Long Tiên (TP Hạ Long), chùa Phả Thiên (thị xã Cẩm Phả)…
Như một sự tất yếu, ở những nơi thờ Trần Hưng Đạo đều có gắn với lễ hội. Ngoài tỉnh, đáng kể có hội Đền Trần (Nam Định) ngày 14-1 âm lịch, hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương) ngày 20-8 âm lịch. Trong tỉnh Quảng Ninh, lớn nhất là lễ hội đền Trần Hưng Đạo ở xã Yên Giang. Theo tục lệ, vào chiều ngày 7-3 âm lịch sẽ tiến hành rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền về đình Yên Giang. Sáng sớm ngày chính hội 8-3 âm lịch (hay còn gọi là ngày “giỗ trận” Bạch Đằng) sẽ rước tượng từ Đình trở lại Đền. Đám rước thường kéo dài hàng cây số, với hàng ngàn người tham gia. Hai bên con đường đám rước đi qua, nhân dân bày mâm lễ hoa quả, thắp hương trông lên kiệu mà bái vọng, cầu mong Đức Thánh Trần phù hộ cho mưa thuận gió hoà, nhà nhà mạnh khoẻ, an vui...
Theo dòng chảy của cuộc sống, tục thờ Trần Hưng Đạo đã và vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ trong đời sống tâm linh của các thế hệ người Việt Nam. ở góc độ nào đó, nó còn góp phần tạo nên những bản sắc văn hoá của vùng đất và con người Quảng Ninh.
Ý kiến ()