Tất cả chuyên mục

LTS: Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đã diễn ra hết sức trọng thể từ ngày 26 đến 28 -11-2008, tại nhiều địa phương trong nước, mà tâm điểm là Yên Tử, nơi ngài sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.
Trong số các hoạt động tưởng niệm, đáng chú ý là cuộc hội thảo khoa học: “Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời và sự nghiệp”. Tại hội thảo, nhiều tham luận của các nhà khoa học đã đề cập đến chủ đề này trên ba phương diện: “Vua Trần Nhân Tông: Con người và thời đại”, “Vua Trần Nhân Tông: Anh hùng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, “Di sản tư tưởng và văn hoá của thời đại nhà Trần và của vua Trần Nhân Tông”...
Các tăng ni và đại biểu tham dự cuộc Hội thảo.
Ảnh: Nguyên Hạnh
Trang chuyên đề Văn hoá số Thứ bảy tuần này xin dành để giới thiệu một số ý kiến tham luận tại hội thảo...
Nguyễn Quỳnh Anh và Lê Hoàng Việt Lâm (Khoa Triết học, Đại học An ninh nhân dân):
Trần Nhân Tông - Ngọn cờ đoàn kết toàn dân...
“Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1285, 1287), Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ đoàn kết nhân dân cả nước, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhân dân.Nguyễn Đăng Thục đã viết:”Huống chi lòng vua yêu nước, quên mình, trong lúc hoạn nạn đã cùng với bình dân chia miếng cơm hẩm, lại khéo biết khích lệ các tướng sỹ; như cảnh ngộ khi quân Thoát Hoan rầm rộ tràn sang qua cửa Chi Lăng, quan quân ta đánh ở Vạn Kiếp.Vua ngự chiếc thuyền nhẹ đi Hải Đông, đã muộn mà chưa ăn sáng, tiểu tốt Trần Lai dâng bát cơm hẩm, vua khen là trung...”. Chính tinh thần ấy là sức mạnh khiến cho vua tôi một dạ, vượt qua gian nan, thử thách, chung lưng đấu cật giữ vững nền độc lập của nước nhà... Xã tắc lưỡng hồ lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu”(Xã tắc hai lần phiền ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Hai câu thơ trên đã ghi lại chiến công oanh liệt của dân tộc ta trước kẻ thù hung bạo, đồng thời cũng là minh chứng cho tấm lòng yêu nước, thương dân của Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng của non sông Đại Việt...”.
GS,TS Nguyễn Hùng Hậu (Viện triết học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh):
Trần Nhân Tông đã làm cho thời Trần càng thêm oanh liệt
Dưới thời Trần Nhân Tông, tinh thần dân tộc được dâng cao chưa từng thấy. Cái đó không chỉ thể hiện qua việc đánh đuổi đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ ra khỏi bờ cõi mà còn ở việc hình thành chữ viết riêng - chữ Nôm và hình thành một thiền phái Phật giáo hoàn toàn mang màu sắc Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử... Có thể nói, Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị nhìn xa trông rộng mà còn là nhà quân sự có tài; không chỉ là nhà ngoại giao, mà còn là nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ; không chỉ là bậc quân vương mà còn là nhà tu hành; không chỉ là nhà văn hoá mà còn là vị thiền sư lỗi lạc.Thời đại oanh liệt đã sản sinh ra ông và ông đã làm cho thời Trần càng thêm oanh liệt. Với ông, sự xuất hiện, ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một hệ quả tất yếu để tiếp nối và hoàn tất sự nghiệp vang dội ở bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng...”.
Trần Ngọc Hằng (Phó ban Quản lý Dự án xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam):
Trân Nhân Tông là đỉnh cao của vua đời và vua đạo
Sau thời kỳ khôi phục chiến tranh, dân nước có phần thịnh vượng, vua Trần Nhân Tông theo gương Đức Phật, đã bỏ ngai vàng điện ngọc, không màng đến dục vọng và danh lợi về nơi rừng núi Yên Tử tu hành là một sự chiến thắng phi thường. ở nơi rừng núi Yên Tử, ngài hoà đồng với cỏ cây, muông thú, không còn kẻ hầu người hạ, sống với chính mình, đây là cái thắng cao nhất ở đời; đó là bậc đại tài, đại dũng, là người thầy cao nhất cho mọi tầng lớp, từ vua chúa, quan lại, cao tăng, đại sỹ cho đến thường dân noi theo gương nhà vua tu học để có được trí cao. Khi có trí cao là điều kiện trước tiên để phá si mê, có được nguồn sáng soi xét thực hư, sống trong sự tỉnh thức để thấy rõ Phật tính hiển lộ... Nước ta có một vị vua đã tu hành tìm đường giải thoát khổ đau cho toàn dân tộc bằng con đường tu tập theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái rất thực tế với hoàn cảnh sống của dân tộc Việt Nam. Mọi người sẽ thực hiện tu thiền mọi lúc, mọi nơi, không câu nệ vào những lễ nghi tập tục dân gian, cốt sao bên ngoài không dính mắc, trong tâm an định, không vọng tưởng...
Trên ngai vàng, Trần Nhân Tông là đỉnh cao của Vua Đời, còn trên đường tu, Người là đỉnh cao của Vua Đạo, là ngọc sáng trong hồn thiêng dân tộc, để muôn đời cả dân tộc noi theo như một vị Phật tại thế.
Trần Xuân Hiển (Ban Tôn giáo Chính phủ):
Tư tưởng tích cực của Người cần được phát huy trong thời đại ngày nay
Có thể nói, thái độ sống của Trần Nhân Tông là rất hiền triết. Tư tưởng đó là triết lý rất riêng của Việt Nam, gọi là siêu vượt triết lý hay triết lý nhân bản thực tại luận, vừa giải quyết vấn đề giải thoát của nhân sinh, vừa giải quyết các vấn đề của quốc gia, xã hội...Chính vì thế, tư tưởng của Người cần được cổ suý để thế hệ sau luôn ghi nhớ về cội nguồn, biết trân trọng, giữ gìn những giá trị lịch sử truyền thống vào công cuộc xây dựng và phát huy những giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thượng toạ Thích Thanh Nhã (Chùa Trấn Quốc, Hà Nội):
Tính dân tộc và quan điểm lấy dân làm gốc của Trần Nhân Tông đã truyền cho chúng ta nền tư tưởng đạo đức gốc rễ...
Tính dân tộc và quan niệm lấy dân làm gốc của các vị tổ sư, đặc biệt là của Trần Nhân Tông, đã truyền lại cho chúng ta nền tư tưởng đạo đức gốc rễ, truyền cho chúng ta sức mạnh và làm ngọn đuốc soi đường cho phương châm hành động. Ngày nay, phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Đạo pháp- Dân tộc và CNXH”, đạo Phật nhập thế, thực hành pháp thế dân gian với tinh thần từ bi hỷ xả, nên chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, những biến cố thăng trầm, những bất đồng dị biệt, để có một khối hoà hợp đại đoàn kết, phát huy tinh thần và sự vô uý mà ra sức phục vụ Đạo và Đời. Tình yêu thương, cứu độ chúng sinh của Trần Nhân Tông một lần nữa làm sáng lên chân lý giản dị của Phật giáo; đó là: Lấy tình yêu thương, từ bi, hỉ xả mới xoá được hận thù và nghèo đói, đất nước thanh bình, muôn dân hạnh phúc yên vui...
TS Trần Thuận (Khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh):
Thiền phái Trúc Lâm góp phần đánh bại âm mưu đồng hoá của ngoại bang
Bằng những hoạt động của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm đã có tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Đây là một dòng thiền của người Việt, do người Việt lập nên với những điểm đặc biệt, nó đáp ứng được những yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc. Thực tế cho thấy, một khi xã hội rơi vào tình trạng bệ rạc, đạo đức xã hội suy đồi, tệ nạn gia tăng, thì việc hướng thiện, trau dồi nhân phẩm cũng như giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là việc làm cần thiết và cấp bách. Việc Trúc Lâm Đầu Đà đem giáo lý Thập thiện giáo hoá nhân dân, để cho người dân có nếp sống đạo đức, làm cho đời sống xã hội lành mạnh, đã góp phần giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc, đánh bại âm mưu đồng hoá của ngoại bang, tức góp phần giữ gìn được nền độc lập dân tộc vậy...
PGS Nguyễn Đức Sự (Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện KHXH Việt Nam):
Bài học về niềm tin vào sức mạnh nhân dân
Tầm cao tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông đã để lại cho các tầng lớp nhân dân nước ta ngày nay những bài học vô cùng quý giá. Trước hết, đối với những phật tử, những tín đồ Phật giáo, đó là bài học về sự chân tu theo lời dạy của Đức Phật phải kết hợp với sự tham gia tích cực vào công cuộc dựng nước và giữ nước của toàn dân, bảo đảm vừa tốt đời vừa đẹp đạo, vừa đi theo chính đạo của Phật giáo, vừa gắn mình với khối đoàn kết dân tộc và phục vụ cho lợi ích dân tộc. Còn đối với tất cả những công dân Việt Nam hôm nay, đó là bài học về quyết tâm giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và trong xây dựng hoà bình để làm cho dân giàu nước mạnh, “non sông ngàn thuở vững âu vàng”. Đó còn là bài học về niềm tin vào sức mạnh của nhân dân và hết lòng quan tâm đến lợi ích của nhân dân.
TS Nguyễn Tài Đông (Viện Triết học, Viện KHXH Việt Nam):
Thiền của Trần Nhân Tông mang đậm hơi thở cuộc sống
Nhìn từ góc độ tư tưởng, quan điểm “Tức tâm tức Phật” và “vô niệm” của Trần Nhân Tông đã phủ định mọi bó buộc về bên ngoài, phá vỡ mọi chấp trước, loại bỏ mọi quyền uy của truyền thống cũng như của hiện tại, tất cả chỉ dựa vào tâm; và từ góc độ này con người có thể trở thành chủ thể của chính bản thân mình, tác dụng giải phóng tư tưởng này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong suốt chiều dài của xã hội chuyên chế phong kiến. Song thiền của Trần Nhân Tông không phải thoát ly cuộc sống, mà ngược lại nó lúc nào cũng mang đậm hơi thở của cuộc sống, chứng minh thiền của Trần Nhân Tông sinh ra chính từ sự đau đáu với cuộc đời, với hạnh phúc nhân sinh. Có thể Phật giáo quan niệm đời là bể khổ, song với Trần Nhân Tông cuộc đời của mỗi người chính là một mùa xuân và phải sống làm sao để không uổng phí mùa xuân đó.
TS Hoàng Thị Thơ (Viện Triết học, Viện KHXH Việt Nam)
Tư tưởng của Trần Nhân Tông giúp phật giáo việt nam luôn đồng hành cùng dân tộc
Tinh thần nhập thế theo quan điểm “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông đã trở thành một khuynh hướng lành mạnh để Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong thời chiến cũng như trong thời bình; trong kiến thiết xây dựng cũng như trong giao lưu, hội nhập kinh tế, văn hoá và Phật giáo thực sự đóng vai trò là một tôn giáo dân tộc. Phật giáo Việt Nam thời Trần được đánh giá như một hệ thống tư tưởng tích hợp, phù hợp với thực tiễn của dân tộc Đại Việt và trở thành phương thức sống của Phật giáo Việt Nam.Có thể thấy mỗi lần phục hưng, chấn hưng là một lần Phật giáo Việt Nam trở về và tiếp tục triển khai tinh thần nhập thế của “Cư trần lạc đạo” để phát huy hơn nữa sức sống nội tại của dân tộc Việt trong Phật giáo truyền thống. Ngày nay triết lý “Cư trần lạc đạo” của Phật giáo Việt Nam có cơ hội phát huy tính tích cực của Phật giáo dân tộc trong hình thức các thể chế xã hội công dân để tham gia vào các hoạt động xã hội, thậm chí các hoạt động chính trị, kinh tế toàn dân...
PGS,TS Lê Cung (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm, Đại học Huế):
Phải chăng lịch sử đã chưa có một cái nhìn toàn diện về sự nghiệp của Trần Nhân Tông?
Sự nghiệp của Trần Nhân Tông đối với dân tộc trên ba lĩnh vực: Giữ nước, dựng nước và mở nước thật vĩ đại. Một vấn đề đặt ra là phải chăng lịch sử đã chưa có một cái nhìn toàn diện về sự nghiệp của Trần Nhân Tông? Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử, tôi tin không như thế! Nhưng nếu điều tôi tin là sự thực thì tại sao nhiều thành phố, thị xã, thị trấn trong cả nước, tên đường phố Trần Nhân Tông lại ít xuất hiện? Và nếu có chăng cũng chưa tương xứng với sự nghiệp vĩ đại của vị Vua - Phật Trần Nhân Tông. Có điều đáng nói là Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Đà Nẵng và Hội An là những nơi mà dấu ấn mở nước của Trần Nhân Tông rất đậm nét lại không có một con đường nào mang tên Trần Nhân Tông?
TS Đặng Văn Bài (Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL):
Cần biến tiềm năng văn hoá khu di tích Yên Tử thành những sản phẩm du lịch-văn hoá-tâm linh
Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm đã để lại cho thế hệ chúng ta một di sản văn hoá có giá trị ở cả hai khía cạnh vật thể và phi vật thể, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là: Một mặt, tiếp tục nghiên cứu để đánh giá một cách toàn diện các giá trị tiêu biểu của di sản văn hoá gắn liền với Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm; mặt khác, phải triển khai các dự án liên ngành để biến tiềm năng văn hoá khu di tích và danh thắng Yên Tử thành những sản phẩm du lịch - văn hoá - tâm linh, nhằm đưa tới hiệu quả thiết thực của các hoạt động bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hoá, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguyễn Đại Đồng (Nhà nghiên cứu Hà Nội):
Một nền tảng đạo đức tốt đẹp như vậy sẽ giúp đất nước ngày một phát triển, thịnh vượng
Những tư tưởng tiến bộ mà Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập cách đây hơn 700 năm đến nay vẫn thích hợp với dân tộc Việt Nam đang mở cửa hội nhập với thế giới.Cả nước hiện có 27 thiền viện Trúc Lâm chứng tỏ dòng thiền Trúc Lâm đã đi vào lòng người, mang lại sự an lạc hạnh phúc cho con người nên mọi người đã trở về nguồn cội, trở về hạnh phúc nơi nội tâm. Nhưng thời đại mới cần có tư tưởng mới. Việc này đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng ni, phật tử cả nước trong khi kế thừa và phát huy di sản tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm cần có những điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, hoà nhập mà không mất đi bản sắc dân tộc; sao cho con người sống giữa thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão luôn cân bằng nơi tâm của mình. Bởi người tu theo đạo Phật chính là người đem tâm mình trở về từng giờ, từng phút, sống với cái tâm thanh tịnh để trở thành Phật. Khi tâm thanh tịnh thì trí tuệ sẽ sáng, khi tâm vọng động thì chúng ta sẽ si mê. Một nền tảng đạo đức tốt đẹp như vậy sẽ giúp đất nước ngày một phát triển và thịnh vượng. Phải chăng đó là chí nguyện của Trần Nhân Tông, vị Vua - Phật mà chúng ta phải chung tay, chung sức phấn đấu thực hiện trong thế kỷ XXI.
Hoà thượng Yoshimizu (Kiết Thuỷ Đại Trí - Nhật Bản):
Phật hoàng Trần Nhân Tông có sự tương đồng với Phật Hoàng Pháp Nhiên của Nhật Bản
Chúng tôi thuộc Phật giáo Tịnh độ tông, do ngài Pháp Nhiên (1133-1212) sáng lập; hiện nay Phật giáo Tịnh độ tông tính cả toàn nước Nhật gồm 9.000 ngôi chùa và có 12.000 vị tăng. Tuy rằng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Nhật Bản đều du nhập từ các nước lân cận, song các vị tổ của Phật giáo Nhật Bản đều là người Nhật; còn Phật giáo vào Việt Nam, các vị tổ thiền tông hầu như đều là các vị tổ của các nước lân cận. Thế nhưng nhìn lại lịch sử thì thấy rõ ràng chỉ vua Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh sáng suốt, hiền từ, đã ẩn tu trên Yên Tử và trở thành vị tổ thiền Trúc Lâm, người Việt Nam, mang bản sắc dân tộc Việt Nam thuần tuý. Đây phải chăng là điểm hết sức tương đồng giữa vua Trần Nhân Tông và Pháp Nhiên. Pháp Nhiên người Nhật Bản sáng lập Tịnh độ tông Nhật Bản; vua Trần Nhân Tông người Việt Nam sáng lập thiền Trúc Lâm Việt Nam; hai vị là quốc bảo nhân gian, đã cống hiến cho nhân loại nói chung và cho Phật giáo nói riêng. Trong mỗi hành giả chúng ta, là người hậu học, lấy Phật làm gốc, lấy Tổ làm đầu, ai cũng cần phải trang bị cả Thiền lẫn Tịnh. Được như vậy là chúng ta đang thực hành “ngũ chủng chánh hạnh” và “tam vô lậu học”...
(Đầu đề do Toà soạn đặt)
Ý kiến ()